Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII được quy hoạch thế nào?

Việc quy hoạch nhân sự vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư được triển khai đặc biệt chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung, dân chủ.

Như PLO đã đưa tin, công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, nhiệm kỳ 2021-2026 ở cho nhóm Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được khởi động sau khi kết thúc hội nghị cán bộ chủ chốt, hôm 23-4.

Công việc này cũng được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc tới trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 12 vào chiều 14-5: “Thực hiện Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 6-11-2018 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã tiến hành ghi phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII theo đúng quy định của Đảng”.

Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 12, tháng 5-2020. Ảnh: TTXVN

Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 12, tháng 5-2020. Ảnh: TTXVN

Vậy quy định của Đảng và cách làm quy hoạch cán bộ cấp cao này được thực hiện thế nào?

Qua trao đổi với nhiều nguồn tin am hiểu, cũng như theo dõi công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược của khóa này, mà bắt đầu với nhóm Ban Chấp hành Trung ương, khởi động tháng 11-2018, có thể khái quát công tác quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII được thực hiện theo các bước sau.

Hai nhóm đối tượng được quy hoạch

Về đối tượng, tương tự như quy hoạch cán bộ các cơ quan nhà nước, hay quy hoạch cấp ủy địa phương, nguồn quy hoạch khá rộng, với hai nhóm đối tượng.

Thứ nhất là các ủy viên trung ương đương nhiệm, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo Quy định 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Ở nhóm đối tượng này, điều kiện về tuổi là từ 60 trở xuống, cho cả nam và nữ, tính đến tháng 1-2021 (thời gian dự kiến tổ chức Đại hội XIII).

Nhóm thứ hai, không nhất thiết phải là ủy viên trung ương đương nhiệm. Họ có thể là bí thư, phó bí thư 67 đảng bộ trực thuộc trung ương, ngoài ra mở tới chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng đặc biệt, và lãnh đạo cấp trưởng, phó các cơ sở nghiên cứu, đào tạo lớn mà cơ cấu là có đại diện trung ương ở đó.

Yêu cầu với nhóm này là phải trẻ, tuổi từ 55 trở xuống, có uy tín, thành tích công tác đặc biệt. Họ phải có kinh nghiệm công tác đáng kể, chẳng hạn đang là cấp ủy viên ở nơi công tác, đang giữ các chức vụ nêu trên tối thiểu hai năm. Và ngoài ra, đã được quy hoạch chức danh người đứng đầu ở địa phương, cơ quan, đơn vị mà theo cơ cấu chung là nên có đại diện của trung ương.

Từng bước, tập trung, dân chủ, chặt chẽ

Đối tượng quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư đòi hỏi sự chặt chẽ, tuân thủ nguyên tắc tập trung, dân chủ - nguyên tắc xương sống trong tổ chức, hoạt động của Đảng. Theo đó, hai nhóm đối tượng này, Bộ Chính trị sẽ lên danh sách nguồn nhân sự, sau đó mới chuyển cho các ủy viên trung ương nghiên cứu, xem xét, giới thiệu bằng phiếu kín.

Bước 1 này, như PLO đưa tin, đã hoàn tất trước Hội nghị Trung ương 12.

Bước 2 và 3, Ban Chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược tập hợp kết quả phát hiện, giới thiệu nhân sự, rồi Bộ Chính trị xem xét, thông qua dự kiến danh sách nhân sự. Bước 4 là Bộ Chính trị lấy ý kiến trung ương bằng phiếu kín về danh sách dự kiến này.

Các nguồn tin trung ương am hiểu công tác nhân sự của Đảng cho biết Hội nghị Trung ương 12 đã hoàn tất bước 4. Theo đó, cả bước đầu tiên là phát hiện giới thiệu, đến bước 4 là lấy ý kiến về danh sách dự kiến do Bộ Chính trị trình đều rất chi tiết: không chỉ về ai đó nên vào quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà cả chức danh, công việc mà họ nên được trao trong nhiệm kỳ tới.

Tuy nhiên, danh sách dự kiến này có ai thuộc đối tượng hai không thì chưa rõ.

Phóng viên đã liên hệ một số ủy viên trung ương được giới thiệu quy hoạch trong lần này đều khiêm tốn cho rằng giá trị lớn nhất của các bước quy hoạch là qua đó mỗi người được đưa vào danh sách thấy mình được trung ương, Bộ Chính trị đánh giá thế nào. Hiệu ứng ấy là khá tương tự như công tác lấy phiếu tín nhiệm mà Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội hai khóa nay từng thực hiện.

“Biết mình, biết mọi người ở đâu, để cùng phấn đấu, cố gắng hơn nữa thôi” - một vị tâm sự - "Còn liệu có vào danh sách cuối cùng do Bộ Chính trị phê duyệt hay không? Trung ương có thông qua để vào danh sách bầu cử ở Đại hội XIII tới hay không?... Tất cả đều phía trước".

NGHĨA NHÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/chinh-tri/bo-chinh-tri-ban-bi-thu-khoa-xiii-duoc-quy-hoach-the-nao-912777.html