Bỏ "bóng" chạy người, chuyện không riêng ở Việt Nam

Bóng đá Việt Nam đang xôn xao về chuyện những ông bầu bỏ rơi CLB và cầu thủ vì bỗng dưng… hết tiền. Nhìn ra thế giới mới biết, cách làm ăn vô trách nhiệm ấy không chỉ có ở riêng nước ta.

Ả rập cũng không có tiền

Đã có một thời, CĐV các đội bóng châu Âu sướng rơn mỗi khi nghe tin một nhà đầu tư Ả rập đang muốn mua lại CLB của mình. Ai chẳng biết xứ ấy là nơi mà tiền phun từ dưới đất lên theo dạng chất lỏng? Có doanh nhân nào đến từ Ả rập mà lại không ôm theo hàng bao tải tiền sực mùi dầu mỏ? Cứ nhìn Man City, thuộc sở hữu của Hoàng thân Mansour xứ Abu Dhabi, hoặc Paris Saint-German, nằm dưới trướng ông trùm truyền thông Qatar Nasser Al-Khelafi là biết: họ tiêu tiền như rác. Miễn là lấp đầy đội hình bằng các ngôi sao hàng đầu thế giới, giá cả và lương lậu ra sao không quan trọng.

Nhưng đã có hơn một CLB vỡ mộng vì các đại gia đến từ thế giới Ả rập. Malaga , đội bóng đang thăng hoa tại La Liga và mới lọt vào vòng 1/8 Champions League là một ví dụ. Mới cách đây 2 năm thôi, CĐV đội này còn ăn mừng vì sự xuất hiện của Hoàng thân Al Thani đến từ Hoàng gia Qatar . Vị thương nhân có tên tuổi tại Qatar đã mua lại phần lớn cổ phần của Malaga và tuyên bố về một kế hoạch lột xác: ông muốn biến đội bóng này thành đối trọng của Real Madrid và Barca - hai đội bóng hùng mạnh nhất tại giải VĐQG Tây Ban Nha.

Sulaiman Al-Fahim, ông chủ không tiền của Portsmouth.

Hoàng thân Al Thani lúc đầu cũng tiêu tiền như rác. Ông mua về một đội hình toàn sao, dù không phải hàng đầu thế giới, nhưng cũng nằm ngoài mơ ước của các CĐV Malaga. Nào là trung vệ Demichelis, trụ cột của đội tuyển Argentina . Nào là những chân chuyền đáng sợ như Santi Cazorla, Jeremy Toulalan. Nào là các tiền đạo Baptista, Saviola, Van Nistelrooy, toàn những tên tuổi vang bóng một thời.

Malaga có một đội hình cực mạnh. Họ giành vị trí thứ 4, cao nhất trong lịch sử CLB, chỉ sau 2 năm Al Thani xuất hiện. Không chỉ mua nhiều ngôi sao, Al Thani còn thể hiện phong thái "đại gia" khinh tiền bằng cách không bán quảng cáo áo đấu của CLB. Ông học theo phong cách của Barcelona , trả tiền cho tổ chức giáo dục UNESCO để đưa biểu tượng của tổ chức này lên ngực áo.

Nhưng rồi những ngày bay bổng qua đi. Al Thani chẳng nói chẳng rằng… biến mất. Người ta phát hiện ra Malaga đang nợ 90 triệu euro. Thì ra phần lớn số tiền mà Al Thani đầu tư cho CLB là tiền đi vay. Không một lời giải thích, Malaga bắt đầu bán tháo các ngôi sao để lấy tiền trả nợ.

Các lãnh đạo UEFA rất tức giận. Họ tuyên án cấm Malaga không được dự cúp châu Âu trong 4 mùa giải tiếp theo (nếu giành vé) và phạt CLB này 100.000 euro. Nhưng có lẽ chẳng cần cấm, nhiệm vụ giành vé dự cúp châu Âu những mùa giải sau của Malaga cũng đã trở nên vô cùng khó khăn.

Sau một mùa Hè bán đi hàng loạt ngôi sao, đội hình còn lại của CLB này vẫn khá chất lượng, lọt được qua vòng bảng Champions League và mới đây còn làm nên cú sốc khi đánh bại Real Madrid. Nhưng rồi họ sẽ tiếp tục phải bán cầu thủ: Malaga bây giờ không đủ sức trả lương cho các ngôi sao nữa. Những ngày bay bổng rồi sẽ kết thúc rất nhanh, trong khi ông chủ Al Thani thì vẫn không thấy tăm tích đâu.

