Bộ ảnh sống trên cây của những người bảo vệ môi trường ở Anh từ 27 năm trước

Biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học ngày càng trở nên tồi tệ trở thành động cơ để nhiếp ảnh gia quyết định hành động.

Vào giữa những năm 1990, một làn sóng biểu tình diễn ra để phản đối kế hoạch xây dựng đường bộ quy mô lớn của chính phủ Anh. Từ năm 1992 đến năm 1999, hàng nghìn người biểu tình đã tràn ra các đường phố của London, một số người chọn cách sống trên cây sắp bị đốn hạ để nhường đất cho đường cao tốc.

Adrian Fisk lớn lên trên những ngọn đồi ở Dartmoor, miền Nam nước Anh. Vào thời điểm đó, ông học nhiếp ảnh tại trường đại học. "Tôi nghe nói có nhiều người sống trên cây nên tôi đã đến xem xét thực địa đầu năm 1995".

Với tình yêu thiên nhiên to lớn, Adrian Fisk đã đến Newbury (nơi sau này đã trở thành một biểu tượng của phong trào) và hòa nhập vào nhóm người biểu tình.

"Tôi đã dựng một ngôi nhà trên cây sồi cao hơn 18m. Tôi rất ủng hộ những gì họ đang làm. Bản thân tôi cũng là một nhà môi trường. Tôi nhận ra rằng điều mình có thể đóng góp chính là chiếc máy ảnh", Fisk nói.

Năm nay, Fisk đã xuất bản những bức ảnh ông chụp trong cuốn sách mới mang tên “Until the Last Oak Falls”, ghi lại câu chuyện cảm động về những người không sợ mùa đông khắc nghiệt, chiến đấu với độ cao chóng mặt, chịu đựng sự nhạo báng của truyền thông để bảo vệ thiên nhiên. Nó phản ánh sự cống hiến, nổi dậy, nỗi buồn và hy vọng của những con người đứng lên hành động cho sự hủy diệt môi trường.

Điều đáng chú ý rằng nhiều bức ảnh đã được chụp từ 27 năm trước. Tại sao Fisk không công bố ngay từ đầu?

Lý do chủ yếu là khí hậu và hệ sinh thái hiện tại đang ở mức báo động, nguy cấp hơn rất nhiều so với nhiều năm trước.

"Họ ngồi trên ngọn cây hét lớn, kêu gọi những người thợ phá cây làm đường dừng lại nhưng không một ai lắng nghe", Fisk kể lại.

Fisk nói rằng sự hồi sinh gần đây của phong trào khí hậu ở Anh tạo nên cơ hội để suy ngẫm về lịch sử và học hỏi từ nó. "Lời kêu gọi của các nhà môi trường nhiều năm trước là hoàn toàn chính xác. Chúng ta nên lắng nghe họ ngay bây giờ".

Thung lũng Stanworth, Tây Bắc nước Anh, năm 1995. Để ngăn chặn việc chặt cây mở rộng đường cao tốc M65, những người biểu tình đã thực hiện chiến lược "ngồi trên cây" (tree sitting). Trong bức ảnh có thể thấy, một cảnh sát đứng dưới gốc cây. Nguồn ảnh: Adrian Fisk

Thung lũng Stanworth, Tây Bắc nước Anh, năm 1995. Để ngăn chặn việc chặt cây mở rộng đường cao tốc M65, những người biểu tình đã thực hiện chiến lược "ngồi trên cây" (tree sitting). Trong bức ảnh có thể thấy, một cảnh sát đứng dưới gốc cây. Nguồn ảnh: Adrian Fisk

Đường Newbury, phía Tây London. Một chàng trai di chuyển qua tán cây bằng cách sử dụng dây thừng. Ảnh: Adrian Fisk

Di chuyển vào nhà trên cây vô cùng khó khăn. Toàn bộ quá trình mất khoảng 15 phút và cần đến prusiking, một kỹ thuật leo núi cực kỳ mất sức. Nguồn ảnh: Adrian Fisk

Mùa đông năm 1995, nhiệt độ ở Newbury giảm mạnh xuống âm 13 độ. Nhiệm vụ đơn giản đã trở thành thách thức cam go. "Tôi đã dành phần lớn thời gian ở ngoài trời vào mùa đông năm đó. Khoảnh khắc ấy khiến tôi mong đợi mùa xuân nhanh đến hơn bất kỳ lúc nào", Fisk đã viết. Nguồn ảnh: Adrian Fisk

Nhiếp ảnh gia Adrian Fisk đã ghi lại mọi khía cạnh của cuộc sống hàng ngày của người biểu tình, từ pha trà đến lấy thực phẩm. Nguồn ảnh: Adrian Fisk

Di chuyển từ nhà cây này đến nhà cây khác không hề dễ dàng. Điều này chứng tỏ những người biểu tình đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết. Nguồn ảnh: Adrian Fisk

Fisk giải thích rằng các cuộc biểu tình rất được hoan nghênh vì chúng kết hợp "bữa tiệc carnival và phong trào môi trường".

