Bộ ba hạt nhân: So hầm phóng cố định-tổ hợp cơ động

Xin giới thiệu với bạn đọc một số thông tin, hình ảnh về lực lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bố trí trên mặt đất của Nga.

(Một thành tố trong bộ ba hạt nhân) và các phương pháp phóng, những điểm mạnh và điểm yếu của mỗi phương pháp qua bài viết với tiêu đề trên của chuyên gia quân sự Nga Riabov Kirill.

Bài đăng trên “Bình luận quân sự” ngày 29/7/2018.

Hiện nay trong thành phần trực chiến của Bộ đội tên lửa chiến lược Nga (viết tắt tiếng Nga – RVSN, sau đây chúng tôi xin dùng từ viết tắt này-ND) đang có vài trăm ICBM các kiểu khác nhau.

Khoảng một nửa số vũ khí này được bố trí trong các hầm phóng cố định, số còn lại được vận chuyển đến các trận địa phóng bằng các tổ hợp tên lửa cơ động trên mặt đất.

Các tên lửa hiện đại nhất được chia đều- một nửa cho các hầm phóng, nửa còn lại- cho các tổ hợp tên lửa cơ động trên mặt đất.

Dù vậy, cách “phân phối đó” vẫn chưa đưa ra câu trả lời dứt khoát cho câu hỏi: phương pháp bố trí tên lửa đạn đạo xuyên lục đại nào tốt (hoàn thiện) hơn?

Ngược dòng lịch sử

Trước hết cần nhớ lại lịch sử phát triển tổ hợp phóng cho vũ khí (tên lửa) của RVSN (Liên Xô và Nga).

Những tên lửa đầu tiên xuất hiện vào cuối những năm 40 của thế kỷ trước được lắp trên các bệ phóng tại các trận địa ngoài trời và không cần phải xây dựng các công trình kiên cố chuyên dụng lớn nào.

Tuy nhiên, các bệ phóng như vậy không đảm bảo an toàn cho tên lửa và vì vậy mà vào đầu những năm 50, Liên Xô bắt đầu thiết kế các hệ thống hoàn thiện hơn và được bảo vệ tốt hơn.

‘Nắp” bảo vệ hầm phóng tên lửa R-36M (Р-36М). Ảnh РVSN/ pressa-rvsn.livejournal.com

Đến giữa những năm 50, một số tên lửa mới bắt đầu “chui xuống đất”- tức được đưa vào các tổ hợp phóng ngầm.

Các công trình bê tông kiên cố của hầm phóng chống lại được các tác động từ bên ngoài, và ngoài ra, chúng còn đảm bảo bảo vệ an toàn tên lửa trước các đòn tấn công bom- tên lửa, kể cả đòn tấn công bằng một số kiểu vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, các hầm phóng cũng không phải là giải pháp giải quyết vấn đề tối ưu và duy nhất, chính vì thế mà các công trình sư Liên Xô bắt đầu thiết kế chế tạo các tổ hợp tên lửa cơ động trên mặt đất.

Những tổ hợp tên lửa cơ động trên mặt đất lần đầu tiên được sử dụng cho các tên lửa chiến dịch- chiến thuật rồi sau đó mới được sư dụng cho những tên lửa những lớp khác.

Đến thời điểm hiện tại các tổ hợp cơ động đã trở thành thành tố quan trọng nhất và không thể tách rời của RVSN- chúng và các hầm phóng cố định bổ sung cho nhau một cách tối ưu.

Tình hình hiện nay

Theo các nguồn tin công khai, hiện nay RVSN Nga có khoảng 300 ICBM các kiểu khác nhau đang trực chiến, cả trong các hầm phóng và cả trên các tổ hợp cơ động.

Cụ thể, -những tên lửa này thuộc 5 kiểu khác nhau, 2 kiểu trong số đó có thể bố trí cả trong hầm phóng lẫn trên các tổ hợp phóng cơ động.

