Bộ Công thương cắt giảm, đơn giản hóa 202 điều kiện kinh doanh

Ngày 17-10, Bộ Công thương tổ chức họp báo quý 3, điểm lại tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại.

Theo đó, hai lĩnh vực trên đều đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế cả nước. Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp đang trên đà tăng trưởng khá cao, với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái; riêng ngành chế biến chế tạo tăng 12,9% -là điểm sáng trong công nghiệp nói chung. Một số sản phẩm công nghiệp quan trọng như dầu thô, than, dệt may... đều tăng khá.

9 tháng qua, cả nước đạt kim ngạch xuất khẩu 178 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Đã có 26 loại hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của hàng Việt trên thị trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa thị trường và mở rộng quy mô xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp. Đáng lưu ý là, hiện tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước đã tăng cao hơn tốc độ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trả lời tại buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, Bộ Công thương cũng công bố phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư - kinh doanh thuộc các lĩnh vực do Bộ quản lý giai đoạn 2019-2020.

Cụ thể, Bộ sẽ đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 202 điều kiện trong tổng số 561 điều kiện hiện còn lại. Tính chung, sau khi thực hiện xong mục tiêu này thì Bộ cắt giảm, đơn giản hóa được tổng cộng 72,1% tổng số điều kiện kinh doanh thuộc Bộ quản lý.

Các ngành nghề sẽ được cắt giảm điều kiện kinh doanh thời gian tới gồm: An toàn thực phẩm (đề xuất cắt giảm 79 điều kiện; đơn giản hóa 34 điều kiện trên tổng số 132 điều kiện hiện hành); thuốc lá (chuyển hậu kiểm 8 điều kiện trên tổng số 65 điều kiện hiện hành); rượu (đề xuất cắt giảm 6 điều kiện; chuyển hậu kiểm 7 điều kiện trên tổng số 30 điều kiện hiện hành); hóa chất (đề xuất cắt giảm 15 điều kiện; đơn giản hóa 24 điều kiện; chuyển hậu kiểm 12 điều kiện trên tổng số 77 điều kiện hiện hành); sản xuất, nhập khẩu và bảo hành ô tô (đề xuất cắt giảm 2 điều kiện; chuyển hậu kiểm 1 điều kiện trên tổng số 13 điều kiện hiện hành trong lĩnh vực này); than...

* Liên quan đến 12 dự án yếu kém thuộc ngành Công thương, Bộ cho biết, tình hình đến nay đang có sự chuyển biến đáng ghi nhận; trong đó có 2 dự án đã có lãi, 4 dự án khác đang trên đà giảm lỗ, số nợ nhìn chung tiếp tục giảm xuống, các dự án khác đang được quan tâm, xử lý và trên đà hồi phục... Dự kiến, Bộ và các đơn vị hữu quan sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề này vào năm 2020.

* Liên quan tới vấn đề biên chế của Tổng cục Quản lý thị trường ( QLTT), Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Tổng cục QLTT theo mô hình mới 63 Chi cục QLTT ở Sở Công thương, nay chuyển thành Cục QLTT.

Biên chế tăng lên ở Bộ Công thương nhưng ở địa phương lại giảm đi bởi chuyển từ địa phương về Bộ. Thành lập Tổng cục nhưng vẫn giữ 681 đội quản lý thị trường trước đây.

Ngày 12/10, Tổng cục ra mắt, Bộ Công thương ra quyết định giảm 164 đội QLTT. Lộ trình đến hết năm 2020 sẽ giảm 375 đội QLTT. Vì vậy, “số đầu mối giảm đi, không có gì mâu thuẫn với tinh thần giảm đầu mối cũng như bộ máy của bộ ngành.

Theo đó, “tổng biên chế cho Tổng cục QLTT không tăng mà còn giảm, chỉ có tổng cục có một số đơn vị chức năng điều hành, ngoài ra có cục ở địa phương, thậm chí Cục liên tỉnh.” Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/kinh-te/bo-cong-thuong-tiep-tuc-de-xuat-cat-giam-don-gian-hoa-202-dieu-kien-kinh-doanh-515504/