Bộ Công Thương không đề xuất thành lập Quỹ bình ổn giá thép

Giá thép thời gian gần đây tăng cao đột biến đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xây dựng. Trước thông tin cho rằng Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ thành lập Quỹ bình ổn giá thép, Bộ Công Thương nói gì?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin, từ cuối năm 2020, giá thép nguyên liệu và thành phẩm đã có xu hướng tăng cao. Trước tình hình đó, ngày 5/2/2021, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng về tình hình cung cầu, biến động giá thép của năm 2020 cũng như dự báo năm 2021, trong đó phân tích các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp ổn định cung cầu giá thép trong thời gian tới.

Gần đây giá thép tiếp tục tăng cao với biên độ lớn, ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trong ngành xây dựng và các doanh nghiệp sử dụng thép làm đầu vào cho sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng.

Ngày 8/5/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có chỉ đạo về công tác điều hành giá năm 2021, trong đó giao Bộ Công Thương “nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy, tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước, nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm”.

Ngày 15/5/2021, Phó Thủ tướng có văn bản yêu cầu các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương báo cáo tinh hình sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ thép; trong đó yêu cầu đề xuất, kiến nghị các biện pháp kiểm soát, giảm tác động của việc tăng giá thép làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thép như: Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát... để nắm bắt tình hình thảo luận, lắng nghe những đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp.

Ngày 20/5/2021, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2817/BCT- CN gửi Lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan có liên quan về tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu và tiêu thụ thép. Trong Báo cáo, Bộ Công Thương đã đưa ra đánh giá tình hình cung cầu thép và giá thép trên thế giới, khu vực và tại Việt Nam; đề xuất những kiến nghị để tác động tích cực đến giá thép, góp phần chia sẻ, giảm bớt khó khăn của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

 Bộ Công Thương không đề xuất thành lập Quỹ bình ổn giá thép.

Bộ Công Thương không đề xuất thành lập Quỹ bình ổn giá thép.

Trong đó, Bộ đã báo cáo và Chính phủ việc triển khai xây dựng các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng; chủ động triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

Bộ Công Thương cũng tiếp tục theo dõi và xem xét xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho một số Bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng… "Trong Báo cáo chính thức này, Bộ không đề xuất, kiến nghị thành lập Quỹ bình ổn giá thép. Vì vậy, khẳng định rằng đề xuất thành lập Quỹ bình ổn giá thép không phải là Đề xuất chính thức của Bộ Công Thương", Thứ trưởng Hải cho biết.

Ngày 11/5/2021, Bộ Công Thương cũng đã có Văn bản gửi Hiệp hội thép Việt Nam và một số doanh nghiệp sản xuất thép lớn, đề nghị rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu lớn trong nươc, tăng nguồn cung, đồng thời hạn chế xuất khẩu các mặt hàng thép trong nước đang có nhu cầu. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu lớn và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.

Phương Nam

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/bo-cong-thuong-khong-de-xuat-thanh-lap-quy-binh-on-gia-thep-d187675.html