Bộ Công thương: 'Xả lũ gây ngập lụt, trong một số trường hợp phải chấp nhận'

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, có trường hợp do mưa lớn, lũ về nhiều nên để đảm bảo an toàn hồ đập, việc xả lũ gây ngập lụt phía hạ du.

 Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng trả lời câu hỏi của Đại biểu Mai Sỹ Diến về trách nhiệm của Bộ Công thương trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng trả lời câu hỏi của Đại biểu Mai Sỹ Diến về trách nhiệm của Bộ Công thương trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du. Ảnh: Minh Phúc.

Tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và đảm bảo an toàn hồ chứa diễn ra sáng 17/8, Đại biểu Mai Sỹ Diến (Phó đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) quan tâm đến việc một số hồ chứa xả nước gây ngập lụt cho vùng hạ du. Khi xảy ra thiệt hại về người và tài sản do nhân tai gây ra mới tổ chức cứu hộ, cứu nạn, vận động quyên góp, hỗ trợ người chết.

Đại biểu Diến đề nghị Bộ Công thương cho biết trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và báo cáo chính phủ về vấn đề này.

Thay mặt Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời vấn đề trên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ Công thương (là cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển các dự án thủy điện) đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT và các địa phương, chủ hồ đập để lập bản đồ quy hoạch ngập lụt vùng hạ du các hồ chứa thủy điện.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Luật Thủy lợi mới được ban hành và triển khai gần đây, cho nên không phải công trình nào cũng có bản đồ ngập lụt phía hạ du. Thời gian tới Bộ Công thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương để triển khai xây dựng bản đồ quy hoạch vùng ngập lụt theo Luật Thủy lợi và nghị định 114.

Cũng theo đại diện Bộ Công thương, trên phạm vi cả nước có 429 công trình thủy điện, tổng dung tích trữ nước các hồ chứa thủy điện là 56 tỷ m3 trong tổng số 70 tỷ m3 nước ở các hồ chứa (chiếm khoảng 86%). Điều đó cho thấy việc xây dựng, vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện có vai trò rất quan trọng.

Về mặt tích cực, nếu chúng ta vận hành tốt các hồ chứa thủy điện này thì sẽ giúp cắt giảm lũ trong mùa mưa lũ và bảo đảm nguồn nước trong mùa hạn. Tuy nhiên, nếu chúng ta vận hành không tốt thì sẽ nảy sinh những rủi ro rất lớn cho an toàn vùng hạ du.

Tuy nhiên “vẫn có trường hợp do mưa lớn, lũ về nhiều nên để đảm bảo an toàn hồ đập, việc xả lũ đã gây ra ngập lụt phía hạ du, điều này thì trong một số trường hợp chúng ta phải chấp nhận”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói.

Ông lý giải, khi chúng ta thiết kế dự án xây dựng hồ chứa thủy điện, phải chấp nhận các tình huống khi có mưa lớn với tần suất hàng trăm năm xảy ra một lần chẳng hạn. Để đảm bảo an toàn công trình, chúng ta vẫn phải xả nước, do đó xảy ra ngập lụt phía hạ du.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua còn xảy ra sự cố trong quá trình xây dựng các công trình hồ chứa thủy điện vừa và nhỏ thuộc trách nhiệm của các địa phương. Tuy nhiên, ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng, “nói như vậy không có nghĩa là Bộ Công thương không có trách nhiệm gì trong vấn đề này”.

Bộ Công thương đã nhìn thấy một số sự cố này, từ đó có sự phối hợp chặt chẽ giữa với Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT, các địa phương để hạn chế tối đa thiệt hại trong quá tình xây dựng hồ chứa thủy điện như sự cố xảy ra ở Đăk Nông hoặc sự cố ở trên Hà Giang đối với các dự án đang vận hành.

Minh Phúc - Đinh Tùng

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bo-cong-thuong-xa-lu-gay-ngap-lut-trong-mot-so-truong-hop-phai-chap-nhan-d271207.html