Bộ ba siêu thanh: Nga áp đặt cuộc đua lên Mỹ

Nga không cần chạy đua vũ trang vì những loại vũ khí 'siêu nhiên' của Nga đã đi trước Mỹ cả chục năm.

Zircon phóng lên từ Đô đốc Gorshkov trúng mục tiêu ở khoảng cách 450 km

Zircon phóng lên từ Đô đốc Gorshkov trúng mục tiêu ở khoảng cách 450 km

Chạy đua vũ trang trong cuộc đối đầu “ai thắng ai” giữa 2 thế lực là không tránh khỏi, được biểu hiện bằng một “cuộc chiến tranh lạnh” thay vì một cuộc chiến tranh nóng như cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Chạy đua vũ trang là một bên nào đó cố gắng chiếm lấy ưu thế quân sự, như lực lượng thì đông, hùng hậu hơn; vũ khí trang bị thì tiên tiến, hiện đại vượt trội đối thủ và chiếm lĩnh nhiều vị trí địa chiến lược quan trọng…trong đó, chạy đua về vũ khí trang bị, phương tiện cho chiến tranh là chủ yếu là yếu tố quyết định thắng bại.

Chúng ta đã nghe “Bộ ba hạt nhân” (ICBM, SSBN, máy bay chiến lược) tức là VKHN được triển khai trên đất liền, trên biển và trên không. Hiện nay chỉ có Nga và Mỹ là có đủ bộ ba này, các quốc gia có VKHN còn lại hầu như chỉ có trên đất liền, trên biển mà không có trên không vì họ không có máy bay chiến lược tầm xa.

Sức răn đe của bộ ba này đã khiến cho Liên Xô-Nga với Mỹ tiến hành một cuộc chạy đua tốn kém và nguy hiểm trong cuộc chiến tranh lạnh vừa qua. Thực tế, sản phẩm của bộ ba hạt nhân này của Nga và Mỹ là tương đương về tính năng kỹ, chiến thuật mà không bên nào tạo ra được ưu thế. Chính vì thế, cuộc chạy đua vũ trang mới khốc liệt, không có điểm dừng, là một trong những nguyên nhân chính đã làm Liên Xô sụp đổ.

Và, có một thực tế không thể phủ nhận là trong cuộc chiến tranh lạnh đó, Mỹ luôn áp đặt cuộc chạy đua với Liên Xô, nghĩa là Liên Xô luôn phải đuổi theo Mỹ, đặc biệt là về Hải quân. Đó là lý do vì sao chỉ Liên Xô chế tạo ra “Bàn tay thần chết” (Dead Hand) kiểu như “ôm bom cùng chết với Mỹ” trong khi Mỹ-NATO thì không.

Sau khi Liên Xô tan rã, thừa hưởng di sản hoang tàn của Liên Xô là Nga, đương nhiên, lúc đó Nga không thể mạnh như Liên Xô, không phải là đối thủ của Mỹ-NATO, cho nên Mỹ thực sự lên ngôi bá chủ thế giới từ năm 1991.

Thập niên 90 là thời kỳ nước Nga loạn lạc, nát như kẻ nghiện rượu khiến cho Mỹ-NATO “cao gối ngủ ngon” và thậm chí đến năm 2000 khi Vladimir Putin lên làm Tổng thống Nga thì Mỹ-NATO cũng chẳng cần quan tâm Putin là ai.

Năm 2007, tại Hội nghị an ninh Munich, Putin đã có một tuyên bố về thế giới đa cực, đơn cực…(tuyên bố này chỉ cho đến bây giờ, giới nghiên cứu chính trị thế giới đều cho rằng đây là một thông điệp địa chính trị quan trọng nhất của thế kỷ XXI) nhưng lúc đó, Mỹ-PT không ai nghe, coi đó “chỉ là tiếng gầm gừ của một con rận”.

Vào ngày 01 tháng 3 năm 2018, sau 10 năm trời âm thầm bí mật đánh lừa toàn bộ hệ thống tình báo của Mỹ-PT để tái vũ trang (tổ chức xây dựng lực lượng, chế tạo vũ khí mới), trong thông điệp Liên bang, Tổng thống Nga Putin đã công bố 6 loại vũ khí mới mà thế giới chưa ai có (trong đó có vũ khí siêu thanh).

Giới chính khách salon thì cho đó là “phim hoạt hình Putin” nhưng giới hiểu biết thì rụng rời tay chân…khi “Avangard” và “Dagger” đã chính thức trực chiến từ cuối năm 2018 và bây giờ là “Zircon” đã thử nghiệm thành công nhân dịp ngày sinh nhật thứ 68 của Tổng thống Nga Putin.

Có thể nói rằng, ba loại vũ khí siêu thanh của Nga đã chính thức trang bị cho trên đất liền (Avangard), trên không (Dagger) và trên biển (Zircon). Đây là một bộ ba vũ khí siêu thanh (mang đầu đạn hạt nhân khi cần thiết) mà duy nhất trên thế giới chỉ có Nga được trang bị.

Vũ khí siêu thanh (Avangard, Dagger, Zircon) là bước đột phá “khét tiếng” quân sự của Nga, bỏ xa các đối thủ. Bước đột phá khét tiếng là gì, và tại sao nó lại quan trọng như vậy?