Ba kiểu còn lại chỉ có thể phóng hoặc từ hầm phóng hoặc là bố trí trên các tổ hợp phóng cơ động.

Tên lửa R-36 (Р-36М) nằm ngoài container vận chuyển- phóng. Ảnh:Rbase.new-factoria.ru

Kiểu tên lửa cũ nhất và có số lượng lớn nhất trong RSVN là các ICBM kiểu UR-100N UTTKH (УР-100Н УТТХ).

Để phóng các tên lửa này, hiện có 30 hầm phóng thuộc một sư đoàn RVSN. Các tên lửa mới hơn là R-36M/M2 (Р-36М/М2) - có 36 quả và tất cả chúng đều được bố trí trong các hầm phóng.

Đang có 35 tên lửa RT-2PM (РТ-2ПМ ) “Topol” được sử dụng cho các tổ hợp phóng cơ động trên mặt đất. Trong các thập kỷ gần đây, Nga đã đưa vào trực chiến gần 80 tên lửa RT-2PM2 (РТ-2ПМ2 ) “Topol-M” và gần 110 quả tên lửa RS-24 (PC-24) “Yars”.

Chính các tên lửa “Topol-M” và “Yars” là những tên lửa vừa có thể phóng từ hầm phóng cố định, vừa có thể phóng từ các tổ hợp phóng cơ động trên mặt đất.

Các số liệu có thể tiếp cận được cho phép xác định một cách tương đối số lượng tên lửa trong các hầm phóng và số lượng tên lửa được vận chuyển bằng các xe chuyên dụng.

Trong các hầm phóng hiện đang có 30 tên lửa UR-100N UTTKH, 46 tên lửa R-36M, 60 tên lửa RT-2PM2 và 20 tên lửa RS-24 – tổng cộng 156 ICBM đang trực chiến.

Trên các tổ hợp cơ động có 35 tên lửa RT-2PM, 18 tên lửa “Topol-M” và 90 tên lửa “Yars”- tổng cộng 143 quả.

Như vậy, các tên lửa được chia gần đều cho 2 kiểu tổ hợp phóng, có nghiêng một chút về kiểu phóng thứ nhất. Việc thay thế theo kế hoạch các tên lửa đã hết hạn sử dụng (và không thể tăng hạn tiếp) bằng các tên lửa mới sẽ làm thay đổi tỷ lệ trên, nhưng không đáng kể.

Hầm phóng: những ý kiến ủng hộ và phản đối

Kiểu tổ hợp phóng có số lượng nhiều nhất của RVSN Nga-kể cả các tổ hợp đã triển khai (trực chiến) và một số tổ hợp dự bị-đó là các tổ hợp phóng từ hầm phóng.

Những tổ hợp này chủ yếu dùng để phóng các tên lửa kiểu cũ,- những tên lửa mà tổ hợp phóng cơ động không thể khai thác được.

Tuy nhiên, các mẫu tên lửa mới đang được chế tạo đều tính tới cơ sở vật chất hiện có của RVSN và có thể sử dụng được cho cả hầm phóng lẫn cho các tổ hợp cơ động.

Bên trong hầm phóng tên lửa R-36М. Ảnh:Rbase.new-factoria.ru

Những ưu điểm của các hầm phóng là rất rõ ràng. Công trình ngầm được xây dựng bằng bê tông rất kiên cố đảm bảo bảo vệ chắc chắn tên lửa và các trang thiết bị kèm theo.

Để có thể hủy diệt một quả tên lửa và kíp trắc thủ điều khiển tổ hợp phóng- tùy vào kết cấu và tính năng của tổ hợp phóng đó-cần phải sử dụng một đầu đạn hạt nhân công suất lớn đánh trúng vào khu vực hầm phóng.

Còn trong các những trường hợp khác, tổ hợp tên lửa dưới hầm phóng vẫn duy trì được khả năng tác chiến và chắc chắn sẽ tham gia đòn tấn công trả đũa.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/bo-ba-hat-nhan-so-ham-phong-co-dinh-to-hop-co-dong-3365790/