Bộ Công Thương: Hỗ trợ kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản Hưng Yên

Với việc củng cố và phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, Hưng Yên hướng đến mục tiêu tạo đầu ra ổn định cho trái nhãn nói riêng và nông sản của tỉnh nói chung.

Chiều ngày 31/7, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên.

Tận dụng vị thế vệ tinh của thị trường Hà Nội

Ông Trần Văn Cường – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên- cho biết, năm 2020 sản lượng nhãn dự kiến đạt 50.000 tấn; vải 15.000 tấn; cam 33.000 tấn; chuối 66.850 tấn, thịt lợn hơi xuất chuồng 88.800 tấn, thủy sản 45.000 tấn, gà Đông Tảo gần 4.500 tấn, trứng gia cầm 302 triệu quả…

Tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, tuy nhiên, đại dịch Covid -19 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói riêng, trong đó các nhóm nông sản chủ lực của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định và xuất khẩu sang các nước. Để đảm bảo đầu ra ổn định cho các nhà vườn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Hưng Yên tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên, trong đó, Hội nghị “Kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên”.

Cùng với Hội nghị, Lễ hội Nhãn lồng Hưng Yên năm 2020 đã được tổ chức tại Quảng trường Nguyễn Văn Linh, Thành phố Hưng Yên trong 3 ngày, từ ngày 31/7- 2/8/2020 với quy mô 50 gian hàng tiêu chuẩn trưng bày giới thiệu nhãn quả và nông sản tiêu biểu chủ lực của các huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp trong tỉnh. Bên cạnh đó, Hưng Yên còn tổ chức 3 Tuần lễ Nhãn lồng – nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2020 tại Hà Nội...

Đánh giá cao công tác phát triển thị trường, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trái nhãn nói riêng và nông sản nói chung, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, nhãn lồng Hưng Yên nằm trong TOP 50 trái cây ngon nhất Việt Nam. Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều dự án nâng cao chất lượng vùng trồng nhãn, đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại được Hưng Yên tổ chức bài bản nhằm kết nối tiêu thụ vào hệ thống phân phối hiện đại trong nước. Hưng Yên đã và đang tận dụng được vị thế là vệ tinh của thị trường Hà Nội. Nhãn và nông sản Hưng Yên đã có mặt tại các kênh phân phối hiện đại trên địa bàn Hà Nội, các chợ đầu mối cũng như các trung tâm tiêu dùng lớn của miền Trung và miền Nam. Nhãn cũng đã xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn.

Xúc tiến thương mại cần gắn với chuỗi giá trị

Tại Hội nghị, các chuyên gia, HTX nhận định, dù đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tuy nhiên, công tác tiêu thụ sản phẩm nhãn và nông sản tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân do, thiếu doanh nghiệp lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa cho bà con nông dân, đơn vị sản xuất dẫn đến khi các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ cần lượng hàng lớn với chất lượng đảm bảo, đồng nhất thì gặp khó khăn. Sự gắn kết, phối hợp giữa những người trồng còn lỏng lẻo, chưa khắc phục được tính cá nhân, tự phát. Thương hiệu sản phẩm nhãn, cam Hưng Yên có những lúc bị lạm dụng về danh tiếng, bị pha trộn nhiều loại sản phẩm của các địa phương khác nhau làm giảm uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ký kết tiêu thụ sản phẩm nhãn và nông sản của doanh nghiệp phân phối với các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn

Ký kết tiêu thụ sản phẩm nhãn và nông sản của doanh nghiệp phân phối với các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn

Để nâng cao giá trị thương mại cho trái nhãn, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, ông Vũ Bá Phú cho rằng hoạt động xúc tiến thương mại của Hưng Yên nói riêng và các địa phương khác trên cả nước trong thời gian tới cần nghiên cứu và xây dựng theo hướng gắn với chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, sản phẩm cần phải tăng cường đầu đầu tư nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất, đặc biệt là xây dựng mã vùng trồng để có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường đòi hỏi truy xuất nguồn gốc. Với tiêu dùng xanh sạch, việc sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP hay quy hoạch vùng nhãn, nông sản theo hướng hữu cơ. Do đó, cần sự chủ động của tỉnh, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong khu vực có cùng sản phẩm trong việc hình thành các vùng trồng và chế biến lớn, gắn với các trung tâm giao dịch nông sản lớn của vùng, của quốc gia và quốc tế để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo ra các công cụ nền tảng trực tuyến về truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng có thể nhận diện được sản phẩm. Hạn chế được tình trạng hàng giả, hàng nhái thương hiệu….