Tính chất, đặc điểm của vũ khí siêu thanh

Thứ nhất, đây là một loại vũ khí không thể đánh chặn. Cho đến nay, chưa có một hệ thống phòng không nào trên thế giới có thể đánh chặn được nó theo lý thuyết và thực tế, ngoại trừ “tin đồn” về S-500 của người Nga sắp ra đời…

Điều này có nghĩa là toàn bộ hệ thống đánh chặn của Mỹ bố trí trên các vị trí chiến lược chống tên lửa đạn đạo ICBM, từ SSBN của Nga (theo lý thuyết) đều trở thành “đống sắt gỉ”. Như vậy, huyền thoại về tính “bất khả xâm phạm của Mỹ” hoàn toàn sụp đổ.

Thứ hai, đây là loại vũ khí mà nguyên tắc hoạt động nằm ngoài các nguyên tắc vật lý thông thường như chúng ta đã biết. Chẳng hạn, giới nghiên cứu Mỹ-PT vẫn đặt dấu hỏi hồ nghi rằng, với tốc độ như “thiên thạch” thì bằng cách nào các kỹ sư người Nga vẫn đảm bảo cho đầu đạn siêu thanh đó bay trúng đích?...

Nếu như các kỹ sư người Mỹ-PT vẫn chưa hiểu được thì chúng ta đừng quá tham vọng hiểu biết rõ khi đặt ra những câu hỏi tại sao, như thế nào… mà chúng ta chỉ xem thực tế trước mắt…

Avangard – ICBM siêu thanh trên mặt đất

Avangard, không ngoa, là một phép màu của công nghệ. Nhiều nguyên tắc hoạt động của nó nằm ngoài phạm vi vật lý cổ điển và các công nghệ có sẵn trước đây. Như tổng thống Putin đã nói: “Việc tạo ra hệ thống Avangard tương xứng với ý nghĩa của nó với việc phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên”.

Avangard được đưa lên trên tầng khí quyển bằng tên lửa UR-100N UTTH (NATO gọi là SS-19 Stiletto). Sau đó các Avangard tách ra và lao vào tầng khí quyển như một thiên thạch đến mục tiêu trên trái đất với tốc độ 27 mach. Với tốc độ đó, nó chịu đựng một nhiệt độ hơn 2000 độ C và tạo ra quanh nó một “túi” plasma.

Theo hiểu biết thông thường, có thể có một loại vật liệu chịu dược nhiệt độ này nhưng các linh kiện điện tử trong đó là làm sao và như thế nào tồn tại và sự kết nối thông tin liên lạc thoát ra khỏi “túi” plasma…đã khiến người Mỹ chưa tin và cho rằng người Nga đang đùa.

Nhưng, hóa ra người Nga không đùa, họ đã viết ra một trang sách mới trong giáo khoa vật lý. Avangard đã hiện thực, nó được bắt đầu sản xuất hàng loạt và 2 trung đoàn Avangard đã được đưa và trực chiến tháng 2 năm 2019.

Dagger – siêu thanh trên không

“Dagger” là một tên lửa siêu thanh hàng không, tức là bệ phóng của nó là một chiếc máy bay. Máy bay đánh chặn siêu thanh MiG-31K được dùng để mang, phóng nó. Và Nga đang tiển khai tổ hợp Dagger trên máy bay Tu-22M3M và trong tương lai cả Su-57.

MiG-31K ở độ cao 15 km với tốc độ siêu thanh phóng tên lửa Dagger. Rời bệ phóng, Dagger tăng tốc tới 10 Mach lao đến mục tiêu…

Người Mỹ đã cố gắng làm điều tương tự trong nhiều năm trên Boing X-51A, nhưng không thành công. Đó là lý do tại sao Mỹ phủ nhận thực tế về những gì đã xảy ra bấy lâu nay. Tuy nhiên, vào tháng 2 năm 2019, ở cấp cao nhất, Mỹ vẫn buộc phải thừa nhận thực tế của tình hình hiện tại.

Zircon – siêu thanh trên biển

Tên lửa siêu thanh Zircon của Hải quân là một bước đột phá không kém so với những tên lửa khác. Lý do cho điều này nằm ở chỗ, không giống như Dagger, được tăng tốc bằng máy bay, tên lửa này tự phát ra tốc độ siêu thanh đến 9 Mach.

Zircon có 3 biến thể: Phóng từ tàu ngầm, từ tàu mặt nước và từ bờ (đất đối hải). Chính thức vào ngày 7/10, nhân kỷ niệm ngày sinh thứ 68 của Putin, biến thể Zircon trên tàu mặt nước đã hoàn thành thử nghiệm cấp quốc gia thành công…

Từ tàu “Đô đốc Gorshkov”, Zircon bay 450 km ở độ cao 28 km với tốc độ 1,67 km/s trúng mục tiêu. Và trong tháng 11, sẽ thử tiếp Zircon tầm bay 1000 km.

Việc thử thành công Zircon là một sự vui mừng khôn xiết của người Nga nhưng là một nỗi ác mộng kinh hoàng của người Mỹ mà chủ yếu là lực lượng Hải quân Mỹ. Tại sao lại như vậy? Chúng ta dành một bài phân tích kỹ hơn, cụ thể hơn về chiến thuật cho Zircon.

Kết luận

Chúng ta chỉ cần lưu ý một điều này: Cho đến bây giờ và cả chục năm sau thì Mỹ không có bộ ba vũ khí siêu thành này. Và, dĩ nhiên Mỹ đang cố gắng để chống lại. Có điều, với chi phí của Mỹ để chống lại, có thể nói rằng, chính Nga đã áp đặt một cuộc chạy đua vũ trang lên Mỹ - điều chưa từng có trước đây.

Lê Ngọc Thống

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/bo-ba-sieu-thanh-nga-ap-dat-cuoc-dua-len-my-3421911/