Bộ Công Thương sẽ tăng cường các giải pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam

Trước tình trạng vi phạm xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, trong đó giao Bộ Công Thương triển khai quyết liệt nhiều hoạt động, biện pháp cụ thể nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm

Chỉ với 35 nhân công, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng chục nghìn sản phẩm

Theo ông Trần Mạnh Cường – Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ), Tổng cục Hải quan – khi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xảy ra, Hoa Kỳ đang áp thuế cao lên nhiều dòng hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã lợi dụng hàng hóa có xuất xứ (C/)O Việt Nam để xuất khẩu (XK) sang nhiều thị trường, đặc biệt là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… nhằm hưởng lợi từ thuế ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu (NK) có xuất xứ Việt Nam.

Cơ quan chức năng vừa phát hiện Công ty TNHH Xe đạp Excel 100% vốn đầu tư của Trung Quốc giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu hàng chục nghìn xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện… sang Hòa Kỳ

Cơ quan chức năng vừa phát hiện Công ty TNHH Xe đạp Excel 100% vốn đầu tư của Trung Quốc giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu hàng chục nghìn xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện… sang Hòa Kỳ

Điển hình, ngay từ năm 2017, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng phát hiện Công ty TNHH XNK INTERWYSE NK mặt hàng theo khai báo là “củ loa, sạc điện thoại mới có C/O Trung Quốc” có xuất trình C/O mẫu E nhưng khi kiểm tra thực tế trên hộp đựng sản phẩm hàng hóa và trên hàng hóa thể hiện chữ đúc chìm “Made in Vietnam”. Ngay sau đó, cơ quan Hải quan Mỹ đã phát hiện Công ty FINEWOOD Việt Nam có hành vi NK mặt hàng gỗ dán từ Trung Quốc đưa về nhà xưởng để thay đổi nhãn mác và XK sang Mỹ với xuất xứ Việt Nam. Doanh nghiệp này có hành vi làm giả C/O do Việt Nam cấp nhưng thực tế hàng hóa không được NK vào Việt Nam hoặc hàng hóa đã XK ra khỏi lãnh thổ Việt Nam (làm giả C/O từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam).

Gần đây nhất, ông Trần Mạnh Cường thông tin, cơ quan chức năng đã phát hiện Công ty TNHH Xe đạp Excel có trụ sở tại tỉnh Bình Dương, là công ty 100% vốn đầu tư của Trung Quốc, NK 100% linh kiện, thiết bị xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện… từ Trung Quốc về Việt Nam. Tại nhà máy chỉ có khoảng 35 lao động thực hiện lắp ráp công đoạn đơn giản cuối, không trải qua bất kỳ công đoạn sản xuất, gia công nào khác, song, hàng chục nghìn sản phẩm sau đó được bao gói với bao bì in rõ “made in Vietnam” để XK sang thị trường Hòa Kỳ.

Táo tợn hơn, Công ty TNHH Xe đạp Excel còn gian dối trong quá trình làm các thủ tục để được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam (C/O Form B) nhằm hoàn thiện hồ sơ khi XK.

Trước tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam ngày càng gia tăng, trong năm 2019, cùng với chỉ đạo Hải quan các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xác định chứng nhận C/O, nhãn mác hàng hóa để tránh trường hợp hàng hóa nước ngoài “đội lốt” là hàng Việt, Tổng cục Hải quan đã xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát hàng hóa có nguy cơ chuyển tải bất hợp pháp, gian lận C/O.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan và đặc biệt là chính quyền các địa phương để thực hiện ngăn chặn hai chiều, hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam xuất đi nước ngoài để đảm bảo quyền lợi chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, không làm ảnh hưởng hình ảnh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra, quyết liệt xử lý

Nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 2020 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) vừa diễn ra, “muốn sản xuất được, muốn thị trường trong nước phát triển phải chống buôn lậu, gian lận thương mại" – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuât Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn trong công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, 5 lực lượng có vai trò quan trọng là: Công an, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và địa phương phải phối hợp chặt chẽ, nêu cao trách nhiệm trong thực thi công vụ, đặc biệt là công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Trong công tác phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa, trước đó 2 ngày, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ với mục tiêu tổng quát là ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động XNK, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc nếu có; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà sản xuất Việt Nam.

Tại Nghị quyết quan trọng này, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quanđến việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng tăng mức xử phạt đối với các hành vi liên quan đến gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hàng hóa nhằm tăng tính răn đe.

Bộ Công Thương cũng được giao nhiệm vụ theo dõi, thống kê, cập nhật thường xuyên và kịp thời cung cấp Danh sách các mặt hàng bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp bởi các nước thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, các mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cho Bộ Tài chính và các bộ, ngành, tổ chức liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để tăng cường kiểm soát chặt chẽ, kiểm tra, thanh tra, đặc biệt đối với việc cấp C/O và giám sát hoạt động đầu tư, sản xuất, XNK;… Áp dụng lộ trình phù hợp với cơ chế tự chứng nhận xuất xứ và giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu, phù hợp với hệ thống pháp luật cũng như điều kiện thực tế của Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ Công Thương phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức cấp C/O theo quy định hiện hành bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định về xuất xứ hàng hóa; tăng cường phối hợp giữa các tổ chức cấp C/O trong việc trao đổi thông tin, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ các cán bộ cấp C/O, nâng cấp cơ sở vật chất, lưu trữ hồ sơ, chứng từ... tạo thuận lợi cho việc xác minh xuất xứ khi có yêu cầu. Và thường xuyên giám sát, cập nhật thông tin dữ liệu về tình hình cấp C/O để phát hiện các diễn biến bất thường; tiếp tục triển khai rộng rãi cơ chế phân luồng trong việc tiếp nhận hồ sơ và cấp C/O, cập nhật thường xuyên danh sách các doanh nghiệp và mặt hàng trong diện nguy cơ rủi ro cao để đưa vào luồng đỏ…

Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-se-tang-cuong-cac-giai-phap-chong-gian-lan-xuat-xu-hang-hoa-viet-nam-131024.html