Bỏ chặn đăng kiểm ôtô dính phạt nguội?

Nếu quy định mới được thông qua, các trung tâm đăng kiểm sẽ không còn chặn hay từ chối tiếp nhận đăng kiểm đối với các xe chưa nộp phạt vi phạm giao thông

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT (Thông tư 70) ngày 9-11-2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Hết từ chối

Theo khoản 6, điều 4 của Thông tư 70 hiện hành, quy định Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ từ chối đăng kiểm đối với các trường hợp có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định. Tuy nhiên, dự thảo thông tư thay thế Thông tư 70 đã bỏ quy định này.

Thay vào đó, dự thảo chỉ quy định đối với xe chưa nộp phạt vi phạm giao thông, xe bị cảnh báo theo đề nghị của tòa án, cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát nếu đạt yêu cầu thì chỉ được cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định có thời hạn hiệu lực 15 ngày.

Không chỉ tại dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 70 bỏ quy định "chặn" hay không tiếp nhận đăng kiểm xe vi phạm, mà thực tế trước đó, tại Nghị định 100/2019 của Chính phủ (hiệu lực từ ngày 1-1-2020), tại các điều khoản quy định về việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ôtô thuộc trường hợp có vi phạm giao thông mà chưa nộp phạt, các cơ quan đăng kiểm phải chấm dứt việc từ chối kiểm định ôtô vi phạm luật giao thông.

Cụ thể, Nghị định 100/2019 quy định trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc văn bản thông báo của người có thẩm quyền xử phạt mà chủ phương tiện (ôtô, rơ-moóc, sơ-mi rơ- moóc, xe máy chuyên dùng) vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết thì người có thẩm quyền xử phạt gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định.

Khi phương tiện đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm thông báo cho người đưa phương tiện đến kiểm định biết về việc vi phạm, thực hiện kiểm định theo quy định đối với phương tiện, cấp giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có thời hạn hiệu lực là 15 ngày.

Nghị định 100/2019 cũng quy định sau khi người vi phạm đã đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định, người có thẩm quyền xử phạt phải gửi thông báo ngay cho cơ quan đăng kiểm biết để xóa cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định, thực hiện kiểm định, cấp giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành đối với phương tiện.

Một ôtô được đưa vào kiểm tra để thực hiện đăng kiểm

Một ôtô được đưa vào kiểm tra để thực hiện đăng kiểm

Chỉ cấp giấy đăng kiểm tạm thời?

Ông Trịnh Bình Dương - Phó Phòng Đăng kiểm xe cơ giới Cục Ðăng kiểm Việt Nam - cho biết thời gian qua, theo quy định tại Thông tư 70, nhiều trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước gửi văn bản đề nghị chặn, từ chối tiếp nhận đăng kiểm ôtô. Tuy nhiên, một số bộ, ngành, cơ quan có ý kiến không đồng tình về việc chặn kiểm định.

Do đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung thông tư lần này bỏ quy định "chặn" cũng như bỏ từ chối tiếp nhận kiểm định xe. Thay vào đó, chỉ đưa vào cảnh báo đăng kiểm đối với các trường hợp xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ theo quy định tại Nghị định 100/2019, xe bị cảnh báo theo đề nghị của tòa án, cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát.

"Các trường hợp trên vẫn được tiếp nhận đăng kiểm, nếu đạt yêu cầu kỹ thuật và bảo vệ môi trường thì được cấp giấy, tem kiểm định thời hạn 15 ngày" - ông Dương thông tin.

Cục Đăng kiểm cũng cho biết việc chặn đăng kiểm đối với các xe vi phạm thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Cụ thể, nhiều xe vi phạm giao thông (qua camera) không còn chây ì nộp phạt. Đặc biệt, nhiều tài xế khi lưu thông trên đường dù không có sự hiện diện của lực lượng CSGT vẫn chấp hành tốt quy định pháp luật vì sợ camera ghi hình phạt nguội. Chế tài này giúp tài xế chấp hành pháp luật giao thông tốt hơn, hiệu quả mang lại cho xã hội cao hơn. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng quy định trên không đủ căn cứ pháp lý về thẩm quyền nên trong dự thảo lần này, Bộ GTVT bỏ quy định chặn đăng kiểm đối với các xe vi phạm.

"Các xe trên khi đến đăng kiểm nếu đủ điều kiện sẽ được cơ quan cấp giấy đăng kiểm tạm thời. Sau khi chủ xe thực hiện các nghĩa vụ liên quan, cơ quan đăng kiểm sẽ cấp giấy đăng kiểm như bình thường" - ông Dương nói.

Nói về cơ sở pháp lý quy định cấp giấy kiểm định tạm thời 15 ngày đối với các xe trên, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam thì khi xe được đưa đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm thông báo cho chủ xe biết về việc vi phạm, đồng thời cấp giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có thời hạn hiệu lực là 15 ngày.

Cuối năm 2017, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) từng "tuýt còi" quy định chặn đăng kiểm xe do chưa nộp phạt nguội. Lý do là quy định ở Thông tư 70 không đủ căn cứ pháp lý về thẩm quyền, không xác định rõ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đề nghị không kiểm định là cơ quan nào. Căn cứ, điều kiện để đề nghị không kiểm định là gì. Không có sự phân biệt để có cách xử lý hợp lý, công bằng giữa trường hợp chủ xe được thông báo và trường hợp không được thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc xe có vi phạm trước khi đưa xe đến kiểm định...

Về chu kỳ kiểm định, điểm mới đáng chú ý là dự thảo quy định kéo dài thời hạn đăng kiểm thêm 6 tháng đối với ôtô chở người đến 9 chỗ kinh doanh vận tải (taxi, xe hợp đồng…). Cụ thể, khi đăng kiểm lần đầu để được cấp biển số lưu thông, hiệu lực của giấy chứng nhận, tem đăng kiểm là 24 tháng (hiện nay 18 tháng). Trong vòng 30 ngày sau khi được cấp chứng nhận kiểm định lần đầu, nếu ôtô tiếp tục thực hiện kiểm định vẫn được tính là kỳ đăng kiểm đầu tiên. Lần đăng kiểm tiếp theo, thời hạn đăng kiểm là 12 tháng/lần đối với xe có năm sản xuất đến 7 năm (hiện quy định là 6 tháng/lần). Sau thời hạn trên, thời hạn đăng kiểm mới giữ ở mức 6 tháng/lần như hiện nay.

Vẫn gây khó khăn

Bình luận về quy định tại dự thảo thông tư thay thế Thông tư 70, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho rằng việc bỏ quy định chặn đăng kiểm đối với xe vi phạm giao thông bị phạt nguội qua camera là điểm tích cực đáng ghi nhận. Thực tế, có nhiều người vô tình vi phạm và bị camera ghi lại, chỉ đến khi đi đăng kiểm mới biết. Ông Liên cũng không hài lòng với quy định tại dự thảo là khi xe được đưa đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm thông báo cho chủ xe biết về việc vi phạm... đồng thời cấp giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có thời hạn hiệu lực là 15 ngày. "Có nhiều tài xế chạy xe đường dài hay đi xe hợp đồng từ 20-30 ngày, vậy giấy đăng kiểm cấp tạm thời 15 ngày là chưa hợp lý, vẫn gây khó khăn cho người dân" - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nói.

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bo-chan-dang-kiem-oto-dinh-phat-nguoi-20200712213832834.htm