Bộ Công Thương tìm hướng tiêu thụ các mặt hàng nông sản

Để hạn chế lây lan của dịch nCoV, một số cửa khẩu xuất khẩu nông sản đã tạm thời đóng cửa ngừng thông quan nên một số mặt hàng nông sản như: thanh long, dưa hấu và dự báo trong thời gian tới là vải, xoài đã và đang gặp khó khăn trong tiêu thụ, Bộ Công Thương đang tìm giải pháp kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản.

Bộ Công Thương tìm hướng tiêu thụ các mặt hàng nông sản trong tâm dịch Corona
(Ảnh minh họa. Nguồn: K.D)

Phản ánh những khó khó khăn tại địa phương, tại cuộc họp Bộ Công Thương tổ chức ngày 11/2, bà Phạm Thị Doan – Giám đốc Sở Công Thương Sơn La cho biết, địa phương đang có 10 mặt hàng nông sản chính tham gia vào hoạt động xuất khẩu, trong đó có 6 mặt hàng quả gồm xoài, nhãn, chanh leo, thanh long, mận, chuối và 4 mặt hàng nông sản chế biến gồm đường, cà phê, chè, tinh bột sắn. Hiện, phần lớn các sản phẩm nông sản tham gia xuất khẩu cả tỉnh chưa tới thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, do dịch nCoV nên hiện sản phẩm chuối của tỉnh hầu như không xuất khẩu được, chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh cũng như bán cho thương lái. Đối với tinh bột sắn, sản lượng khoảng 60 nghìn tấn, chủ yếu phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, việc tạm dừng hoạt động mua bán, xuất khẩu qua một số cửa khẩu của Trung Quốc ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tiêu thụ của các doanh nghiệp.

Các sản phẩm chuẩn bị đến vụ thu hoạch gồm: xoài 192.500 tấn, trong đó xuất sang Trung Quốc khoảng 35.000 tấn; nhãn 215.700 tấn, trong đó xuất sang Trung Quốc hơn 4.300 tấn; chanh leo 48.000 tấn trong đó 2.300 tấn phục vụ xuất khẩu chủ yếu tại Trung Quốc; mận hậu sản lượng 98.000 tấn trong đó 19.000 tấn xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc và Campuchia dự kiến sẽ gặp khó khăn nếu diễn biến dịch nCoV tiếp tục phức tạp.

Bà Phạm Thị Doan cho hay, trước tình hình này, tỉnh sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về thị trường cho các hợp tác xã sản xuất để điều tiết sản lượng trong năm 2020. Đối với các sản phẩm chuẩn bị thu hoạch, tỉnh đã làm việc với một số doanh nghiệp có khả năng tiêu thụ để kết nối tiêu thụ sản phẩm của Sơn La; Công ty cổ phần thực phẩm Đồng Dao, NaFood… để có kế hoạch dài hơi bảo quản, chế biến.

Báo cáo cụ thể về số lượng, chất lượng, vùng trồng các sản phẩm nông sản dự kiến cần hỗ trợ tiêu thụ từ địa phương mình, ông Hà Lê Thanh Trung – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận cũng cho hay: hiện có 7.685 tấn thanh long đang lưu trữ tại các kho lạnh của doanh nghiệp tại Bình Thuận. Dự kiến, tổng sản lượng thu hoạch trong tháng 2 /2020 là 44.586 tấn, trong tháng 3/2020 là 43.840 tấn. Như vậy, tổng sản lượng cả lưu kho lạnh và dự kiến thu hoạch trong tháng 2 và 3 là 96.111 tấn.

Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho hay: phần lớn sản phẩm nông sản đều tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc, dịch nCoV khiến cho việc xuất khẩu nông sản của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Những mặt hàng đã kể trên hiện nay đang bị vướng, nhiều nhất là mặt hàng khoai lang khoảng 11.000 tấn, ớt khoảng 6.700 tấn, nhãn 1.200 tấn…

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, nếu như mặt hàng thanh long sản lượng không lớn lắm, ngành Công Thương Đồng Tháp đã cố gắng liên hệ một số đơn vị nhà phân phối tiêu thụ tương đối tốt, không cần "giải cứu" thì theo ông Nguyễn Hữu Dũng, một số mặt hàng trái cây, tương lai sẽ xấu đi. Cụ thể, xoài là mặt hàng chủ lực của tỉnh, trong vòng khoảng 30 ngày nữa sẽ thu hoạch với gần 11.000ha xoài Cát Chu và cát Hòa Lộc sản lượng khoảng 90.000 tấn.

Trước tình hình của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thanh long mùa vụ ngắn nên trước hết phải tập trung tiêu thụ vào thị trường nội địa. Về thúc đẩy tiêu thụ thanh long sang 2 thị trường Campuchia và Myanmar, đây là 2 thị trường tương đối khả thi, thứ trưởng đề nghị Vụ Thị trường châu Á - châu Phi lưu ý vấn này.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh, vấn đề căn cốt không phải là hỗ trợ tiêu thụ mà phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất phải gắn với thị trường thì mới bền vững được.

Đối với những kiến nghị đề xuất chính sách hỗ trợ của Tiền Giang, Bình Thuận… liên quan logistics, chi phí, tiền điện, thuế thu nhập doanh nghiệp… Bộ Công Thương sẽ tổng hợp lại kiến nghị với các cấp cơ quan, có thẩm quyền.

Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Cục Xuất Nhập khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ thúc đẩy mở cửa thị trường cho trái thanh long vào các thị trường khác ngoài Trung Quốc. Trước mắt, lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh phân phối trái cây, nhất là thanh long tại các thị trường Campuchia, Myanmar. Xem xét, có chính sách hỗ trợ tiền điện cho các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Kiến nghị Bộ Tài chính có chính sách hỗ trợ giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chính ngạch trong giai đoạn dịch bệnh./.

K.D

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/bo-cong-thuong-tim-huong-tieu-thu-cac-mat-hang-nong-san-548386.html