Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn 'Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới'

Để các cán bộ ngành Công Thương có cái nhìn tổng quát hơn về bức tranh hội nhập kinh tế quốc tế, Công đoàn Bộ Công Thương phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi tổ chức Diễn đàn 'Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới' vào ngày 9/10 tại Phú Thọ.

Diễn đàn “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới” tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ

Diễn đàn “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới” tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ

Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã chia sẻ các vấn đề liên quan đến tình hình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và những vấn đề liên quan đến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế và tác động của các hiệp định thương mại đến nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.

Thứ trưởng nhấn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế thực chất là chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với tình hình quốc tế, phù hợp với các định chế kinh tế thương mại song phương và đa phương, cùng nhau tuân thủ các cam kết đó để giải quyết vấn đề thị trường, hàng hóa và dịch vụ, làm cho các thị trường hoạt động có trật tự, giúp giảm thiểu các hành động “bóp méo” thương mại. Bên cạnh đó, hội nhập kinh tế quốc tế là phương tiện để hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định và bền vững.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì Diễn đàn

Trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, nhất là từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Việc mở cửa nền kinh tế trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần không nhỏ để duy trì tốc độ tăng trưởng cao hàng năm của nền kinh tế Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, hiện Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế ở mức rất cao với l 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết; đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực từ năm 2019, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) thực thi từ 1/8/2020. Việc chủ động tham gia và đàm phán các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, đã có tác động, ý nghĩa rất lớn, giúp thực hiện thành công chiến lược thị trường, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại.

Đánh giá về độ mở của nền kinh tế Việt Nam, Thứ trưởng nhận định, sau 13 năm kể từ khi Việt Nam hội nhập, GDP của Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, phúc lợi xã hội tăng lên rất nhiều, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng hơn 5 lần, độ mở của nền kinh tế liên tục tăng nhờ các hiệp định thương mại tự do. “Điều này cho thấy Việt Nam đã gắn bó sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới; đang trong tiến trình chỉ có tiến và tiến nhanh chứ không được đi chậm. Đây là cũng là minh chứng cho đường lối, chủ trương chính sách hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế” - Thứ trưởng nhấn mạnh thêm.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ các vấn đề liên quan đến tình hình hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hội nhập kinh tế quốc tế cũng mang lại không ít khó khăn như: Vấn đề môi trường, lao động chưa được quan tâm, nếu được quan tâm thì cũng chậm được xử lý; tâm lý bất mãn đã xuất hiện; khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng... Đó là những khó khăn cũng là thách thức đặt ra cho tổ chức Công đoàn trong việc thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong bối cảnh mới.

Qua diễn đàn lần này, cán bộ ở các cấp Công đoàn Bộ Công Thương đã có một cái nhìn toàn diện về hội nhập kinh tế quốc tế; vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới. Trong đó, để tận dụng những cơ hội mới, cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 là cơ hội rất lớn để chúng ta đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, định vị đất nước ở vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước. Đây chính là những nhân tố thuận lợi để Việt Nam tiếp tục hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập và phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ hội nhập theo hướng chuyên nghiệp, bản lĩnh, có trình độ chuyên môn, kỹ năng là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã tham quan, trao đổi kinh nghiệm với Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì.

Hoàng Lan - Thu Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-to-chuc-dien-dan-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-trong-tinh-hinh-moi-145224.html