Bộ đội biên phòng được áp dụng 7 biện pháp để quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia

Luật Biên phòng Việt Nam đã luật hóa các biện pháp, hình thức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của bộ đội biên phòng. Theo đó, bộ đội biên phòng được áp dụng 7 biện pháp.

Luật Biên phòng Việt Nam vừa được công bố sẽ thay thế cho Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng hiện hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.

Luật Biên phòng Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội ở khu vực biên giới và mở rộng hơn so với Pháp lệnh bộ đội biên phòng. Cụ thể, Luật quy định về chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng.

Theo luật, biên phòng là tổng thể các hoạt - động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Ngoài ra, Luật cũng nêu rõ các khái niệm về nền Biên phòng toàn dân, Thế trận Biên phòng toàn dân và một số khái niệm khác có niên quan.

Ảnh minh họa (ảnh TTXVN)

Ảnh minh họa (ảnh TTXVN)

Luật đã quy định nhiệm vụ biên phòng một cách toàn diện, bao gồm 3 nhóm nhiệm vụ: Xây dựng - quản lý bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, lực lượng nhằm phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt, xác định rõ nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, hòa bình, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kinh tế, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường và bảo đảm việc thi hành pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng bao gồm: Lực lượng trực tiếp thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu là các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu và các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Đáng quan tâm, Luật Biên phòng Việt Nam đã luật hóa các biện pháp, hình thức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia của bộ đội biên phòng. Theo đó, bộ đội biên phòng được áp dụng 7 biện pháp, gồm: Vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang theo quy định của pháp luật và áp dụng các hình thức quản lý bảo vệ biên giới thường xuyên, tăng cường và hình thức quản lý, bảo vệ biên giới trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm, tình trạng chiến tranh.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về hệ thống tổ chức, trang bị, trang phục, màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết phương tiện, ngày truyền thống, tên giao dịch quốc tế, con dấu của bộ đội biên phòng.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bo-doi-bien-phong-duoc-ap-dung-7-bien-phap-de-quan-ly-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-220550.html