Bộ Công thương lý giải: Tại sao giá ô tô không giảm?

Cử tri cho rằng khi thuế nhập khẩu ô tô về 0%, kỳ vọng giá xe sẽ giảm khoảng 30%, nhưng thực tế người dân vẫn phải mua ô tô với giá đắt hơn.

Nhập khẩu ô tô từ khu vực thị trường ASEAN chưa có sự đột biến về tăng trưởng

Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thưởng (đoàn Phú Thọ) đặt vấn đề trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; tình trạng này có khiến Nhà nước thất thu thuế? Người dân chịu thiệt? Còn doanh nghiệp hưởng lợi?

Chờ đợi, nghe ngóng...…

Trả lời đại biểu Quốc hội, mới đây Bộ Công Thương cho biết: 9 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu ô tô đạt 40.295 chiếc, trị giá 922,7 triệu USD, giảm 43,7% về số lượng và giảm 40,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 25.724 chiếc, giảm 23,7%, ô tô trên 9 chỗ ngồi đạt 501 chiếc, tăng 1,2% và ô tô tải đạt 15.576 chiếc, giảm 57,2%.

Sau khi Nghị định 116 chính thức có hiệu lực, việc nhập khẩu ô tô bị chững lại trong các tháng đầu năm, sau đó tăng mạnh trở lại từ tháng 7/2018.

Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân của việc nhập khẩu giảm trong những tháng đầu năm là do: Một số doanh nghiệp chưa có giấy phép nhập khẩu ô tô do chậm hoàn thiện hồ sơ; Doanh nghiệp đã có giấy phép chủ động chưa đặt hàng để nghe ngóng về Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu - VTA, trong khi thời gian chờ từ khi đặt hàng đến khi có hàng mất khoảng 3 - 4 tháng, chưa kể thời gian vận chuyển; Một số doanh nghiệp đã sản xuất trong nước nên không nhập khẩu (Thaco với dòng xe MAZDA và TCG với dòng xe HYUDAI).

Ô tô nhập khẩu tập trung mạnh vào xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống (chiếm đến 63,8%), vì đây là dòng xe vừa phục vụ tiêu dùng, vừa phục vụ kinh doanh thương mại, giá thành giảm do một số loại thuế giảm (thuế ATIGA và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe dung tích nhỏ).

“Nhập khẩu ô tô từ khu vực ASEAN chưa có đột biến về tăng trưởng 9 tháng của năm 2018 nhập khẩu đạt 35.735 chiếc, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm đến 88,6% tổng lượng ô tô nhập khẩu cả nước; trong đó, nhập khẩu ô tô chủ yếu từ Thái Lan đạt 29.596 chiếc, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm đến 73,4% lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam; nhập khẩu ô tô từ Indonesia giảm 61,3% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 15,2% thị phần nhập khẩu ô tô cả nước” - Bộ Công Thương nêu rõ.

Thuế nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi từ khu vực ngoài ASEAN là 70%; Từ ASEAN là 0% từ 2018 (giảm từ mức 30%). Trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại ô tô có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống là 35% từ 2018 (giảm xuống từ mức 40%); Còn loại có dung tích xi lanh trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3 là 40% từ 2018 (giảm xuống từ mức 45%); Loại có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 là 60% từ 2018 (tăng từ mức 55%).

Tâm lý thích mua xe nhập ngoại hơn xe lắp ráp trong nước của một số bộ phận người dân, trong khi nguồn cung chưa đáp ứng đủ, nên doanh nghiệp kinh doanh ô tô duy trì giá bán cao

Giá cao vì tâm lý sính ngoại

Giá nhập khẩu ô tô trên thị trường nội địa theo Bộ Công Thương, phụ thuộc hoàn toàn vào giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài, không có sự can thiệp của Chính phủ. Đơn giá nhập khẩu bình quân ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống 9 tháng của năm 2018 là 20.599 USD/chiếc tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017. Đơn giá nhập khẩu bình quân ô tô từ khu vực ASEAN là 19.486 USD/chiếc tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó đơn giá ô tô nhập khẩu bình quân từ Thái Lan là 20.048 USD/chiếc tăng 10,3% so với 9 tháng năm 2017.

Bên cạnh đó, giá bán hàng hóa nói chung và giá bán xe ô tô trên thị trường Việt Nam nói riêng hoàn toàn theo cơ chế thị trường, không có bất kỳ sự can thiệp nào của Nhà nước. Giá bán ô tô nhập khẩu không giảm hoặc giảm không đáng kể khi thuế giảm do một số nguyên nhân. Trong đó, thuế nhập khẩu chỉ giảm về 0% từ khu vực ASEAN (Thái Lan,

Indonesia), nên xe nhập khẩu từ các nước ngoài ASEAN (Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Hoa Kỳ) không được giảm thuế, do đó xe nhập khẩu từ các nước này không có tác nhân để giảm giá bán trong nước.

Thị trường luôn trong tình trạng thiếu hàng; nhiều nơi thậm chí phải đặt hàng trước 2 - 3 tháng mới được nhận xe. Nhu cầu đối với các dòng xe nhập khẩu từ ASEAN vẫn ở mức cao, tâm lý thích mua xe nhập ngoại hơn xe lắp ráp trong nước của một số bộ phận dân cư, trong khi nguồn cung chưa đáp ứng đủ, nên doanh nghiệp kinh doanh ô tô duy trì giá bán cao.

Đối với xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN, giá nhập khẩu tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2017. “Nguồn cung hạn chế từ đầu năm đến nay. Từ tháng 7/2018, lượng xe nhập khẩu đã dần phục hồi, thậm chí lượng xe nhập khẩu trong tháng 8, tháng 9 rất cao so với mức trung bình nhập khẩu theo tháng năm 2017 (8.000) xe/tháng) nhưng tổng lượng cung ra thị trường vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu (tổng lượng xe con nhập khẩu vẫn giảm 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái); Thị trường luôn trong tình trạng thiếu hàng (nhiều nơi thậm chí phải đặt hàng trước 2 - 3 tháng mới được nhận xe)” - Bộ Công Thương nêu.

Cũng theo Bộ này, nhu cầu đối với các dòng xe nhập khẩu từ ASEAN vẫn ở mức cao, tâm lý thích mua xe nhập ngoại hơn xe lắp ráp trong nước của một số bộ phận người dân, trong khi nguồn cung chưa đáp ứng đủ, nên doanh nghiệp kinh doanh ô tô duy trì giá bán cao.

Dự báo tình trạng trên sẽ tiếp tục diễn biến đến hết năm 2018 và nửa đầu năm 2019, do vào dịp cuối năm nhu cầu mua sắm phục vụ Tết sẽ lên cao. Giá xe sẽ ổn định và giảm dần sau dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu mua sắm giảm xuống, nhập khẩu ổn định trở lại và nguồn cung từ các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước tăng.

Thanh Tuấn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bo-cong-thuong-ly-giai-tai-sao-gia-o-to-khong-giam-3964480-b.html