'Bỏ cũ, thêm mới'

Năm 2018, đúc kết ngắn gọn nhất về xu hướng xây dựng thể chế kinh tế được Thủ tướng khẳng định đó là: Gỡ bỏ rào cản cho DN và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao để thúc đẩy, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Thế nhưng, những câu chuyện về pháp luật kinh doanh 2018 cũng vẫn còn những điểm mờ.rn

May hàng xuất khẩu tại Công ty May Đức Giang, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt

Báo cáo cho biết, trong năm 2018, các cơ quan Nhà nước ở T.Ư ban hành 948 văn bản quy phạm pháp luật. Riêng phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh đã được chuyển hóa thành gần 30 nghị định trong nhiều lĩnh vực, là một bước tiến lớn. Thế nhưng hầu hết các bộ, ngành phải đợi đến tháng 10 mới trình Chính phủ, tức là dưới sức ép của Chính phủ.
Trong năm qua, động lực cải cách chủ yếu đến từ Chính phủ, hầu như chưa có bộ nào có sáng kiến cải cách. Chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh thì chưa đồng đều, có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó, không thực chất. Nói như ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khi trình bày báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018” của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sáng 15/1 thì: Có tình trạng “bỏ cũ, thêm mới” trong cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Các giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân vẫn thiên về việc ưu đãi mà ngập ngừng trong việc giải quyết những vấn đề cốt lõi về thể chế như: Quyền tài sản đối với đất đai, bảo hộ sở hữu trí tuệ, chống gian lận, hàng giả hàng nhái, thực thi hợp đồng, sự minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý và quyền tự quyết của DN… Cải cách ở nhiều lĩnh vực vẫn còn chưa thực chất, vẫn đang dùng tư duy cũ để quản lý những mô hình kinh doanh mới... Tình trạng mỗi bộ ngành một luật, theo luật của bộ này thì đúng, nhưng chiểu theo luật của bộ kia thì sai…
Với số lượng DN hiện nay chỉ khoảng 600.000 DN, lượng DN thành lập mới trong năm 2018 không tăng đột biến, nhưng tổng số DN tạm ngừng hoạt động là 99.885 DN, tăng tới 51% so với cả năm 2017, lượng đóng cửa lại tăng gấp rưỡi năm 2017. Rõ ràng, môi trường kinh doanh còn nhiều vấn đề.
Liên tục dự tổng kết của các bộ, ngành những ngày qua, Thủ tướng luôn nhắc nhở các điểm còn tồn tại, hạn chế, đó là: Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của một số mặt còn chậm, thiếu đồng bộ. Các chính sách không ổn định, hay sửa đổi, gây khó khăn cho người dân và DN. Vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", “tham nhũng vặt”, chi phí không chính thức… sẽ giết chết DN.
Việt Nam còn rất nhiều dư địa để cải cách, có nhiều chỉ số xếp hạng thấp, chất lượng chưa cao. Hành trình tiến đến môi trường kinh doanh an toàn thuận lợi còn rất gian nan, bởi chế tài xử lý những người không cải cách còn nhẹ nên tính hiệu lực rất hạn chế. Làm sao đo đếm được con số cắt giảm trên báo cáo đã giúp DN tiết kiệm được bao nhiêu tiền, bao nhiêu thời gian. Cần thực hiện đồng bộ, triệt để giữa các cơ quan nhà nước, từ T.Ư đến địa phương… thay đổi theo cách hỗ trợ DN chứ không phải là cơ chế “xin - cho”. Quan trọng là các bộ, ngành phải thực hiện không chỉ vì tuân thủ yêu cầu của Chính phủ mà phải coi đây là trách nhiệm với xã hội, với đất nước, đối với sự phát triển kinh tế.

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bo-cu-them-moi-334332.html