Bộ Công an cấp GPLX: Có bị 'phình' biên chế?

Bộ Công an thay mặt Chính phủ giải trình về một số nội dung của dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó có việc chuyển nhiệm vụ sát hạch và cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Mới đây, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an thay mặt Chính phủ có báo cáo Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình một số nội dung lớn, nội dung còn nhiều ý kiến tham gia của dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT).

Một trong những nội dung đáng chú ý là việc đề nghị bổ sung đánh giá tác động của việc chuyển nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Chỉ cần sắp xếp 650 biên chế?

Theo Bộ Công an, Bộ GTVT hiện có tổng số 64 đơn vị trực tiếp làm quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX gồm Tổng cục Đường bộ Việt Nam và 63 Sở GTVT các tỉnh/TP.

Bộ GTVT đã cấp 1.655 thẻ sát hạch viên, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, trong đó có 589 là giáo viên dạy lái xe tại các cơ sở đào tạo được cấp thẻ sát hạch viên phục vụ sát hạch kỹ năng lái xe trên đường giao thông công cộng (không hưởng lương, không trong biên chế nhà nước).

Bộ Công an cho rằng nếu chuyển nhiệm vụ cấp GPLX từ Bộ GTVT thì chỉ cần sắp xếp 650 biên chế. Ảnh minh họa: MINH HẢI

Bộ Công an cho rằng nếu chuyển nhiệm vụ cấp GPLX từ Bộ GTVT thì chỉ cần sắp xếp 650 biên chế. Ảnh minh họa: MINH HẢI

Hiện tại, Bộ GTVT biên chế 650 cán bộ, công chức chuyên trách làm công tác quản lý đào tạo, tổ chức sát hạch, cấp, quản lý GPLX. “Do đó, khi chuyển giao, ngành GTVT chỉ phải bố trí sắp xếp lại 650 biên chế” – Bộ Công an khẳng định.

Về phía mình, Bộ Công an cho hay đã bố trí lực lượng ở bốn cấp (bộ, tỉnh, huyện, xã), trong đó bố trí cán bộ làm công tác đăng ký và quản lý phương tiện theo ba cấp (bộ, tỉnh, huyện) gồm 769 đầu mối. Đồng nghĩa, khi chuyển giao nhiệm vụ cấp GPLX, ngành công an chỉ thêm nhiệm vụ, không tăng biên chế.

“Sau khi Luật được thông qua, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định về thời điểm, tiến độ chuyển giao; về cách thức, lộ trình, các bước chuyển giao… để bảo đảm mục tiêu, tính liên tục, thông suốt của quản lý, cũng như bảo đảm chế độ, chính sách phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức và các vấn đề khác có liên quan” – Bộ Công an cho hay.

Cục CSGT tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra, giải quyết TNGT cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên cao tốc. Ảnh: MINH HẢI

Nộp hồ sơ tại Công an xã

Cũng theo Bộ Công an, hiện nay tổng số cơ sở đào tạo lái xe trên toàn quốc là 340, trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ là 137. Các cơ sở này cơ bản được xây dựng theo hình thức xã hội hóa, là một loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện, cơ sở vật chất được đầu tư từ nguồn vốn của tổ chức, cá nhân, được tự chủ thu chi, nguồn nhân lực.

Do vậy, việc thay đổi cơ quan quản lý không ảnh hưởng đến các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe đã được đầu tư xây dựng. Đội ngũ giáo viên dạy lái xe đã được cấp giấy chứng nhận sẽ tiếp tục được tham gia công tác đào tạo lái xe nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Cơ sở vật chất kỹ thuật, phương tiện thuộc các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch sẽ tiếp tục được sử dụng.

Ngoài ra, cơ quan này triển khai và lắp đặt hệ thống hơn 700 điểm đăng ký quản lý phương tiện tại 63 địa phương, xây dựng phần mềm quản lý giấy phép lái xe và phần mềm in giấy phép lái xe trên chất liệu nhựa tại 63 Công an tỉnh/TP để cấp và quản lý giấy GPLX trong CAND.

Theo định hướng, công tác quản lý GPLX sẽ được phân cấp đến công an cấp huyện, việc tiếp nhận hồ sơ đổi, cấp lại của người dân sẽ được thực hiện từ cấp xã. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ triển khai cấp, đổi GPLX trên cổng dịch vụ công sẽ được đẩy mạnh, kết hợp tiếp nhận hồ sơ theo phương pháp thủ công.

Bộ Công an khẳng định việc chuyển giao cơ quan quản lý được xây dựng theo định hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Người lái xe tiếp tục sử dụng GPLX đã cấp cho đến khi hết thời hạn hoặc khi có nhu cầu đổi, cấp lại.

Cùng với đó, người dân được lựa chọn hình thức học, lựa chọn cơ sở đào tạo, giáo viên dạy lái, trung tâm sát hạch lái xe có chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của cá nhân…

Liệu có tách luật đường thủy, đường sắt, hàng không?

Một số ý kiến đề nghị làm rõ sau khi tách luật giao thông thường bộ thì các lĩnh vực giao thông đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không có tách tương tự hay không?

Bộ Công an cho biết trong ba lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa thì TTATGT đường bộ có diễn biến phức tạp nhất và đang phát sinh nhiều bất cập, bức xúc nhất. Điển hình, TNGT đường bộ chiếm hơn 95% tổng số vụ, số người chết; vi phạm về TTATGT đường bộ chiếm tỷ lệ trên 80% tổng số hành vi vi phạm; là nơi diễn ra nhiều hoạt động phạm tội, các vấn đề về ANTT.

Ngoài ra, giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ trên 90% trong tổng số các loại hình giao thông, số lượng người điều khiển phương tiện là nhiều nhất…

Trong khi đó, hàng không, hàng hải là những lĩnh vực giao thông đặc thù có yêu cầu chuyên môn kỹ thuật rất cao, phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế rất chặt chẽ, không chỉ là an toàn giao thông mà còn là vấn đề an ninh hàng không, an ninh hàng hải.

Vì vậy, Chính phủ giao các bộ, ngành nghiên cứu để xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT. Với các lĩnh vực giao thông khác, căn cứ vào tổng kết đánh giá khoa học và yêu cầu của thực tiễn, Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội để sửa đổi, bổ sung phù hợp.

TUYẾN PHAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/bo-cong-an-cap-gplx-co-bi-phinh-bien-che-949393.html