“Liên quan đến nhãn và nông sản tiêu thụ trong năm nay, đặc biệt trong bối cảnh tác động của dịch Covid- 19, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà phân phối lớn của Việt Nam về hoa quả. Trong tuần tới chúng tôi sẽ ngồi với các công ty thương mại điện tử lớn ở Việt Nam để bàn với họ, trao đổi, thống nhất, xây dựng thỏa thuận thống nhất giữa các bên gồm: Bộ Công Thương, các doanh nghiệp thương mại điện tử, công ty phân phối và các vùng trồng nông sản để đẩy mạnh tiêu thụ trực tuyến sản phẩm này trên kênh thương mại điện tử bên cạnh các kênh thương mại hiện đại và truyền thống”, ông Vũ Bá Phú cho biết thêm.

Cùng với việc củng cố và phát triển thị trường trong nước, ông Nguyễn Văn Thơ – Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên- cho hay, việc mở rộng thị trường xuất khẩu được tỉnh đẩy mạnh triển khai. Theo đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh kết nối, phối hợp với cơ quan tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài lựa chọn, tham gia một số sự kiện xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản quốc tế để kết nối, tìm kiếm thị trường mới đặc biệt là các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, ASEAN... Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX của tỉnh thực hiện các chương trình marketing, tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế, thực hiện các thủ tục có liên quan đến xuất khẩu rau quả để kết nối đẩy mạnh xuất khẩu nhãn và nông sản của tỉnh, đặc biệt là với các thị trường có tiềm năng và tương đồng về văn hóa, tiêu dùng với Việt Nam như Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Bùi Thế Cử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên- cho biết: Với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành đã đưa nhãn và nông sản Hưng Yên tham gia các lễ hội, hội chợ… từ đó các sản phẩm này đến với người tiêu dùng. Ghi nhận và tiếp thu toàn bộ các ý kiến của nhà vườn, Cục Xúc tiến Thương mại, Tham tán Thương mại Trung Quốc tại Việt Nam, ông Bùi Thế Cử cho biết, trên cơ sở này sẽ chỉ đạo các sở ngành, nhà vườn để thúc đẩy sản, gắn kết cung cầu thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, sản xuất an toàn bền vững. Ông Bùi Thế Cử cũng đề nghị các nhà vườn cũng cần tạo ra những kênh phân phối trực tuyến để đưa nông sản đến trực tiếp với người tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng tiêu thụ giữa các doanh nghiệp, thương nhân, siêu thị, trung tâm, chợ đầu mối với các doanh nghiệp, HTX, nhà vườn của Hưng Yên.

Lễ hội Nhãn lồng Hưng Yên năm 2020 tổ chức tại Quảng trường Nguyễn Văn Linh, Thành phố Hưng Yên sẽ được khai mạc vào tối nay 31/7. Lễ hội sẽ diễn ra trong 3 ngày,từ ngày 31/7- 02/8/2020 với quy mô: 50 gian hàng tiêu chuẩn trưng bày giới thiệu nhãn quả và nông sản tiêu biểu chủ lực của các huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp trong tỉnh; 02 gian hàng trưng bày hình ảnh, tư liệu giới thiệu, quảng bá các tour du lịch, địa điểm du lịch, lễ hội văn hóa, di tích lịch sử văn hóa,... của tỉnh;02 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-ho-tro-ket-noi-cung-cau-tieu-thu-nhan-va-nong-san-hung-yen-141409.html