Bố, con và chính luận thời sự
1. Năm 1991, trượt thẳng cẳng kỳ thi vào Đại học Tài chính, tôi vẫn miệt mài đạp xe gần 30km mỗi ngày để vào thị xã Vĩnh Yên học thêm Toán, Lý và quyết tâm vào khối tài chính, ngân hàng bởi nhìn trụ sở nào cũng to đẹp, nghĩ là giàu.
Vậy mà trước kỳ thi đại học lần hai, một cuối tuần đi công tác về, bố tôi bảo: “Hay con thi Tuyên giáo, vì cả nhà năm chị em, chưa có ai theo nghề bố”. Tôi ngoan ngoãn nghe lời, bỏ đạp xe ôn luyện giải “bộ đề” dày cộp để xuống thẳng Hà Nội thi Đại học Tuyên giáo, với chỉ môn Văn là quen thuộc, còn lại môn Sử chưa ôn gì, trong khi năng khiếu (cả vấn đáp và viết) đều hết sức lạ lẫm. Cũng may, tôi học đều các môn, dù không nổi trội, nên vẫn đủ điểm đỗ Đại học Tuyên giáo (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền) ngay ở khóa đầu tiên trường tuyển thí sinh tự do (khóa 11, trước đó chỉ xét tuyển cán bộ đi học) vào mùa hè năm 1992.
Thế mà cũng đã hơn 30 năm theo nghề bố, vì ngay vào năm thứ hai đại học, tôi đã viết bài cộng tác với các báo ở Hà Nội. Và trong hơn 30 năm ấy, dù không được bố “cầm tay chỉ việc”, không được đọc bài nào bố viết, nhưng tôi cũng được thừa hưởng không ít phẩm chất từ bố, trội hơn cả có lẽ là sự chuyên tâm, ngay thẳng, hết mình với công việc. Và đặc biệt là việc mạnh mẽ lên án những hiện tượng tiêu cực, bất hợp lý trong xã hội, thông qua các bài viết thuộc nhóm thể loại chính luận, dù là phiếm chỉ hay trực diện.
Ngày xưa, chắc là bố viết nhiều, nhưng việc lưu trữ, công tác tư liệu không được tốt như bây giờ. Thế nên, phải rất vất vả mới có thể sưu tầm được một số lượng khá nhỏ các bài viết của bố trên Báo Vĩnh Phú, ký tên thật Xuân Tửu và nhiều bút danh khác nhau: Hải Vân, Vân Anh, R.X, X.R, N.R, X.T…
Bố chính luận là những phiếm luận ngắn, những điều trông thấy, những gì chướng tai gai mắt trong xã hội ở một tỉnh Vĩnh Phú rộng lớn bối cảnh trước khi tách tỉnh (đầu năm 1997). Những điều trông thấy ấy, những trái ngang xã hội ấy bây giờ nhiều điều vẫn vẹn nguyên tính thời sự, ví như: Bên B là chùm khế ngọt, Danh và… thực; Lỗ và lãi; Những chuyện lạ mà có thật; Thấy người cưỡi ngựa; Rất nhanh rồi… mất hút; Oan; Khéo chọn; Chúng tôi ao ước...
“Cuốn sách như lời cảm ơn từ tâm tới bố - một đồng nghiệp đã hướng tôi theo nghề báo một cách say sưa, tâm huyết, trách nhiệm” - tác giả Nguyễn Tri Thức.
2. Con chính luận là những bình luận ngắn và vừa, về những vấn đề thời sự nhiều người quan tâm. Con được thừa hưởng từ bố bởi sự mạnh mẽ, thẳng thắn lên án nạn tham nhũng, tiêu cực, những mặt trái trong xã hội. Ví như: “Biệt phủ”, “đi đêm” và sự minh bạch; Thuốc trị “bệnh” nịnh; Đánh thức “lương tâm mùi tiền”; Cửa chùa, rối bời niềm tin; Vàng mã cháy lên, niềm tin... đi xuống; Nhói lòng suy thoái; Mối họa từ “người giả”; Cán bộ nhận hối lộ và số tiền khổng lồ nộp lại; Tín nhiệm và niềm tin…
Nhiều bài viết của cả bố và con, dù ở những thời điểm khác nhau, không gian khác nhau, nhưng đều có điểm chung là phê phán, lên án, đấu tranh với những thói hư tật xấu, những điều chướng tai gai mắt, những bất công trong xã hội ở các cấp độ khác nhau. Và đặc biệt, các bài viết đều gắn chặt với những sự kiện, vấn đề thời sự, thu hút sự chú ý của công chúng. Dù chỉ là những lát cắt mỏng về các vấn đề xảy ra trong xã hội ở những thời điểm khác nhau, dù chỉ là những bài báo khiêm tốn, góp những tiếng nói nhỏ nhoi, nhưng mục đích chung là mong muốn mỗi người và xã hội tốt hơn. Và đó là lý do chính tôi mạnh dạn xuất bản cuốn sách Bố, con với thời cuộc (Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông, 2024), như một món quà tri ân bố mẹ yêu quý.