Bộ Công an công khai trả lời, giải đáp nhiều thông tin liên quan đến các vụ việc dư luận đang quan tâm

Trong khuôn khổ Hội nghị Công an (CA) toàn quốc lần thứ 75 do Đảng ủy CA Trung ương, tối 24 và sáng 25-12, Bộ CA tổ chức họp báo để trả lời công khai trước báo giới nhiều nội dung, vụ việc xảy ra tại các đơn vị, địa phương gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. Thứ trưởng Bộ CA Lương Tam Quang khẳng định, tất cả những vụ việc, hành vi vi phạm đã, đang và sẽ được điều tra làm rõ, quyết không bao che, bỏ lọt...

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trao đổi với báo chí tối 24-12.

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trao đổi với báo chí tối 24-12.

Liên quan đến vụ án Dong Guo Li cùng đồng bọn phạm tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài" vừa bị TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử, tuyên án ngày 10-12 vừa qua (Dong Guo Li 7 năm, 6 tháng tù; Wong Chong Hiong 6 năm, 6 tháng tù; Ooi Gee Yik 6 năm tù; các bị cáo khác có mức án từ 5 đến 7 năm tù), nhiều phóng viên tham dự hội nghị CA toàn quốc lần thứ 75 đã đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ CA, rằng: Những đối tượng trong vụ án này có liên quan gì đến đường dây trong vụ 39 nạn nhân thiệt mạng tại Hạt Essex (Anh) xảy ra cuối tháng 10-2019 gây rúng động dư luận thế giới hay không? Vấn đề này, Văn phòng Bộ CA ngày 25-12 khẳng định, hai vụ án hoàn toàn khác nhau, không có đối tượng nào liên quan đến cả hai đường dây.

Theo tài liệu của Cơ quan An ninh điều tra Bộ CA, các đối tượng trong vụ án đã câu kết với một số đối tượng người Việt Nam, tổ chức cho người Việt Nam trốn đi các nước Châu Âu. Chúng đã cử Dong Guo Li (quốc tịch Trung Quốc), Wong Chong Hiong và Ooi Gee Yik (quốc tịch Malaysia) vào Việt Nam để dạy tiếng Trung Quốc, hướng dẫn người đi cách đóng giả làm người Trung Quốc trong quá trình trốn đi Châu Âu. Chúng đưa người đi trốn xuất cảnh Việt Nam với danh nghĩa đi du lịch sang các nước ASEAN bằng hộ chiếu thật; sau đó, sử dụng hộ chiếu Trung Quốc nhưng dán ảnh của họ để nhập cảnh vào các nước Bosnia, Srilanka,...; từ đó, đi tiếp vào các nước Châu Âu. Với thủ đoạn đó, các đối tượng đã tổ chức cho 22 người Việt Nam trốn đi nước ngoài với chi phí từ 17.000 USD đến 40.000 USD/người, tùy theo từng nước nếu đi trót lọt. Trong số những người trốn đi, có một số trường hợp đã bị nước ngoài phát hiện, bắt giam, phạt tiền, trục xuất về Việt Nam.

Trả lời câu hỏi liên quan đến dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã ban hành, song đến thời điểm này Chính phủ vẫn chưa ban hành nghị định hướng dẫn. Vậy quá trình thực hiện xử lý các hành vi vi phạm, lực lượng CSGT có gặp khó khăn gì? Thiếu tướng Lê Xuân Đức- Phó cục trưởng Cục CSGT cho biết, đây là hành vi vi phạm rất nguy hiểm, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Dù dự thảo luật đã được ban hành giữa tháng 6-2019, song vẫn đang trong thời gian chờ các Bộ ngành xây dựng, ban hành các nghị định, văn bản hướng dẫn quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật. Thiếu tướng Đức cho rằng, khi luật chính thức đi vào cuộc sống sẽ có tính răn đe cao hơn đối với người điều khiển phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi các nghị định, văn bản hướng dẫn, thời gian qua lực lượng chức năng vẫn có đầy đủ cơ sở để xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia vi phạm theo các điều, khoản quy định tại Nghị định 46 của Chính phủ. Riêng năm 2019, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, lập biên bản xử gần 183.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Bên cạnh đó, xử lý 880 trường hợp lái xe có sử dụng ma túy khi lái xe.

Trao đổi về vụ việc CSGT tỉnh Đồng Nai có dấu hiệu "bảo kê" xe quá tải và ăn chặn tiền trực, lễ Tết của CBCS như báo chí phản ánh, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hiếu-Phó chánh Thanh tra Bộ Công an cho biết, vụ việc này Giám đốc CA Đồng Nai đã tạm đình chỉ công tác nhiều CBCS. Thực hiện chỉ đạo của Bộ CA, Thanh tra bộ cũng đã vào cuộc xác minh, đến nay đã có kết quả. Cụ thể, xác định ông Phạm Hải Cảng, Đội trưởng Đội CSGT số 2, CA tỉnh Đồng Nai đã gọi điện thoại can thiệp cho 10 trường hợp xe tải vi phạm; ông Phan Cẩm Tú, Đội phó Đội CSGT số 1, gọi điện can thiệp cho 6 trường hợp vi phạm. Thiếu tướng Hiếu khẳng định, hành vi của CBCS CSGT Đồng Nai là vi phạm, hiện Thanh tra Bộ Công an vẫn đang xác minh làm rõ thêm, từ đó đề xuất lãnh đạo Bộ CA có hình thức xử lý nghiêm khắc nhất.

Về việc tố cáo ăn chặn tiền của CBCS, Thiếu tướng Hiếu cho hay, đã xác định sai phạm của đội CSGT số 2. Cụ thể, số tiền chế độ (khoảng 1,4 tỷ đồng) và tiền bồi dưỡng tham gia kiểm dịch (63 triệu đồng), lãnh đạo đội CSGT số 2 đã tiếp nhận, song không phát cho CBCS mà dùng vào mục đích sử dụng chung trong đơn vị.

Trao đổi về những sai phạm này, Trung tướng Lương Tam Quang-Thứ trưởng Bộ CA cho biết, đây là những vi phạm cá biệt trong lực lượng CAND. Hiện Thanh tra Bộ CA cũng đang tiếp tục điều tra cụ thể từng sai phạm, sau đó đề xuất lãnh đạo Bộ CA có hình thức xử lý. "Quan điểm của Bộ CA là sẽ xử lý nghiêm minh, không bao che bất kỳ hành vi vi phạm nào" - Trung tướng Lương Tam Quang nói.

CÔNG HẠNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/105_218172_.aspx