Bộ Công an báo cáo Thủ tướng vụ Đường Nhuệ

Bộ Công an cũng đã có báo cáo Thủ tướng và Thường trực Ban Bí thư về kết quả điều tra ban đầu vụ án.

Việc các cơ quan chức năng triệt phá và mở rộng điều tra hoạt động tội phạm của băng nhóm Ðường Dương tại Thái Bình thời gian qua không chỉ đặt ra những vấn đề thời sự trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mà còn cả những vấn đề về xây dựng bộ máy chính trị cơ sở, công tác cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật và bảo đảm dân chủ cơ sở.

Vợ chồng Đường ''Nhuệ'' hiện đã bị Công an Thái Bình bắt tạm giam (ảnh IT).

Vợ chồng Đường ''Nhuệ'' hiện đã bị Công an Thái Bình bắt tạm giam (ảnh IT).

Nhận định về vụ việc, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, vụ án liên quan ổ nhóm tội phạm Ðường - Dương vẫn đang được khẩn trương tích cực điều tra mở rộng.

"Bộ Công an cũng đã có báo cáo Thủ tướng và Thường trực Ban Bí thư về kết quả điều tra ban đầu vụ án. Việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm hoặc xử lý trách nhiệm sẽ được thực hiện sau khi có kết quả điều tra các vụ án và kết luận của các cơ quan chuyên môn của Bộ Công an và tỉnh Thái Bình", Thiếu tướng Tô Ân Xô thông tin.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Công an cũng cho rằng, kinh nghiệm đấu tranh với các băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp hoạt động theo kiểu "xã hội đen" mà lực lượng công an đã rút ra trong những năm qua là: Phải chủ động phát hiện, làm tan rã băng nhóm "ngay từ trong trứng" không để hoạt động phức tạp rồi mới triệt phá.

Trong khi, ổ nhóm tội phạm do Nguyễn Xuân Ðường cầm đầu hoạt động trên phạm vi địa bàn tỉnh Thái Bình là vụ án phức tạp đã được lực lượng công an theo dõi, phát hiện và đấu tranh từ lâu. Từ năm 2010 đến nay, lực lượng công an tỉnh Thái Bình đã xử lý 20 vụ, 15 đối tượng có mối quan hệ với Nguyễn Xuân Ðường (có đối tượng bị xử lý nhiều lần).

Tuy nhiên, thủ đoạn hoạt động của Ðường rất tinh vi, phần lớn vụ việc, Ðường không ra mặt mà chỉ đạo đàn em thực hiện nên việc xử lý Ðường rất khó khăn, nhất là trong việc thu thập chứng cứ chứng minh liên quan của Nguyễn Xuân Ðường. Tháng 1/2020, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình đã chủ động chỉ đạo xác lập chuyên án hình sự để đấu tranh với ổ nhóm này. Kết quả đến nay đã phục hồi điều tra 1 vụ án, khởi tố mới 3 vụ án và khởi tố 13 bị can, trong đó có vợ chồng Ðường - Dương.

Như vậy, mặc dù Công an tỉnh Thái Bình đã chủ động phát hiện và triệt phá ổ nhóm tội phạm Ðường - Dương, nhưng việc để ổ nhóm này hoạt động trong thời gian dài ở địa phương, ngoài những khó khăn khách quan nêu trên và vai trò của hệ thống chính trị, có trách nhiệm về mặt công tác nghiệp vụ phòng, chống tội phạm của Công an tỉnh Thái Bình.

Đường nhuệ phản ứng ngược khi bị tố chiếm đoạt tài sản

Do đó, Bộ Công an đã chỉ đạo các Cục nghiệp vụ kiểm tra lại công tác nghiệp vụ đấu tranh với băng nhóm Ðường - Dương; đồng thời thẩm định lại một số vụ án liên quan Ðường - Dương trước đây điều tra chưa triệt để (như vụ cố ý gây thương tích tại Công an phường Trần Lãm, TP Thái Bình năm 2014; vụ việc anh Nguyễn Văn Hà tố cáo Nguyễn Xuân Ðường có hành vi chiếm, đập phá tài sản của Công ty Lâm Quyết…).

Bộ Công an và Ban Chỉ đạo 1593 của tỉnh Thái Bình cũng đã chỉ đạo tập trung điều tra, xác minh làm rõ để sớm có kết luận có hay không và đó là tổ chức, cá nhân nào đã bao che hoặc bảo kê, "chống lưng" cho vợ chồng Ðường - Dương hoạt động vi phạm pháp luật.

"Bộ trưởng Công an đã chỉ đạo tại hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 75: "Nơi nào còn băng nhóm tội phạm thì lực lượng công an ở nơi đó không hoàn thành nhiệm vụ. Trách nhiệm của lực lượng công an là phải triệt xóa bằng được, triệt xóa bằng hết các băng nhóm tội phạm"; đồng thời phải chú ý làm tốt công tác xây dựng lực lượng, làm trong sạch đội ngũ, xử lý nghiêm các trường hợp bảo kê, "chống lưng" cho tội phạm", Thiếu tướng Tô Ân Xô dẫn chỉ đạo của Bộ trưởng nói rõ.

Lược theo Công an nhân dân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-cong-an-bao-cao-thu-tuong-vu-duong-nhue-3403428/