Bộ Công Thương ủng hộ việc di dời nhà máy gây ô nhiễm

Bộ Công Thương khẳng định, chắc chắn ủng hộ việc tiếp tục di dời các nhà máy ra khỏi các vùng dân cư. Quan điểm nhất quán là không lấy kinh tế đánh đổi môi trường.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa diễn ra, trả lời câu hỏi về việc gây ô nhiễm của Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định nhất quán chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là không thể đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc thực hiện với các bước đi cụ thể như thế nào, lộ trình ra sao thì phải phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, trong đó có tính đến thực trạng, điều kiện thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định quan điểm của Bộ là không đánh đổi môi trường lấy mục đích kinh tế.

Trước đây, Nhà máy Dệt kim Đông Xuân có trụ sở chính tại khu vực phố Nguyễn Công Trứ - Hòa Mã và đã phải di chuyển một lần. Hiện giờ chuyển về địa điểm thuộc phường Vĩnh Tuy và Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Cách đây khoảng 10 năm thì chưa thấy có sự việc gì, nhưng gần đây, khi yêu cầu của cuộc sống, dân trí, điều kiện – quy định về môi trường đã khác trước, người dân ở hai phường nêu trên đã có phản ánh đến chính quyền các cấp, các ngành, đặc biệt là các cơ quan quản lý về môi trường, các cơ quan chính quyền các cấp, của Thành phố Hà Nội.

Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi khẳng định, chắc chắn chúng tôi ủng hộ việc tiếp tục di dời các nhà máy ra khỏi các vùng đông dân cư, có thể việc sản xuất có thể ảnh hưởng đến môi trường và đời sống – sức khỏe của người dân. Quan điểm nhất quán là không lấy phát triển kinh tế đánh đổi môi trường.

Thứ trưởng cũng thông tin thêm: Nhà máy Dệt kim Đông Xuân chỉ là một đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), hiện nay Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã cổ phần hóa và Nhà nước hiện chỉ chiếm 53% vốn chủ sở hữu tại đây. Theo kế hoạch cổ phần hóa đã được Chính phủ phê duyệt, trong thời gian tới vốn chủ sở hữu do Nhà nước nắm giữ sẽ giảm đi đáng kể. Các doanh nghiệp cổ phần đều phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có quy định về môi trường và các quy định khác.

Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo Bộ phận đại diện phần vốn Nhà nước tại Vinatex có ý kiến với Hội đồng quản trị, Ban điều hành của Tập đoàn Dệt May Việt Nam để Vinatex chỉ đạo Công ty Dệt kim Đông Xuân tuân thủ các quy định của pháp luật và quan trọng nhất là bảo vệ môi trường, giảm thiểu việc ảnh hưởng đến đời sống của người dân, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Nhà máy này hiện nay có số lượng công nhân lớn và đang hoạt động hiệu quả, mang lại hiệu quả trước hết là cho Tập đoàn Dệt May Việt Nam và qua đó góp phần vào sự phát triển của kinh tế đất nước, đảm bảo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, Bộ Công Thương sẽ kiên quyết và có ý kiến theo thẩm quyền để Doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

PV

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bo-cong-thuong-ung-ho-viec-di-doi-nha-may-gay-o-nhiem-20180802101734832p0c77.htm