Bộ Công Thương đề xuất bổ sung 6.800 MW điện gió

Theo kịch bản của Bộ Công Thương, công suất điện gió đến năm 2025 cần bổ sung quy hoạch là hơn 1.200 MW ở phương án cơ sở và hơn 6.800 MW ở phương án cao. Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn phương án cao để phát triển nguồn điện gió, nghĩa là bổ sung hơn 6.800 MW điện gió.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiệt điện chậm, phải bổ sung điện gió

Ngày 19/3, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện gió.

Theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh, mục tiêu công suất lắp đặt điện gió khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030.

Cập nhật tiến độ nguồn điện theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh, Bộ Công Thương nhận thấy phần lớn các nguồn nhiệt điện chậm tiến độ 1-2 năm, đặc biệt là các nguồn nhiệt điện than miền Nam dự kiến vào năm 2018-2021 như Long Phú 1, Sông Hậu I, Sông Hậu II, Long Phú III, nhiệt điện Ô MÔn III và IV.

Các nhà máy điện sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh có nguy cơ trễ tiến độ so với quy hoạch do chưa thể xác định chính xác thời điểm khí từ lô B và mỏ Cá Voi Xanh cập bờ…

Ngoài ra, Việt Nam đã quyết định dừng đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn đến 2030.

Các tính toán cung cầu cho thấy khả năng xảy ra thiếu điện cho hệ thống điện miền Nam, cần thiết phải tính toán bổ sung các nguồn điện mới để đảm bảo cung ứng điện năng toàn quốc.

Đứng trước tình hình đó, Bộ Công Thương phải tính đến bổ sung nguồn điện gió và điện mặt trời trong giai đoạn 2021-2023 để đảm bảo cung ứng điện do các dự án nhiệt điện chậm tiến độ.

Dự kiến, ở phương án cơ sở (nhu cầu điện đến 2020 là hơn 42.000 MW, đến 2025 là hơn 63.400 MW), nguồn điện gió cần bổ sung quy hoạch đến năm 2025 hơn 6.000 MW. Ở phương án cao (nhu cầu điện đến 2020 là trên 44.200 MW, 2025 hơn 68.300 MW), nguồn điện gió cần bổ sung là hơn 11.600 MW.

Đề xuất bổ sung 6.800 MW

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tổng công suất các dự án điện gió đã được phê duyệt vào quy hoạch là khoảng 4.800 MW, dự kiến vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2021, chủ yếu ở khu vực Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Tuy nhiên, trong số 4.800 MW đã bổ sung quy hoạch, tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 9 dự án điện gió đã đi vào vận hành với quy mô công suất là 350 MW.

Đáng chú ý, tính đến ngày 15/3/2020, ngoài các dự án đã bổ sung quy hoạch, Bộ Công Thương còn nhận được các đề xuất của UBND các tỉnh tổng cộng gần 250 dự án điện gió với tổng công suất lên tới 45.000 MW. Khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ có công suất nhiều nhất.

Theo tính toán của Viện Năng lượng, tổng công suất điện gió đã bổ sung quy hoạch là 4.800 MW. Nếu căn cứ theo các kịch bản nêu trên của Bộ Công Thương, công suất điện gió đến năm 2025 cần bổ sung quy hoạch là hơn 1.200 MW ở phương án cơ sở và hơn 6.800 MW ở phương án cao.

Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn phương án cao để phát triển nguồn điện gió, nghĩa là bổ sung hơn 6.800 MW điện gió.

Để không xảy ra tình trạng quá tải lưới điện như với điện mặt trời, Bộ Công Thương đã tính đến phương án cải tạo, đẩy nhanh tiến độ và bổ sung quy hoạch một số công trình. Khi làm được các công việc này, Bộ Công Thương cho rằng có thể hấp thụ được khoảng 7.000 MW.

Công suất này được Bộ Công Thương đánh giá là “khá phù hợp” với công suất điện gió tăng thêm ở phương án cao (bổ sung hơn 6.800 MW điện gió).

Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung mục tiêu phát triển nguồn điện gió đến năm 2025 với quy mô công suất hơn 11.600 MW nhằm đảm bảo cung cấp điện, phát triển nguồn điện đủ dự phòng trong trường hợp nhu cầu tăng cao, điều kiện khí hậu bất lợi hoặc các nguồn điện khác chậm tiến độ.

Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam: Các dự án điện gió trong đất liền được mua với giá 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng), tương đương 8,5 Uscents/kWh. Tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam và USD được tính theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 30/8/2018 là 22.683 đồng/USD. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng), tương đương 9,8 Uscents/kWh. Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Đây là mức giá mua điện gió tăng tương đối cao so với mức giá được áp dụng từ năm 2011 đến trước thời điểm Quyết định 39/2018 được ban hành (khoảng 1.770 đồng một kWh, tương đương 7,8 Uscents/kWh). Giá mua điện ở trên được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/bo-cong-thuong-de-xuat-bo-sung-6800-mw-dien-gio-122761.html