Bộ Công an: Nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức

Ngày 14/9, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, từ ngày 1/10/ 2019 đến ngày 31/7/2020, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, lực lượng chức năng đã điều tra, làm rõ 33.131 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 86,04% (trong đó án rất nghiêm trọng đạt 85,75%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,91%); khởi tố 20.242 vụ (tăng 7,6%).

Các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ. Triệt phá 2.485 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực. Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần làm giảm 3,19% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, tình hình tội phạm về trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp. Toàn quốc xảy ra 38.506 vụ phạm pháp về trật tự xã hội. Đáng lưu ý, tội phạm giết người tiếp tục có xu hướng gia tăng, nhất là giết người thân; với tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng hơn.

Tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tiếp tục được kiềm chế và kiểm soát; tuy nhiên, tại một số địa phương có thời điểm còn có dấu hiệu buông lỏng; công tác chỉ đạo, đấu tranh triệt phá chưa quyết liệt dẫn đến một số băng nhóm hoạt động trong một thời gian dài nhưng chưa được phát hiện, triệt phá. Còn xuất hiện tình trạng các băng, nhóm tụ tập dùng hung khí để giải quyết mâu thuẫn với nhau.

Điểm nổi lên được Thứ trưởng Lê Quý Vương nhắc đến là tội phạm hoạt động “tín dụng đen” truyền thống vẫn hoạt động rải rác, nhỏ lẻ ở một số địa phương và đang chuyển dịch theo phương thức, thủ đoạn cho vay trực tuyến.

Tội phạm xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em còn diễn biến phức tạp; nhiều trường hợp đối tượng là thân nhân, người quen của nạn nhân.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao, giả danh các cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp. Xảy ra một số vụ cướp tiệm vàng, ngân hàng với thủ đoạn liều lĩnh, manh động. Tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng đột biến trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, gây bức xúc trong xã hội. Tình trạng trộm cắp, lừa đảo, mua bán thông tin thẻ tín dụng, làm giả thẻ tín dụng để rút tiền, thanh toán dịch vụ, kinh doanh đa cấp còn xảy ra ở nhiều địa phương. Tệ nạn cờ bạc, mại dâm chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Liên quan đến tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và vi phạm trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, lực lượng chức năng đã phát hiện 17.887 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 25,19%). Khởi tố 1.895 vụ án với 2.986 bị can;228 vụ, 492 bị can phạm tội về tham nhũng; 23 vụ, 158 bị can phạm tội về chức vụ.

Tuy nhiên, tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm với các thủ đoạn: lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội; thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp. Đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây buôn lậu lớn, làm rõ sự tiếp tay của cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước.

Hành vi gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa Việt Nam để “né thuế” có xu hướng gia tăng do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tiềm ẩn nguy cơ Việt Nam bị trừng phạt gây thiệt hại về kinh tế. Các vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước còn xảy ra nhiều, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, thuế, y tế, xây dựng, giao thông vận tải, thông tin và truyền thông.

“Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá tổng thể, toàn diện những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự để đề ra các giải pháp hiệu quả. Phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nổi lên là hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi”, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho hay.

Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bo-cong-an-nguy-co-xuat-hien-toi-pham-kinh-te-tham-nhung-co-to-chuc-507301.html