Bộ ba hạt nhân hết thời?

Xin được giới thiệu loạt bài viết cung cấp một số thông tin tổng quát và một số số liệu về vũ khí hạt nhân nói chung và bộ ba hạt nhân

Loạt bài viết về bộ 3 hạt nhân của hai cường quốc hạt nhân hàng đầu trên thế giới là Nga và Mỹ của chuyên gia quân sự Nga Andrey Mitrofanov. Các bài bắt đầu đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) từ 28/12/2019.

Vũ khí hạt nhân — thành trì hòa bình

Từ thời điểm xuất hiện vũ khí hạt nhân (VKHN), và sau đó phát triển thành vũ khí nhiệt hạch (sau đây xin được dùng chung thuật ngữ là “vũ khí hạt nhân” (VKHN) đến nay, loại vũ khí này đã trở thành một nhân tố quan trọng của lực lượng vũ trang (CLLVT) những quốc gia hàng đầu trên thế giới.

Hiện tại, không có loại vũ khí thay thế nào cho VKHN, - nhân loại chưa phát minh được loại vũ khí nào khác có sức hủy diệt khủng khiếp như VKHN.

Nếu VKHN với một số lượng dù vừa đủ nhưng chỉ có trong tay một cường quốc duy nhất, nó sẽ đảm bảo cho cường quốc đó ưu thế quân sự tuyệt đối trước bất kỳ một quốc gia nào khác.

Một tình huống như vậy đã từng có thể xảy ra vào giữa thế kỷ 20, khi Mỹ là quốc gia duy nhất sở hữu VKHN và đã không do dự sử dụng VKHN vào cuối Chiến tranh Thế giới Thứ hai để hủy diệt các thành phố của Nhật Bản.

Chỉ nhờ có sức mạnh trí tuệ và công nghiệp của Liên Xô trong một thời gian cực ngắn đã có thể tự chế tạo VKHN nên Mỹ mới không dám phát động Chiến tranh Thế giới Thứ Ba.

Thành phố Hiroshima Nhật Bản sau đòn tấn công hạt nhân của Mỹ

Thành phố Hiroshima Nhật Bản sau đòn tấn công hạt nhân của Mỹ

Ngày nay, chỉ duy nhất có VKHN mới là nhân tố chủ yếu kiềm chế không để xảy Chiến tranh Thế giới Thứ ba. Cho dù những tín đồ theo Chủ nghĩa Hòa bình có căm ghét VKHN đến mức nào đi chăng nữa, họ cũng không thể phủ nhận được một thực tế: nếu không có răn đe hạt nhân, Chiến tranh Thế giới Thứ ba chắc chắn đã xảy ra từ rất lâu, và không biết là đã có bao nhiêu cuộc chiến tranh toàn cầu xảy ra tiếp sau cuộc Chiến tranh Thế giới thứ ba đó.

Nước Mỹ dù rất muốn khẳng định vai trò của một "hiến binh thế giới" nhưng vẫn không chỉ không dám mạo hiểm tấn công một Bắc Triều Tiên sở hữu VKHN- mà họ (Mỹ)- thậm chí còn không dám thò mũi vào công việc của Bắc Triều Tiên, trong khi những quốc gia không có vũ khí hạt nhân đã bị Mỹ không kích không thương tiếc và đánh bại.

Với Bắc Triều Tiên, Mỹ không dám làm những gì mà Mỹ đã làm với Iraq, Nam Tư, Libya, Syria và nhiều quốc gia khác.

Có một điều kiện mang tính quyết định cho phép VKHN thực hiện chức năng là nhân tố răn đe (kiềm chế): đó là sự cân bằng hạt nhân giữa các cường quốc hàng đầu thế giới Nga (Liên Xô) và Mỹ,- sự cân bằng này đảm bảo chắc chắn khả năng các đối thủ có thể hủy diệt lẫn nhau trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Khái niệm “chắc chắn hủy diệt lẫn nhau” được hiểu tất nhiên không phải là sự tàn phá hoàn toàn quốc gia và thảm sát toàn bộ dân số đối phương, và lại càng không phải là sự diệt vong của tất cả sự sống trên hành tinh như một số người hay đem ra dọa, mà chỉ là – nếu phát động chiến tranh hạt nhân, kẻ xâm lược sẽ phải chịu những tổn thất lớn hơn rất nhiều lần những lợi ích mà nó sẽ nhận được (còn gọi theo một cách khác nữa là “tổn thất không thể chịu đựng nổi”-ND).

Dòng chữ trên: “cân bằng hạt nhân”

Yêu cầu quan trọng bậc nhất đối với kho vũ khí hạt nhân là phải luôn đảm bảo khả năng tiến hành một đòn tấn công trả đũa hoặc đáp trả- trả đũa trong trường hợp kẻ thù tiến hành đòn tấn công hạt nhân trước với tính toán là nhờ yếu tố bất ngờ nên có thể đồng thời tiêu diệt được VKHN của đối phương và giành chiến thắng.

