Bộ Công Thương: Đào tạo nhân lực gắn với thực tiễn

Để đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thực tiễn, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề trực thuộc, tích cực đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Trong Công văn số 1335/BCT-KH gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng 2020, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua đã đẩy mạnh thực hiện kiểm định chất lượng quốc gia, tham gia kiểm định quốc tế chương trình đào tạo, thực hiện đánh giá và quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội được đào tạo gắn với thực tế sản xuất

Sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội được đào tạo gắn với thực tế sản xuất

Đến nay, có 7/9 trường đại học thuộc Bộ đã tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục đại học theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 18/25 trường cao đẳng đã hoàn thành việc tự đánh giá chất lượng để đăng ký kiểm định cấp quốc gia. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường đã chủ động tiếp cận chương trình có uy tín trên thế giới; 2/9 trường đã áp dụng các chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn của các tổ chức kiểm định quốc tế như: AUN-QA, ABET; 6 trường cao đẳng đã tham gia chương trình thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế chuyển giao từ Đức và 3 trường cao đẳng tham gia đào tạo kỹ sư theo chương trình KOSEN (Nhật Bản).

Theo Bộ Công Thương, hiện công tác rà soát, sắp xếp, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý được quán triệt bảo đảm quy định về số lượng, chất lượng và hoàn thiện chính sách thu hút nhân tài. Đặc biệt, đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, giảng viên cho phù hợp với thực tế tuyển sinh, đảm bảo tỷ lệ giảng viên theo quy định giảm dần trong 3 năm học gần đây. Cụ thể, cán bộ quản lý giảm trung bình 3%/năm, giảng viên biên chế giảm 5,9% và giảng viên thỉnh giảng giảm 12,6%.

Bộ Công Thương cũng đang tập trung, nâng cao trình độ cho cán bộ, giảng viên để đảm bảo chất lượng đào tạo. Hiện các trường của Bộ có 5.210 người đang làm nghiên cứu sinh trong nước, nước ngoài; 1.004 người đang theo học thạc sĩ. 2/3 số trường đã xây dựng xong đề án vị trí việc làm, xây dựng mới, điều chỉnh cơ chế khuyến khích cán bộ, giảng viên học tập, nâng cao trình độ.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các trường tập trung đào tạo tiếng Anh theo chuẩn đầu ra ngành nghề đặc thù; triển khai công tác khởi nghiệp cho sinh viên, liên kết, trao đổi về đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa trường với tổ chức nước ngoài; đẩy mạnh gắn kết doanh nghiệp với các trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, đồng thời khuyến khích xây dựng, triển khai trường học điện tử.

Đến nay, Bộ Công Thương đã phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức tập huấn, chuyển giao 42 chương trình đào tạo tiếng Anh theo chuẩn đầu ra 7 ngành nghề đặc thù của ngành Công Thương cho các trường, nhằm tạo ưu thế về kỹ năng ngoại ngữ chuyên ngành cho nguồn nhân lực của ngành giai đoạn tới. Hiện, Bộ cũng đã đề xuất xây dựng dự án thuộc khuôn khổ hợp tác CLMV (hợp tác 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam ) về xây dựng trường đại học thông minh.

Bộ Công Thương có 35 trường trực thuộc, gồm: 9 trường đại học, 25 trường cao đẳng và 1 Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương. Hiện các trường đang tích cực đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu, đòi hòi của tình hình mới.

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-dao-tao-nhan-luc-gan-voi-thuc-tien-133874.html