Bộ Công Thương 'áp lực' trong quản lý gian lận dán nhãn năng lượng

Dán nhãn năng lượng đã và đang là giải pháp hiệu quả giúp định hướng việc sử dụng thiết bị hiệu suất cao, góp phần tiết kiệm năng lượng, song thực tế gian lận của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang đặt ra bài toán không dễ dàng cho cơ quan quản lý.

Các khách mời trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Thanh

Các khách mời trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Thanh

15.000 sản phẩm được dán nhãn năng lượng

Tại Việt Nam, Chương trình dán nhãn năng lượng bắt đầu triển khai từ năm 2008 theo hình thức tự nguyện, hình thức bắt buộc thực hiện từ ngày 1/7/2013. Kể từ đó đến tháng 6/2018, đã có khoảng 15.000 mã sản phẩm thuộc 19 chủng loại thiết bị được dán nhãn năng lượng. Lượng sản phẩm bán ra của các thiết bị gia dụng có dán nhãn năng lượng như quạt điện, máy thu hình, máy điều hòa chiếm hơn 90% tổng số sản phẩm bán ra trên thị trường.

Phát biểu tại tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tầng Ozon” (hoạt động nằm trong khuôn khổ Chiến dịch Giờ Trái đất 2019 do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức) chiều nay 21/3, ông Trịnh Quốc Vũ- Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho hay: Mục tiêu Chương trình dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu sẽ tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10 nghìn tỷ đồng, tương đương sẽ giảm 34 triệu tấn khí thải carbon dioxide vào năm 2030. Lượng tiết kiệm điện quốc gia hàng năm sẽ vào khoảng 6.000 GWh/năm, giảm được nhu cầu tương đương với khoảng hai nhà máy điện đốt than 1.000 MW.

Báo cáo của Hội Điều hòa không khí Việt Nam cho thấy: Ước tính lượng điện năng tiết kiệm được hàng năm do người tiêu dùng chuyển hướng sang chọn mua và sử dụng các loại sản phẩm điều hòa không khí có hiệu suất cao vào khoảng trên 100 triệu kWh/năm.

Về hiệu quả của chương trình dán nhãn năng lượng, ông Trịnh Quốc Vũ cho hay: Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ hơn 2 triệu điều hòa dân dụng. Từ chỗ điều hòa biến tần chỉ chiếm 10-15% tỷ trọng thì nay con số đó đã là 50% - 60%. Các sản phẩm khác cũng tương tự như vậy. Ví dụ, hiện nay đèn sợi đốt gần như là không còn, trong khi trước đây Việt Nam tiêu thụ từ 50-55 triệu bóng đèn sợi đốt mỗi năm. Đèn sợi đối được thay bằng đèn led, đèn tuýp… tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường.

“Từ năm 2013, Bộ Công Thương chuyển chương trình dán nhãn từ tự nguyện sang bắt buộc áp dụng cho 15 nhóm sản phẩm. Song song với việc xây dựng thể chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn cho chương trình, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn từ 2008 đến nay là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân, người tiêu dùng trong lựa chọn sản phẩm tiết kiệm năng lượng, xác nhận hiệu suất năng lượng cao. Ngoài ra, chúng tôi tiến hành tập huấn cho những chuỗi siêu thị, đơn vị cung cấp sản phẩm lớn có ý thức tuân thủ pháp luật, có đủ nghiệp vụ để hướng dẫn khách hàng, truyền tải thông điệp tiết kiệm năng lượng”, ông Vũ nói.

Đẩy mạnh thanh, kiểm tra

Xung quanh câu chuyện dán nhãn năng lượng, đứng từ góc độ doanh nghiệp, bà Lý Thị Phương Trang- Tổng giám đốc Daikin Việt Nam cho hay: Người tiêu dùng ngày càng thông minh hơn trong lựa chọn sản phẩm, đánh giá về sản phẩm.

Với điều hòa, hiện nay, tại thị trường, dòng máy điều hòa biến tần là dòng tiết kiệm điện. Với Daikin, tỷ lệ máy biến tần bán ra trên thị trường 70%, còn 30% máy sử dụng công nghệ thông thường như trước đây. Việc dán nhãn tiết kiệm năng lượng là cơ hội cho nhà sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng thông minh, đồng thời có thể phân phối sản phẩm phù hợp với mục tiêu của quốc gia và xã hội.

Daikin Việt Nam là một trong những đơn vị đầu tiên và khá tích cực tham gia chương trình dán nhãn năng lượng tại Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thanh

“Doanh nghiệp rất hoan nghênh việc có thể tự công bố hiệu suất năng lượng cũng như dán nhãn năng lượng. Tuy nhiên, ở Việt Nam có quy định nhưng chưa có chế tài cụ thể nên dẫn tới tình trạng có những doanh nghiệp tự công bố dãn nhãn năng lượng với mức hiệu suất không đúng trên thực tế. Tôi mong cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp để quản lý được những thông tin công bố, cần chính xác, trung thực, bảo vệ người tiêu dùng, tạo sân chơi lành mạnh cho các doanh nghiệp”, bà Trang nói.

Về vấn đề này, ông Vũ thừa nhận việc xác minh, xác thực đặt ra áp lực lớn cho Bộ Công Thương. Trước đây, việc dán nhãn tiết kiệm năng lược được thực hiện theo hình thức tiền kiểm, song hiện nay, để doanh nghiệp chủ động làm và tự công bố theo lối hậu kiểm.

Trong bối cảnh con người có hạn và ngân sách nhà nước trong thanh kiểm tra, hậu kiểm khá hạn chế, từ năm 2017-2018, Bộ Công Thương tiến hành tổ chức đoàn thanh tra đi thanh tra các đơn vị phân phối sản phẩm; đồng thời phối hợp với các cơ quan như Hải quan, Quản lý thị trường… để thực hiện giám sát, thanh kiểm tra, đảm bảo sự trung thực của đơn vị sản xuất cũng như đơn vị nhập khẩu về dán nhãn năng lượng. “Nội dung này sẽ được chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2019”, ông Vũ nói.

Hiện trên thị trường có hai loại nhãn dán năng lượng. Loại thứ nhất là nhãn so sánh, cung cấp thông tin về mức tiêu thụ năng lượng, loại năng lượng sử dụng, hiệu suất năng lượng và các thông tin khác giúp người tiêu dùng so sánh với các sản phẩm cùng loại, được hiển thị tương ứng với 5 cấp hiệu suất năng lượng, từ 1- 5 sao. Số sao càng lớn, càng có hiệu suất tốt.

Loại thứ hai là nhãn xác nhận, chứng nhận phương tiện, thiết bị có hiệu suất năng lượng cao nhất so với phương tiện, thiết bị khác cùng loại. Người tiêu dùng có thể căn cứ vào hai loại nhãn dán này để đưa ra sự lựa chọn thông minh và phù hợp.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/bo-cong-thuong-ap-luc-trong-quan-ly-gian-lan-dan-nhan-nang-luong-101524.html