Bộ Công Thương xử lý trách nhiệm lãnh đạo nhiều tập đoàn lớn

Theo Bộ Công Thương, đến nay đã có một số kết quả xử lý đối với nhiều cá nhân và tập thể tại các dự án nghìn tỷ thua lỗ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Dự án Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, một trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ ngành công thương

Về xử lý vi phạm của các tập thể, cá nhân tại các dự án, doanh nghiệp thua lỗ nghìn tỷ, trong báo cáo của Chính phủ về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án nghìn tỷ thua lỗ thuộc ngành công thương, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đến thời điểm này đã có kết quả xử lý đối với tập thể, cá nhân liên quan đến những khuyết điểm, sai phạm tại các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Theo đó, đối với tập thể, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hội đồng thành viên của Tập đoàn dầu khí Việt Nam và Hội đồng quản trị của Tập đoàn cổ phần Dệt may (Vinatex) phải chịu trách nhiệm với những khuyết điểm, sai phạm liên quan đến các dự án và bị đề xuất hình thức kỷ luật là phê bình nghiêm khắc.

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) tại thông báo kết luận của kỳ họp thứ 17 ngày 18/9/2017 đã yêu cầu xem xét thi hành kỷ luật đối các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam các nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010 - 2015.

Báo cáo cũng cho thấy, đối với các cá nhân thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, có tất cả 14 cá nhân nguyên là ủy viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của PVN qua các thời kỳ từ 2006 đến 2015 bị xử lý kỷ luật.

Ngoại trừ 1 người diện thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị xử lý về mặt kỷ luật Đảng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và 1 người đang bị tạm giam để điều tra nên chưa xem xét trách nhiệm về mặt hành chính, còn lại có 2 người bị hình thức kỷ luật cảnh cáo và 10 người nhận hình thức kỷ luật khiển trách.

Ngoài ra, UBKTTW đã quyết định cách chức Bí thư và phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu; khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Sơn và cảnh cáo đối với ông Nguyễn Quốc Khánh đều là nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn PVN.

“Riêng trường hợp ông Đinh La Thăng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu quyết định kỷ luật cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII”, báo cáo nêu rõ.

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai (Nhà máy thép Việt - Trung), một trong những dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành công thương

Về trách nhiệm và hình thức kỷ luật đối với các cá nhân thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), báo cáo của Chính phủ cho hay, tất cả thành viên Hội đồng quản trị của Vinatex qua các thời kỳ từ 2008 đến 2014 đều bị phê bình nghiêm khắc và kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Với các cá nhân thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỳ họp thứ 17 đã ra thông báo đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật với ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Cùng đó, kết quả cũng có quyết định kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng với ông Nguyễn Quốc Tuấn - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty, nguyên Chủ tịch HĐTV Vinachem; kỷ luật cảnh cáo với các ông Đỗ Quang Chiểu - nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty và ông Đỗ Duy Phi, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tổng giám đốc Vinachem.

“Bộ Công Thương đang khẩn trương xem xét thi hành kỷ luật về mặt hành chính đối với các tập thể và cá nhân của Vinachem”, ông Trần Tuấn Anh cho hay.

Báo cáo cũng cho thấy, trong thời gian tới sẽ sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tại các dự án, doanh nghiệp thua lỗ nghìn tỷ để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho nhà nước. Cùng đó, xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp.

Dự kiến đến hết năm 2018 sẽ phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp. Đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp.

“Hiện tại, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành, đơn vị có liên quan hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hành động chi tiết để triển khai thực hiện đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương để báo cáo xin ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo. Dự kiến sẽ ban hành vào đầu tháng 11 tới”, ông Trần Tuấn Anh cho biết thêm.

Phạm Tuyên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/bo-cong-thuong-xu-ly-trach-nhiem-lanh-dao-nhieu-tap-doan-lon-1203719.tpo