Cuộc bỏ chạy liên hoàn

Năm 2009, CLB Portsmouth (Anh) gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính. Ông chủ người Pháp Alexandre Gaydamak đã tiêu pha không tiếc tay trong những năm trước đó, khiến CLB này nợ nần chồng chất và có nguy cơ phá sản. Ông bán CLB cho một doanh nhân Ả rập. Đó là Sulaiman Al-Fahim, Tổng giám đốc của Công ty Bất động sản Hydra từ Abu Dhabi và Chủ tịch Hiệp hội BĐS Liên đoàn Ả rập. Tháng 3-2009, Al-Fahim còn được tạp chí Kinh tế Ả rập bầu là một trong những người Ả rập có ảnh hưởng nhất thế giới.

Với những ánh hào quang sáng lòa như thế, người ta tưởng rằng Al-Fahim sẽ ra tay cứu vớt Portsmouth khỏi cảnh phá sản. Nhưng ngay sau khi ông này mua lại CLB, việc đầu tiên được thực hiện là… bán sạch các ngôi sao. Peter Crouch, Distin, Glen Johnson, Kranjcar được thanh lý để giảm quỹ lương.

Không ai nắm rõ lai lịch của Carson Yeung, chủ sở hữu Birmingham.

Tới tháng 10/2009, đội bóng của "người Ả rập có ảnh hưởng nhất thế giới" tuyên bố họ đã hết sạch tiền mặt và sẽ phải nợ lương cầu thủ. Lần thứ 2 chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, Portsmouth lại bị rao bán. Và cũng lần thứ 2 liên tiếp, lại một "đại gia" Ả rập xuất hiện với dáng vẻ hoành tráng. Al-Fahim bán 90% cổ phần CLB cho một vị doanh nhân người Arab Saudi mang tên Ali Abdullah Al Faraj.

Người ta yên tâm phần nào khi thấy Al Faraj rót tiền cho chuyển nhượng, mua về những cầu thủ khá chất lượng, đơn cử như tiền đạo Aruna Dindane của Ai Cập. Nhưng ông Al Faraj nào đó không xuất hiện trước công chúng lấy một lần sau khi mua lại CLB. Và đến tháng 12 năm đó, mọi chuyện vỡ lở một lần nữa: cầu thủ và các nhân viên của Portsmouth đã không được trả lương trong 2 tháng liên tiếp, nghĩa là từ khi đại gia Arab Saudi mua lại đội bóng. Không ai có thể tìm được Al Faraj để quy trách nhiệm.

Tới đầu năm 2010, thương nhân người Hong Kong Balram Chainrai, người đã cho Al Faraj vay 17 triệu bảng để mua Portsmouth (dù chưa từng gặp ông này lần nào), đến và siết nợ CLB. Nghĩa là trong vòng 7 tháng, Portsmouth lần thứ 3 đổi chủ. Nhưng ông Chainrai này thực chất không có ý định sở hữu một CLB bóng đá. Ông ta chỉ tiếp quản CLB nhằm cho nó không phá sản, nghĩa là bảo vệ khoản đầu tư của mình, rồi tìm cách bán nó đi. Nhưng rồi vận đen vẫn chưa thôi đeo bám Portsmouth .

Tới cuối mùa giải 2010/2011, Chainrai bán được CLB cho triệu phú trẻ người Nga Vladimir Antonov. Ông này thực sự có tiền, với tổng tài sản khoảng 300 triệu đô-la. Nhưng đời không ai học được chữ ngờ. Chỉ vài tháng sau khi Antonov mua lại CLB, ông này bị truy nã toàn châu Âu vì những phi vụ làm ăn theo kiểu mafia trên đất Lithuania . Antonov lại "bỏ của chạy lấy người", khi mà Chainrai vẫn… chưa lấy lại được 17 triệu bảng của mình. Thế là ông chủ nợ người Ấn Độ lại phải đến và chấp nhận làm chủ của Portsmouth lần thứ 2.

Trong quãng thời gian này, Portsmouth lao dốc không phanh. Không có tiền, bị chính phủ đưa vào diện bảo hộ phá sản, bị thuế vụ thúc ép vì nợ thuế, không được mua sắm cầu thủ, từ chỗ là một CLB Premier League, họ rơi xuống tận hạng 3. Ông thương nhân người Hong Kong sau vài năm đã tuyệt vọng trong việc đi tìm một vị khách chịu mua lại CLB từ tay mình. Ông đâm đơn xin sở hữu Portsmouth một cách chính thức (chứ không phải là dạng "cầm cố" như lúc này nữa).

VladimirAntonov, mafia tài chính "chơi" bóng đá.

