Bố Cái Đại Vương (Kỳ 6)

Trân trọng giới thiệu tiếp tác phẩm của PGS TS Cao Văn Liên về chương VI 'BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG'- Tập I Tiểu thuyết Lịch sử 'Nghìn năm bất khuất' trong 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của NXB Hồng Đức-HN-2019.

Rước lễ ra đình trong Ngày giỗ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng vào ngày Mồng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại Làng cổ Đường Lâm ở thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội. Nguồn: Internet

KỲ 6

Lại có thám mã vào báo:

-Dạ bẩm, quân Việt đã bao vây thành Tống Bình, họ nói nếu đầu hàng thì được toàn tính mạng và được về Trung Quốc. Mong đại tướng quyết định.

Lúc này quan đô hộ đã chết, quan Tư mã Hà Tấn Lương đã tử trận, Võ Mang nghĩ mình chỉ là một tùy tướng, không ngờ có lúc lại gánh vác việc quyết định số phận của một thuộc địa 12 châu của hoàng đế Đại Đường. Nếu đánh thì tướng giỏi đã chết hết rồi mà bên quân Việt toàn những tướng vật trâu, giết hổ. Trận Gia Ninh nghe nói họ nhấc bổng các tướng Đường lên trời và quật chết như quật con mèo, còn cố thủ thì lương thực gần cạn, chỉ còn được vài ngày. Nhưng cố thủ khi quân Việt phá được thành thì chết hết. Thôi mở cổng thành đầu hàng. Ta còn mẹ già, vợ dại con thơ ở nhà, được cái thuộc địa An Nam này thì dân nghèo như ta được gì chứ, chỉ đi chết cho bọn quan lại quyền quý phè phởn.

Nghĩ như vậy Võ Mang lên mặt thành nói xuống:

-Mạt tướng muốn gặp Phùng Đô Quân.

Phùng Hưng trên ngựa nói:

-Là ta.

-Quan đô hộ Cao Chính Bình chết rồi. Nếu chúng tôi đầu hàng Phùng Đô Quân có cho toàn tính mạng về nước không?

Phùng Hưng nói:

-Chúng ta là quân đại nghĩa, dấy binh để giành lại quyền độc lập của nước Nam, không chém giết bừa bãi. Cho nên, nếu các tướng quân và binh sĩ hạ vũ khí, ta sẽ bảo toàn tính mạng và cho về nước.

-Điều kiện để binh sĩ và mạt tướng ra hàng phải như thế nào?

-Ngày mai giờ ngọ, các tướng và binh sĩ khỏe mạnh không mang vũ khí, kéo cờ trắng đi ra. Xe ngựa kéo chỉ dùng cho người ốm đau và thương binh. Mỗi người sẽ được phát cơm xôi và nước đủ dùng cho đến khi về bên kia biên giới. 5000 kỵ binh Việt sẽ hộ tống tướng sĩ nhà Đường đến biên giới.

-Đa tạ Phùng Đô Quân.

Phùng Hưng nói:

-Cứ như vậy đi. Ai sai hẹn sẽ bị trời chu đất diệt.

-Đa tạ, đa tạ...

Phùng Hưng ra lệnh cho quân Việt đang bao vây thành lùi xa nửa dặm nhưng vẫn ở thế bao vây và sẵn sàng chiến đấu. Đúng giờ ngọ, những lá cờ trắng xuất hiện trên thành. Cổng Thành mở toang. Quân Đường tay cầm cờ trắng, lưng mang túi cá nhân lần lượt đi ra khỏi cổng thành từ cửa Bắc. Đi đầu là chiếc xe ngựa kéo để trần nên nhìn thấy quan tài, trên có lư hương cháy nghi ngút.Đó là quan tài đựng thi hài Quan đô hộ Cao Chính Bình, rồi hàng trăm xe ngựa chở thương binh, người ốm đau. Xen kẽ vào đó là 2 vạn quân Đường đi bộ. Bên quân Việt đặt hàng dãy bàn dài hàng dặm đường, trên đặt những túi cơm xôi và những chai nước. Quân Đường đi qua, mỗi người được nhận một gói dùng trên đường đi. Họ phải đi bộ hành quân 300 dặm từ Tống Bình đến Quỷ Môn Quan là qua bên kia biên giới. Quân Việt phải huy động rất nhiều thuyền bè của quân đội và của nhân dân để hai vạn quân Đường qua sông Cầu. Qua khỏi sông Cầu, 5000 kỵ binh Việt đi phía sau cùng quân Đường lên biên giới. Quân đi , bụi cuốn mù trời, nắng chói chang. Đoàn quân bại trận đi kéo dài lê thê tưởng như vô tận về biên cương phía Bắc.Đó là một ngày tháng tư năm 792, niên hiệu Phùng Đô Quân năm thứ nhất.

Từ Tống Bình, chính quyền nhà Đường sụp đổ trên toàn cõi An Nam Đô Hộ phủ. Phùng Hưng vào thành Tống Bình, lên ngôi vua, xây dựng một chính quyền tự chủ. Phùng Hưng lấy Đế hiệu là Bố Cái Đại Vương, lấy Tống Bình làm kinh đô, giữ được 10 năm độc lập cho nước nhà.

Ngày 8 tháng 1 năm 802, Bố Cái Đại Vương qua đời. Triều đình chia làm hai phái khi chọn người kế vị. Một nửa chọn Phùng Hải, em của Bố Cái Đại Vương, một phái kia do Bồ Phá Lặc cầm đầu chọn Phùng An là con của Phùng Hưng với hoàng hậu Nguyễn Thị Hồng Loan. Phái ủng hộ Phùng An do Bồ Phả Lặc cầm đầu nên có thế mạnh áp đảo triều đình. Để tránh một cuộc xung đột nội bộ tương tàn, Phùng Hải và Phùng Dĩnh chạy về động Chu Nham rồi sau không rõ tung tích. Những người ủng hộ Phùng Hải cũng bỏ đi hết. Từ đó triều đình Phùng An ngày càng suy yếu.

Nhân cơ hội đó, năm 803, vua Đường là Đường Đức Tông phong Triệu Xương làm Quan đô hộ An Nam đô hộ phủ. Triệu Xương đem 20 vạn quân tràn vào An Nam, một mặt đưa kế sách chiêu dụ Phùng An đầu hàng. Nghe theo bọn đại thần hèn nhát, chỉ biết quyền lợi gia đình và mạng sống của bản thân, không thiết gì giang sơn và bách tính, Phùng An chưa đánh đã đầu hàng. Triệu Xương nuốt lời hứa, đã đưa vua và gia đình lưu đày lên phương Bắc Trung Quốc xa xôi giá lạnh. Tại đây, Phùng An hối hận, đã đầu hàng mà vẫn bị lưu đày như vậy thì thà quyết một trận tử chiến thì chưa chắc đã chiến bại. Mà cho dù có chiến bại thì cũng làm rạng danh mình, không hổ thẹn với liệt tổ liệt tông anh hùng. Nhưng Phùng An có hối hận thì cũng đã muộn rồi.

Sau 10 năm độc lập tự chủ dưới thời Bố Cái Đại Vương, đất nước lại rơi vào thuộc địa của giặc Đường. Nhưng ngọn lửa bất khuất anh hùng của bách tính Việt thì không bao giờ tắt mà lại ngày càng bùng lên mạnh mẽ hơn, sẽ thiêu cháy quân xâm lược và bè lũ bán nước.

C.V.L.

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bo-cai-dai-vuong-ky-6-74544