Bộ Công Thương chủ trì nâng cao năng lực Tổ công tác dự báo

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế của Chính phủ tổ chức chiều nay 3/6/2019 tại Hà Nội. Tai cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban chỉ đạo - yêu cầu các bộ, địa phương coi trọng, tăng cường công tác nghiên cứu, đánh giá và dự báo các vấn đề mới phát sinh của thương mại toàn cầu để giảm thiểu tác động tới kinh tế trong nước.

Hội nhập đặt ra cho công tác dự báo, cập nhật tình hình nhiều yêu cầu mới

Hội nhập đặt ra cho công tác dự báo, cập nhật tình hình nhiều yêu cầu mới

Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành đàm phán 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 3 FTA khác. Nếu được phê duyệt và đưa vào thực thi đầy đủ, Việt Nam sẽ là một trong số rất ít nước trong khu vực có được quan hệ FTA cùng lúc với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Nga và nhiều đối tác khác.

Có thể nói về mặt số lượng, Việt Nam hiện được xem là quốc gia sở hữu nhiều FTA nhất trên thế giới. Đáng chú ý trong số này có nhiều FTA thế hệ mới có các tiêu chuẩn cam kết rất cao, thậm chí là đi trước nhiều cơ chế đang hiện hữu trong thương mại thế giới. Có thể nói tới nay, Việt Nam đã hoàn thành cơ bản các FTA trong giai đoạn 2016-2020.

Trong bối cảnh các nội dung cam kết trong các hiệp định FTA có tiêu chuẩn cao và yêu cầu thực thi mạnh mẽ, mọi vấn đề đều có thể là đối tượng tranh chấp khiếu kiện. Tình hình đó đặt ra yêu cầu các bộ và địa phương phải xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn tham mưu, trong thực thi chính sách, từ đó nâng tầm hội nhập kinh tế quốc tế với chất lượng cao hơn, toàn diện, sâu rộng, đổi mới sáng tạo và hiệu quả trong thời gian tới như yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nêu ra ngay tại cuộc họp.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì nâng cao năng lực Tổ công tác dự báo để cập nhật, báo cáo kịp thời tới Thủ tướng Chính phủ thực trạng nền kinh tế, xu hướng chuyển dịch, cấu trúc dòng thương mại thế giới nhất là các tác động tới Việt Nam.

Đồng thời Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, tập trung tổ chức Diễn đàn hội nhập quốc tế về kinh tế quốc tế lần thứ 3 với các nội dung cụ thể, thiết thực, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của doanh nghiệp.

Trên thực tế công tác dự báo tình hình biến chuyển trong thương mại và đầu tư thế giới, tuy được Chính phủ và trực tiếp là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn đặc biệt quan tâm và có những yêu cầu rất cao song trên thực tế công tác này thẳng thắn mà nói còn chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Các bộ chức năng liên quan đến các hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư vẫn còn thiên về các giải pháp “chữa cháy” chứ chưa thực sự tạo cho công tác dự báo đón đầu, nắm tình hình mang được tính chủ động.

Đặt trong bối cảnh xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc càng cho thấy tính cấp thiết của công tác dự báo tình hình để kịp thời có các đối sách cả ngắn hạn lẫn trong dài hạn khi đây đều là những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam.

Liên quan đến cuộc xung đột này, nhiều nhận định cho rằng tác động đến lĩnh vực đầu tư đã rõ trong khi tác động đến lĩnh vực thương mại còn chưa rõ ràng nên công tác cập nhật tình hình trở nên vô cùng cần thiết. Nhiều chuyên gia thống nhất cho rằng xung đột giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này không đơn giản mang màu sắc thương mại mà nó còn cho thấy bóng dáng của một cuộc xung đột địa chính trị mang tầm thế kỷ.

Để tạo bước chuyển cho việc dự báo, cập nhật và kịp thời có các đối sách nhằm giúp nền kinh tế tận dụng được các cơ hội, thậm chí là hàng thập kỷ mới xuất hiện, đồng thời không để rơi vào trạng thái “kẹt” tự nhiên các chuyên gia cho rằng cần phải bắt đầu từ việc khắc phục tâm lý ỷ lại, trông chờ và thói quen “đá lên” cấp lãnh đạo.

Nền kinh tế thế giới đang chuyển dịch dòng đầu tư và thương mại thì công tác nghiên cứu, tham mưu phải theo dõi sát các xung đột thương mại, tăng cường quản lý, kỷ luật thị trường, thực hiện hiệu quả chống buôn gian bán lận, hàng giả hàng nhái, tăng cường thông tin cho doanh nghiệp trong nước để phòng tránh rủi ro.

Để làm nền cho các dự báo, các bộ, ngành phải triển khai hiệu quả các FTA đã ký kết, làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với các khu vực, quốc gia như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Nga... để giảm thiểu các ảnh hưởng của xung đột thương mại quốc tế. Đồng thời tiếp tục đa dạng hóa thị trường, quan tâm tới các khu vực mới như khối Mecosur...

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-chu-tri-nang-cao-nang-luc-to-cong-tac-du-bao-120577.html