Với động thái này, Chainrai hy vọng có thể sở hữu khối bất động sản khá lớn của Portsmouth, bao gồm sân Fratton Park, và tìm cách thu hồi vốn từ đó. Nhưng trớ trêu là CĐV Portsmouth lại không ủng hộ việc này: họ cho rằng chính Chainrai là người đã khiến đội bóng suy sụp như ngày hôm nay. Những cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra. Liên đoàn bóng đá Anh không chấp nhận đơn xin mua lại Portsmouth của Chainrai…

Chuyện ở sân Fratton Park vẫn rắc rối cho đến tận ngày hôm nay mà chưa hề có hướng giải quyết. Tổng cộng, họ đã bị 3 ông chủ bỏ rơi chỉ trong vòng một năm. Portsmouth chắc chắn xứng đáng với danh hiệu "Đội bóng đen đủi nhất châu Âu".

Tư cách nào cho ông bầu?

Cũng giống như chuyện đang diễn ra tại Việt Nam, khi một ông bầu mua lại một CLB, nó trở thành tài sản cá nhân, và không một tổ chức nào, dù là Liên đoàn hay NHM có quyền tham gia vào việc định đoạt số phận CLB. Chuyện sống-chết của một đội bóng hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các ông chủ, đặc biệt là khi họ đã xây dựng nó bằng tiền túi của mình, chứ không căn cứ theo quy luật thị trường thực sự.

Nói một cách đơn giản, ông bầu tự thổi lên một quả bóng ngoại cỡ, rồi thả cho nó xì hơi. Không ai kiểm chứng được ông chủ có bao nhiêu tiền. Không ai bắt ông ta cam kết phải chi cho CLB chừng nào. Thậm chí, không ai biết… ông ta là ai, có phải người lương thiện hay không? CĐV Man City đã từng ngã ngửa khi ông chủ cũ của họ, tỷ phú người Thái Lan Thaksin Shinawatra bị chính phủ nước này truy nã vì các nguyên nhân chính trị, cộng thêm việc bị các tổ chức nhân quyền thế giới lên án.

Ông Thaksin sau đó cũng "bỏ của chạy lấy người", nhưng may mắn cho Man City là họ đã rơi vào tay một "tỷ phú Ả rập" xịn, là Hoàng thân Mansour xứ Abu Dhabi , người có rất rất nhiều tiền và đã lột xác Man City . Nhưng cũng chẳng ai đảm bảo khi Hoàng thân Mansour chán bóng đá, "quả bóng hơi" mà ông đã thổi lên ở thành Manchester sẽ như thế nào.

CĐV Birmingham City cũng chỉ biết ôm đầu kêu trời khi ông chủ Carson Yeung chẳng bỏ ra một đồng nào cho đội bóng, để mặc CLB xuống hạng. Không ai biết ông Carson Yeung này từ đâu mà ra, chỉ biết ông ta đến từ Hong Kong , đã chồng đủ tiền mua lại CLB. Không ai nắm được Yeung làm ăn những gì từ bên ngoài, gia sản có bao nhiêu, có thực sự đủ tiền mua lại CLB hay không…

Và chắc chắn, những người như Al-Fahim, Al Thani, Al Faraj Carson Yeung chắc chắn sẽ không phải là những "đại gia lừa" cuối cùng xuất hiện ở bóng đá châu Âu. Bởi bóng đá đã và vẫn được nhìn nhận là "miếng mồi ngon" cho những âm mưu kinh tế, chính trị…

Chủ CLB là… trùm buôn vũ khí

Sau khi Portsmouth đã tan nát vì những tay Ả-rập hữu danh vô thực, ông chủ cũ Alexandre Gaydamak mới đứng ra trước dư luận thừa nhận: ông ta cũng chẳng phải chủ của Portsmouth , mà chỉ đứng tên hộ cha mình, Arcadi Gaydamak. Arcadi không muốn trực tiếp đứng tên sở hữu Portsmouth bởi ông ta là một trùm buôn vũ khí khét tiếng trên thế giới, cung cấp vũ khí cho các cuộc nội chiến đẫm máu tại Angola .

Luật? Không có luật!

Giải Ngoại hạng Anh là nơi thu hút đầu tư hàng đầu thế giới. Nhưng để xác minh tư cách của một người muốn mua lại CLB, họ không có cách nào. Chỉ có một "Bài kiểm tra tư cách" rất đơn giản, với các tiêu chí như không bị truy nã ở bất cứ nước nào trên thế giới, không có cổ phần ở nhiều CLB khác nhau tại Anh, không bị cấm tham gia hoạt động thể thao. Và thế là một ông doanh nhân "từ dưới đất chui lên" như Al Faraj cũng có thể vượt qua bài kiểm tra này dễ dàng.

Nguồn CAND: http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/giaitri-thethao/gocnhinthethao/2013/1/184495.cand