Bộ Chính trị sẽ cho ý kiến về Luật Công an nhân dân

Một số nội dung của dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Thủ tướng giao các đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị.

Thủ tướng Chính phủ vừa phân công các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ nghiên cứu, tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoàn thiện một số dự án luật.

Theo đó, đối với dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp thu ý kiến và tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật. Đồng thời xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật. Ảnh: Internet

Cụ thể, về thời điểm đặc xá, giữ như quy định của Luật Đặc xá hiện hành. Việc quyết định thời gian đặc xá đối với từng trường hợp cụ thể sẽ do Chủ tịch nước quyết định. Đối tượng được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, bổ sung thêm đối tượng là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.

Về thời gian phải chấp hành hình phạt tù để được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, cơ bản giữ như quy định của Luật Đặc xá hiện hành. Đối với điều kiện chấp hành án phí, các khoản tiền phạt, người được đề nghị đặc xá phải chấp hành xong các khoản này, trừ trường hợp có quyết định của tòa án có thẩm quyền về việc miễn, giảm.

Về điều kiện thực hiện nghĩa vụ bồi thường dân sự và các nghĩa vụ dân sự khác, đối với người bị kết án phạt tù về tội tham nhũng hoặc một số tội khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá thì phải thực hiện xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác. Trừ trường hợp có quyết định của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự về việc chưa có điều kiện thi hành án hoặc có văn bản của người được thi hành án đồng ý hoãn thi hành án, không yêu cầu thi hành án đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước.

Các trường hợp không được đề nghị đặc xá, một số trường hợp có từ hai tiền án trở lên, phạm tội về an ninh quốc gia, tội phá hoại hòa bình, chống lại loài người, tội phạm chiến tranh và tội khủng bố.

Tương tự, đối với dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi, bổ sung), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT lưu ý về trách nhiệm của Nhà nước, cần làm rõ yêu cầu phải tăng cường trách nhiệm của Nhà nước đối với các loại hình cơ sở giáo dục đại học, bao gồm cả trách nhiệm đầu tư và quản lý.

Về tự chủ đại học, cần chú ý phát huy vai trò, vị thế, quyền quyết định và giám sát của Hội đồng trường. Chủ tịch Hội đồng trường và thành viên Hội đồng trường phải thực sự là những người có uy tín, trình độ, có khả năng lan tỏa để bảo đảm đoàn kết nội bộ, đúng định hướng chính trị và kiểm soát quyền lực trong nhà trường. Cơ cấu của Hội đồng trường, thành viên Hội đồng trường sẽ có hướng dẫn phù hợp với từng loại hình nhà trường.

Đối với dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị tập trung các vấn đề về công an xã, thị trấn trong hệ thống tổ chức của công an nhân dân, nghiên cứu xác định thời gian chuyển tiếp, lộ trình và nếu cần thiết bổ sung một số quy định cụ thể làm nguyên tắc để giao Chính phủ xây dựng công an xã, thị trấn chính quy trong dự thảo luật.

Đối với vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng, cần bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị; tán thành nguyên tắc xác định vị trí, số lượng cấp tướng và quy định cụ thể trong luật. Về cấp bậc hàm cấp tướng của Giám đốc Công an cấp tỉnh cần sớm báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến. Tán thành việc bỏ quy định về cục đặc biệt, theo đó thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức cục trưởng là bộ trưởng Bộ Công an.

Đối với dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên qua tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện, để xin ý kiến Bộ Chính trị về hai phương án liên quan đến vấn đề xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Theo đó, phương án 1, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì phải do tòa án quyết định; nếu tòa án xác định tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; nếu tòa án xác định tài sản, thu nhập tăng thêm người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì tòa án bác yêu cầu khởi kiện của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Về trình tự, thủ tục giải quyết, đề nghị các cơ quan chuyên môn cần tính toán kỹ lưỡng và xây dựng phương án cho phù hợp, bảo đảm khả thi.

Phương án 2, nếu các cơ quan có thẩm quyền không chứng minh được tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì coi đây là tài sản, thu nhập chưa kê khai, chưa nộp thuế, chưa chứng minh được tính hợp pháp thì người có nghĩa vụ phải nộp thuế và Nhà nước tiến hành thu thuế. Trường hợp có dấu hiệu gian lận và trốn thuế thì ngoài số thuế phải nộp sẽ bị xử lý theo Luật Quản lý thuế hoặc hình sự theo quy định của pháp luật về hành vi trốn thuế.

Sau khi đã xin ý kiến Bộ Chính trị, dự án luật sẽ trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9-2018, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/bo-chinh-tri-se-cho-y-kien-ve-luat-cong-an-nhan-dan-790556.html