Bố đẻ, mẹ kế bạo hành con dã man sẽ bị phạt tù?

Hai năm sống với bố và mẹ kế, bé Gia K. (10 tuổi) bị bố đẻ bạo hành dẫn đến rạn xương sườn, chấn thương sọ não. Ông bố đã vi phạm những quy định nào?

Dưới đây là phân tích của luật sư Phạm Thị Bích Hảo (GĐ công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội).

Theo quy định của luật Trẻ em 2016, về quyền của trẻ em có 25 quyền, trong đó có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển.

Trẻ em có quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng để phát triển toàn diện; có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân.

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Trần Hoài Nam thực nghiệm lại hành vi tàn nhẫn với con trai đẻ của mình

Các vết sẹo chi chít trên người cháu bé. Ảnh: Đoàn Bổng

Bố mẹ có trách nhiệm đảm bảo quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền học tập để trẻ em phát triển toàn diện. Hiến pháp 2013 khẳng định “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”.

Luật Giáo dục 2005 sửa đổi, bổi sung 2009 quy định quyền và nghĩa vụ học tập của công dân như sau: Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo điều kiện để ai cũng được học hành. Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ để người nghèo được học tập, tạo điều kiện để những người có năng khiếu phát triển tài năng.

Điều 11 luật Giáo dục 2005 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định:

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước

Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập.

Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập.

Luật Trẻ em 2016 quy định:

Điều 16. Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu.

Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân.

Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh.

Căn cứ theo quy định trên, việc học tập là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân. Gia đình có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập.

Theo thông tin báo chí nêu nếu người bố không cho đi học đã vi phạm quyền học tập của trẻ và có thể xem xét xử phạt hành chính theo Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em với mức phạt đến 3 triệu đồng.

Điều 30. Vi phạm quy định về cấm cản trở quyền học tập của trẻ em

Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học.

Ngoài ra, nếu là cha mẹ vi phạm thì còn bị hạn chế quyền của cha mẹ với con.

Việc thương yêu, chăm sóc, nuôi dạy, giáo dục con cái không chỉ là vấn đề thuộc về đạo lý mà còn là quyền và nghĩa vụ pháp lý.

Theo khoản 1, khoản 2 điều 69 luật Hôn nhân và gia đình, cha mẹ phải thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức...

Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập.Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con.

Theo căn cứ tại khoản 1, điều 2, luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 quy định về các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng; Luật Hôn nhân và gia đình, luật Phòng, chống bạo lực gia đình đều nghiêm cấm hành vi bạo lực gia đình như hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của các thành viên khác trong gia đình…

Hành vi đánh con gây thương tích có thể xem xét xử phạt hành chính theo khoản 1, khoản 2 điều 49 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình bị xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 1-1,5 triệu đồng với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

Phạt tiền từ 1,5-2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

- Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

Nếu hành vi đánh đập, hành hạ đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của bộ luật Hình sự như tội cố ý gây thương tích. Tình tiết xâm hại đối với trẻ em cũng được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội.

Căn cứ theo kết luận điều tra mới có căn cứ xem xét trách nhiệm của người bố theo điều 104 lộ luật Hình sự: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Tùy theo mức độ thương tích mà áp dụng mức xử phạt dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.

Nếu phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31-60% hoặc từ 11-30% - nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 điều này, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Vết đỏ dài trên đầu cháu bé nghi bị bố và mẹ kế bạo hành. Ảnh: Đoàn Bổng

Nếu căn cứ theo kết luận điều tra, giám định tỷ lệ thương tích chưa đủ cấu thành tội cố ý gây thương tích thì có thể xem xét theo điều 151. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình.

Người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Hành hạ ông bà, cha mẹ, con, cháu, người có công nuôi dưỡng là hành vi đối xử tàn ác của cháu đối với ông bà, của con đối với cha mẹ, của vợ với chồng hoặc của chồng với vợ, cha hoặc mẹ đối với con, người được nuôi dưỡng với người có công nuôi dưỡng mình.Hành vi đối xử tàn ác được thể hiện như đánh đập và những hành động bạo lực khác một cách có hệ thống được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Thông thường, hành vi hành hạ được lặp đi lặp lại và kéo dài vài ngày, vài tuần, thậm chí hàng tháng, hàng năm.

Hành vi của người bố có thể xem xét cấu thành tội ngược đãi con khi người có hành vi ngược đãi hoặc hành hạ đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm hoặc gây thiêt hại nghiêm trọng về tính mạng sức khỏe bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Luật sưPhạm Thị Bích Hảo

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ho-so-vu-an/bo-de-me-ke-bao-hanh-con-da-man-se-bi-phat-tu-415741.html