Nhiệm vụ này (luôn sẵn sàng tham chiến) có thể được giải quyết bằng một số phương pháp.

Phương pháp đầu tiên- đó là thiết lập một hệ thống gồm các phương tiện cảnh báo đòn tấn công tên lửa hoạt động hiệu quả, có khả năng ra quyết định tiến hành một cuộc tấn công trả đũa trong b ất kỳ tình huống nào và một hệ thống chỉ huy- điều khiển đảm bảo chắc chắn truyền được lệnh phóng đến các phương tiện mang VKHN.

Thứ hai- đó là tăng khả năng sống sót của các phượng tiện mang VKHN bằng các phương pháp ngụy trang và / hoặc là tăng khả năng bảo vệ chúng trước các đòn tấn công của đối phương.

Để có thể hiểu được tầm quan trọng của các thành tố khác nhau trong bộ ba hạt nhân, chúng ta hãy cùng xem xét khả năng chịu đòn của các thành tố đang có và sẽ có trong bộ ba hạt nhân trước một đòn tấn công tước khi giới (tấn công trước) của đối phương.

Bộ ba hạt nhân chiến lược

Nguyên tắc "không bỏ tất cả trứng vào một giỏ" là một nguyên tắc cực kỳ đúng khi áp dụng cho VKHN.

Trong số các cường quốc hàng đầu thế giới, chi có Nga (Liên Xô) và Mỹ đã có các lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược với đầy đủ ba thành tố chính hoàn chỉnh- (1) thành tố mặt đất gồm các tổ hợp tên lửa trong hầm phóng hoặc các tổ hợp cơ động, (2) thành tố trên không là các máy bay ném bom chiến lược mang bom hạt nhân và / hoặc là tên lửa hành trình (có cánh) mang đầu tác chiến hạt nhân và (3) thành tố biển gồm các tên lửa hạt nhân bố trí trên các phương tiện mang là các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa.

Trung Quốc cũng có bộ ba hạt nhân nhưng chỉ ở một mức độ nào đó, các thành viên còn lại của Câu lạc bộ hạt nhân đành phải bằng lòng với hai hoặc thậm chí chỉ có một thành tố của bộ ba hạt nhân.

Bộ ba hạt nh ân chiến lược Nga

Mỗi thành tố của bộ ba hạt nhân đều có những ưu điểm và cả nhược điểm. Và mỗi quốc gia giành ưu tiên phát triển cho thành tố này hay thành tố khác theo cách riêng của mình. Với Liên Xô, thành tố mạnh nhất theo truyền thống vẫn luôn là thành tố mặt đất- Lực lượng (Bộ đội) Tên lửa Chiến lược (RVSN), còn với Mỹ- thành tố mạnh nhất là thành tố biển của Lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược.

Ở Anh, chỉ còn lại thành tố trên biển, với nước Pháp- thành tố chủ yếu là thành tố biển, và cũng có một thành tố trên không nhưng với quy mô hạn chế. Như đã nói, mỗi thành tố đều có điểm mạnh và điểm yếu.

Cũng xin thống nhất trước là cái mà chúng ta sẽ xem xét chính là độ bền tác chiến của các thành tố trong thành phần lực lượng hạt nhân chiến lược trong điều kiện đối phương tiến hành một đòn tấn công tước khí giới bất ngờ (tấn công trước).

Thành tố trên không của lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược

Trong lịch sử VKHN chiến lược, thành tố trên không (không quân) của các lực lượng hạt nhân chiến lược xuất hiện sớm nhất. Chính các máy bay ném bom đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki.

Cũng chính các máy bay ném bom sẽ là lực lượng ném bom hạt nhân xuống Liên Xô nếu các kế hoạch “Charioteer”” (1948), “Fleetwood” (1948), “SAK-EVP 1-4a” (1948), "Dropshot" (1949) và các kế hoạch khác của Mỹ được thực hiện.

Xét từ góc độ khả năng sống sót, thì thành tố trên không của lực lượng hạt nhân chiến lược là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước một cuộc tấn công tước khí giới bất ngờ của đối phương.

Máy bay ném bom (máy bay ném bom- mang tên lửa) đang đỗ tại sân bay rất dễ bị cả vũ khí hạt nhân lẫn vũ khí thông thường phá hủy. Thời gian chuẩn bị bay cho các máy bay này khá lâu,trong khi rất khó để duy trì chúng luôn trong trạng thái sẵn sàng xuất kích.

Cách duy nhất để đảm bảo khả năng sống sót của thành tố không quân, trong trường hợp bị đối phương tiến hành đòn tấn công tước khí giới là liên tục cho các máy bay mang vũ khí hạt nhân thay nhau trực chiến trên không như đã từng làm trong một số giai đoạn thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, làm như vậy là hết sức tốn kém xét từ quan điểm kinh tế: tiêu hao nhiên liệu, hao mòn máy bay và động cơ, việc cất hạ cánh liên tục có thể làm đầu đạn hạt nhân gặp trục trặc.

