Bộ Công Thương kiến nghị xã hội hóa lưới điện truyền tải

Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trong đó, cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải.

Trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp thì xã hội hóa lưới điện truyền tải là điều cần thiết. Ảnh: Internet

Trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp thì xã hội hóa lưới điện truyền tải là điều cần thiết. Ảnh: Internet

Xác định rõ phạm vi hệ thống truyền tải

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích Luật Điện lực, nội dung Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Công Thương nêu rõ, về cơ bản, ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cơ bản thống nhất với nội dung Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, sự đồng bộ của hệ thống quy định pháp luật về lĩnh vực truyền tải điện và trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành Nghị quyết phù hợp với quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Bộ Xây dựng cho rằng, cần rà soát đối với các quy định tại Điều 158 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13, đảm bảo cơ sở pháp lý trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo quy định.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) là đơn vị đưa ra khá nhiều phân tích, góp ý. Theo đơn vị này, cần xác định rõ phạm vi giữa Hệ thống truyền tải điện quốc gia và Hệ thống truyền tải điện phục vụ đấu nối từ các nhà máy điện/cụm nhà máy điện tới điểm đấu nối vào Hệ thống truyền tải điện quốc gia. Theo EVNNPT, nên phân định rõ theo 2 phạm vi.

Một là, Hệ thống truyền tải điện quốc gia là hệ thống mang tính xương sống và huyết mạch của Hệ thống điện quốc gia, đóng vai trò đặc biệt quan trọng quyết định trong việc đảm bảo an ninh năng lượng.

Quá trình đầu tư và quản lý vận hành đối với hệ thống này đều phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy trình, quy định nghiêm ngặt, chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, tính đồng bộ về thiết bị, ghép nối… và đảm bảo sự an toàn, ổn định, tin cậy trong quá trình quản lý vận hành. Đối với Hệ thống truyền tải điện quốc gia, Nhà nước cần độc quyền trong cả lĩnh vực đầu tư và quản lý vận hành.

Hai là, Hệ thống truyền tải điện phục vụ đấu nối một/một cụm nhà máy điện lên Hệ thống điện quốc gia: Về cơ bản lưới điện này chỉ mang tính cục bộ và có phạm vi ảnh hưởng không lớn khi có sự cố xảy ra. Do đó, EVNNPT đề xuất xem xét lưới điện này Nhà nước có thể không độc quyền trong cả lĩnh vực đầu tư và quản lý vận hành.

Cũng theo EVNNPT, với Hệ thống điện truyền tải phục vụ đấu nối các nhà máy điện được các chủ đầu tư tư nhân đầu tư, chủ đầu tư sẽ sở hữu tài sản và quản lý vận hành, không bàn giao tài sản cho EVN/EVNNPT tiếp nhận quản lý vận hành.

Ngoài ra, EVNNPT cũng đề xuất chi phí đầu tư và chi phí quản lý vận hành của các chủ đầu tư tư nhân sẽ do chủ đầu tư tư nhân chịu và được hạch toán vào giá bán điện của dự án nhà máy điện của các chủ đầu tư.

Nhận định rằng, việc này sẽ khuyến khích các chủ đầu tư phải có sự tính toán đánh giá hiệu quả dự án một cách tổng thể trước khi có đề xuất và quyết định đầu tư, EVNNPT còn nhấn mạnh: “Khi thực hiện cơ chế này cần có quy định cụ thể của các cơ quan quản lý nhà nước về việc thỏa thuận đấu nối và tính chi phí truyền tải điện (hoặc chia sẻ chi phí đầu tư, quản lý vận hành) giữa các chủ đầu tư nếu có nhiều nhà máy của nhiều chủ đầu tư khác nhau đấu nối lên lưới điện truyền tải do chủ đầu tư tư nhân đầu tư và quản lý vận hành”.

Kiến nghị xã hội hóa lưới điện

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, đánh giá, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trong đó, cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải. Khi đó, việc đề xuất đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải sẽ được áp dụng theo quy định của Luật này.

Đối với trường hợp đầu tư lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối nhà máy điện/cụm nhà máy điện lên hệ thống điện quốc gia, Bộ Công Thương kiến nghị thực hiện trên cơ sở thỏa thuận đấu nối theo các quy định pháp luật điện lực hiện hành. Trường hợp vướng mắc trong thỏa thuận đấu nối, nhà đầu tư hoặc EVN/EVNNPT đề xuất Bộ Công Thương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng để giải quyết.

Xung quanh câu chuyện xã hội hóa lưới điện truyền tải, tại phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV ngày 6/11/2019, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) từng đặt liên tiếp các câu hỏi: "Một trong những điểm nghẽn cơ bản trong phát triển năng lượng tái tạo là thiếu hạ tầng truyền tải điện trong khi nước ta còn rất thiếu thốn điện. Giải pháp căn cơ và dài hạn cho việc thiếu hệ thống truyền tải điện là gì? Nguồn vốn nhà nước có hạn thì có cơ chế cho tư nhân đầu tư không?".

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, chính “tư lệnh” ngành Công Thương Trần Tuấn Anh thời điểm đó đã bày tỏ sự đồng tình rằng, hiện có điểm nghẽn là điều kiện hạn chế nguồn lực Nhà nước và của EVN. Nếu thiếu nguồn đầu tư cho cả hệ thống truyền tải và các trạm biến áp thì sẽ tiếp tục hạn chế việc giải tỏa công suất.

“Về lâu dài cần điều chỉnh luật hoặc văn bản hướng dẫn pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép vận dụng cơ chế trong Luật Điện lực, cho phép xã hội hóa về truyền tải điện”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/bo-cong-thuong-kien-nghi-xa-hoi-hoa-luoi-dien-truyen-tai-125839.html