Bộ ảnh cưới chăn gối giữa đường: 'Bột phát của cá nhân'

GS Trần Lâm Biền cho rằng, ý tưởng chụp ảnh cưới chăn gối giữa đường chỉ mang tính bột phát cá nhân.

Vụ việc chụp ảnh cưới chăn gối tại những địa điểm nổi tiếng của Hà Nội, mang tính văn hóa lịch sử như phố đi bộ Hồ Gươm, cầu Long Biên, Hồ Tây và một số con phố của Hà Nội vẫn đang khiến dư luận xôn xao.

Ngày 19/9, trao đổi với báo Đất Việt, GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống cho rằng, đây là một ý tưởng mới nhưng không nằm trong trật tự và truyền thống văn hóa của dân tộc.

"Chúng ta chấp nhận tất cả những cái mới nhưng phải mới trong trật tự và truyền thống văn hóa của dân tộc, không chấp nhận những cái mới vô tổ chức. Ý tưởng của các cá nhân mà không có truyền thống của cộng đồng cũng như không có bệ đỡ của thực tại thì rõ ràng là rất phản cảm.

Chính bởi vậy, bộ ảnh cưới chăn gối ngoài đường này không thể coi là có liên quan đến văn hóa nghệ thuật mà chỉ mang tính chất cá nhân, coi thường cộng đồng, tập thể.

Nếu ý tưởng chụp ảnh cưới chăn gối ngoài đường đó đem về không gian, đất đai hợp pháp của họ thì họ làm thoải mái nhưng đã đem ra cộng đồng thì phải được cả cộng đồng chấp nhận", GS Biền nói.

Theo GS Biền, bộ ảnh cưới này không thuộc phạm trù văn hóa truyền thống và thực tại, chỉ là bột phát của cá nhân.

Cảnh tác nghiệp và trình diễn bên Hồ Gươm chiều 16/9 khiến nhiều người nhìn xa tưởng tai nạn giao thông Ảnh: Hải lê cao

Cảnh tác nghiệp và trình diễn bên Hồ Gươm chiều 16/9 khiến nhiều người nhìn xa tưởng tai nạn giao thông Ảnh: Hải lê cao

Cũng theo vị này, bộ ảnh cưới này chỉ thỏa mãn cái tôi lệch chuẩn của mình, không đúng nơi đúng chốn, không phân biệt được điều sơ đẳng giữa không gian công cộng và riêng tư thì không thể coi là nghệ thuật.

Trước đó, trao đổi với PV về ý tưởng chụp bộ ảnh cưới chăn gối giữa đường này, nhiếp ảnh gia Lê Cao Hải cho biết: "Đã bao giờ bạn thật sự thả lỏng, dũng cảm buông bỏ tất cả những thứ nặng trĩu trên vai xuống và ngồi lại với nhau, để sống hết mình, yêu hết mình hay chưa?

Cuộc sống này là của chúng ta, ai cũng chỉ có 1 lần tuổi trẻ, ai cũng chỉ có 1 lần để sống và say đắm".

Về thông tin những tuyến đường đó là những địa điểm mang tính văn hóa lịch sử, bộ ảnh chăn gối không phù hợp ở những nơi đó, anh Hải cho rằng, việc phù hợp hay không còn do thẩm mỹ và nhận định của từng người.

"Tôi không chụp nude nên không vi phạm và những điểm chụp đó đều không có biển báo cấm chụp hình. Như vậy thì không có gì là không phù hợp ở đây cả, chỉ có điều là bình thường mọi người quen thấy chụp ảnh cưới đứng ngồi, giờ thấy mang chăn gối ra nằm thì lạ nên có ý kiến trái chiều là điều đương nhiên. Thứ gì mới cũng cần thời gian để tiếp nhận", anh Hải nói.

Tình tự bên cầu Long Biên. ảnh: HẢI LÊ CAO

Về thông tin kíp thợ chụp ảnh gây cản trở giao thông, ý tưởng ảnh cưới không phù hợp với nơi công cộng, gây phản cảm, anh Hải cho rằng: "Trước khi thực hiện bộ ảnh cưới này, tôi đã lường trước được việc có gây ùn tắc giao thông hay không.

Còn ảnh trên cầu Long Biên là điểm dừng đỗ nghỉ chân của người đi đường và rất nhiều người tụ họp bán hàng trên đó. Ê kíp thấy còn trống chỗ gửi xe khi các bạn thanh niên vừa rời đi và kíp chụp chỉ chụp trong vòng 5-10 phút, không hề gây cản trở người đi đường. Chính bởi vậy, cả ê kip phải di chuyển bằng xe máy".

Thanh Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/nhip-song-tre/bo-anh-cuoi-chan-goi-giua-duong-bot-phat-cua-ca-nhan-3419253/