Ngoài ra, luôn tiềm ẩn rủi ro xảy ra tai nạn ngẫu nhiên trên khu vực lãnh thổ bay trực chiến và rơi đầu tác chiến hạt nhân dẫn đến ô nhiễm phóng xạ tại khu vực. Vì vậy, việc máy bay ném bom làm nhiệm vụ trực chiến trên không chỉ có thể được coi là trường hợp ngoại lệ chứ không thể tiến hành thường xuyên.

Máy bay ném bom B-52 của Mỹ và máy bay ném bom- mang tên lửa Tu-95 Xô Viết- thành phần nòng cốt của thành tố trên không lực lượng hạt nhân chiến lược của Hoa Kỳ và Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh

Sự xuất hiện của máy bay ném bom siêu âm (Tu-22M3, Tu-160 V-1) hoặc máy bay tàng hình (B-2) không làm thay đổi tình hình, mà thậm chí còn làm trầm trọng thêm, vì các yêu cầu đối với sân bay và công tác bảo dưỡng kỹ thuật, mức độ phức tạp của công tác chuẩn bị bay và chi phí cho mỗi giờ bay cao hơn nhiều.

Ngoài ra, thành tố không quân cũng cực kỳ dễ bị tổn thương trước các phương tiện phòng không, máy bay tiêm kích và máy bay đánh đánh chặn của đối phương trong giai đoạn tấn công.

Sự xuất hiện của “cánh tay nối dài” - tên lửa hành trình (có cánh) tầm xa (trang bị cho máy bay), về bản chất cũng không thay đổi căn bản tình hình. Khả năng sống sót của phương tiện mang (máy bay) đã tăng lên, nhưng tốc độ cận âm của các tên lửa hành trình khiến chúng trở thành mục tiêu dễ bị tiêu diệt nếu so chúng với tên lửa đạn đạo.

Việc sử dụng tên lửa đạn đạo phóng từ trên không (aeroballistic) có thể mang lại một số thay đổi nhất định, nhưng các tham số (tính năng) của chúng chắc chắn sẽ kém hơn các tham số tương tự của tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và từ biển do những hạn chế về trọng lượng và kích thước của các máy bay-phương tiện mang.

Và nói chung, trong một cuộc tấn công tước khí giới, tất cả những điều trên không còn giữ vai trò quá quan trọng nữa.

Một trong những tổ hợp vũ khí sắp đưa vào trang bị có chức năng răn đe hạt nhân là tên lửa hành trình “Burevestnik” động cơ hạt nhân.

Một mặt, cự ly bắn không giới hạn như đã được tuyên bố giúp loại bỏ hầu như hoàn toàn khả năng bị bắn hạ của máy bay mang (vì có thể phóng tên lửa từ lãnh thổ nước mình hoặc ngay tại khu vực biên giới) và giảm xác suất chính tên lửa bị bắn hạ bằng cách bay vòng tránh các khu vực phòng không/ phòng chống tên lửa của đối phương.

Nhưng mặt khác, tên lửa “Burevestnik”, dù có tốc độ cận âm (đến 99% là như vậy), hay siêu âm, thì cũng sẽ cực kỳ dễ bị tổn thương trước bất kỳ hệ thống phòng không nào của đối phương.

(Vì) Có thể tin chắc rằng trong trường hợp xảy ra một xung đột do chính đối phương phát động, tất cả các lực lượng của đối phương sẽ được huy động, - các máy bay AWACS, bóng bay, khinh khí cầu và những máy bay không người lái có khả năng sục sạo tìm kiếm mục tiêu trên không sẽ được lệnh cất cánh.

Dĩ nhiên, một mức độ sẵn sàng chiến đấu như vậy sẽ được duy trì không phải một hoặc hai ngày - trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, cái giá phải trả là cực kỳ cao.

Chính vì vậy mà gần như chắc chắn đối phương sẽ có thể phát hiện hầu hết các tên lửa có cánh “Burevestnik”, còn sau đó, việc tiêu diệt chúng sẽ không gặp khó khăn gì.

Tên lửa có cánh "Burevestnik"

Chính vì vậy mà tên lửa “Burevestnik” thích hợp hơn trong vai trò là vũ khí để thực hiện đòn tấn công phủ đầu, bởi vì vào thời bình, khi mà đối phương ít chuẩn bị nhất, nó có thể thực hiện một đòn tấn công tương đối bí mật từ các tuyến không thể xác định trước.

Không có thông tin đáng tin cậy về các phương tiện mang “Burevestnik”. Về nguyên tắc, cự ly bay không hạn chế của nó làm cho việc bố trí nó trên các máy bay trở nên vô nghĩa – cự ly bắn sẽ không lớn hơn, trong khi lại xuất hiện rủi ro xảy ra tại nạn với phương tiện mang.

Nhiều khả năng là nếu tính đến việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạn chế triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn (Hiệp ước INF), tên lửa “Burevestnik” có khả năng sẽ được triển khai trên các phương tiện mang mặt đất.

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (còn tiếp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/bo-ba-hat-nhan-het-thoi-3398731/