Bộ Công thương lên tiếng về nông sản 'đội lốt' hàng Việt

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo việc xử lý thông tin về nông sản nhập khẩu (NK) 'đột lốt' hàng Việt Nam.

Cơ quan chức năng giới thiệu cách phân biệt khoai tây Trung Quốc và khoai tây Việt Nam.

Theo đó, thời gian qua, tại các chợ dân sinh xuất hiện tình trạng một số nông sản, thủy sản không rõ xuất xứ được bày bán trên thị trường dưới tên gọi của sản phẩm cùng loại Việt Nam như nho Ninh Thuận, khoai tây Đà Lạt, cá tầm Sa Pa… Đặc biệt là mặt hàng khoai tây với số lượng lớn được chở về các chợ, thay bao bì, bôi thêm đất… để dễ đánh lừa người tiêu dùng. Qua kiểm tra, xác minh, các sản phẩm này hoàn toàn không phải hàng Việt Nam.

Nông sản “đội lốt” hàng Việt Nam chủ yếu diễn ra dưới 2 hình thức: Hàng NK được trộn cùng nông sản Việt Nam để bán ra thị trường; hàng NK được giới thiệu là hàng Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng NK đội lốt nông sản Việt Nam. Đó là các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa không yêu cầu thương nhân phải ghi hàng hóa đối với nông sản và thủy sản bán trực tiếp cho người tiêu dùng; Các quy định về truy xuất nguồn gốc chưa được áp dụng một cách toàn diện, triệt để đối với nông, thủy sản; Pháp luật chưa có quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là sản phẩm Việt Nam.

Để khắc phục tình trạng nông sản nước ngoài “đột lốt” nông sản Việt, Bộ Công Thương đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát các quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với nông sản, thủy sản.

Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào là sản phẩm của Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước nhằm chống gian lận xuất xứ Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào là sản phẩm của Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước nhằm chống gian lận xuất xứ Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

M.M

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/bo-cong-thuong-len-tieng-ve-nong-san-doi-lot-hang-viet-641566.ldo