Tháng 5/1995, một cuộc biểu tình "Reclaim the Streets" đã được tổ chức trên đường phố Camden ở phía Bắc London. Fisk viết: "Vài giờ trước, con đường này đông nghịt xe hơi và khí thải, cảnh tượng quá phổ biển ở London". Nguồn ảnh: Adrian Fisk

Âm nhạc điện tử là một phần không thể thiếu trong các cuộc biểu tình. Nguồn ảnh: Adrian Fisk

Tác động của biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học ngày càng trở nên tồi tệ, gây thiệt hại lớn cho cuộc sống của người dân. Các cuộc biểu tình cũng trở nên phá hoại hơn để ép buộc chính phủ tập trung vào vấn đề bảo vệ môi trường.

Tháng 10/2022, hai cô gái bước vào Bảo tàng mỹ thuật quốc gia ở London, đổ nước sốt cà chua vào bức tranh “Hoa hướng dương” nổi tiếng của Vincent van Gogh. Phong trào “Just Stop Oil” đã thu hút sự chú ý với các cuộc biểu tình tương tự. Tổ chức này đã yêu cầu ngừng khai thác dầu và khí đốt mới ở Anh.

Trên thực tế, hai nhà môi trường đã đổ nước sốt cà chua vào bức tranh có đóng khung kính, nhưng hầu hết các báo cáo bỏ qua điều này.

Hành động trực tiếp có hai vai trò. Một là thực sự ngăn chặn những gì đang xảy ra, và quan trọng hơn là thu hút sự chú ý. Nó giống như thắp sáng một ngọn đèn. Nếu không, mọi người vẫn còn trong bóng tối.

Adrian Fisk

Tổng cộng có hơn 800 người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình chống lại việc xây dựng đường Newbury từ năm 1995 đến năm 1996.

Một buổi sáng tháng 3 lạnh lẽo, cùng với cảnh sát, một đoàn xe bao gồm máy xúc và cần cẩu bắt đầu trục xuất các nhà môi trường phản đối việc xây dựng một con đường nhánh ở Newbury. Nguồn ảnh: Adrian Fisk

Các nhân viên an ninh đưa người đàn ông Kostas ra khỏi cây sồi cao hơn 18m. "Cuối cùng, họ đã kéo Kostas ra khỏi cây sồi cổ thụ kia, cũng đồng nghĩa với việc cái cây này đã kết thúc cuộc đời của nó". Nguồn ảnh: Adrian Fisk

Để ở trên cây càng lâu càng tốt, những người biểu tình leo lên cao hơn, tránh các nhân viên an ninh và cảnh sát tiếp cận bằng cần cẩu. Nguồn ảnh: Adrian Fisk

Một người phụ nữ tên Cake trèo lên một cây bạch dương với hy vọng bảo vệ nó khỏi nạn phá rừng. Cô đã đứng trong tư thế cứng đơ gần ba giờ trong gió lạnh mùa đông. Nguồn ảnh: Adrian Fisk

Gốc cây bị đốn hạ được sơn dòng chữ "RIP Bog Camp". Cuối cùng, tất cả các ngôi nhà trên cây trong rừng đã được dọn dẹp sạch sẽ và đường Newbury đã được khởi công xây dựng thành công. Tuy nhiên, chi phí chi trả cho cảnh sát để dẹp bỏ các cuộc biểu tình đã khiến chính phủ Anh từ bỏ kế hoạch xây dựng thêm 77 đường nhánh. Nguồn ảnh: Adrian Fisk

Nguồn: Thepaper

Trung Hạ

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cong-bo-bo-anh-an-nam-tren-cay-cua-nhung-nguoi-bao-ve-moi-truong-o-anh-tu-27-nam-truoc-20221125222455126.htm