Bộ ảnh 'có một không hai' của vợ chồng Hà Nội trên đỉnh núi cao 2.865m

Kỷ niệm 11 năm ngày cưới, chị Trang và anh Khuê cùng nhau leo đỉnh Tà Xùa (Yên Bái) cao 2.865m để chụp bộ ảnh kỷ niệm 'có một không hai' vô cùng ngọt ngào.

Sinh ra và lớn lên ở Sapa (Lào Cai), là cô gái miền núi chính gốc nhưng đến năm 2018, chị Dì Thị Huyền Trang (35 tuổi) mới chính thức leo núi lần đầu tiên. Ngọn núi chị chọn mở màn là Bạch Mộc Lương Tử (Lào Cai) - một đỉnh cao khá “khó nhằn” với cả dân leo núi chuyên nghiệp.

Chuyến đi khiến chị thở dốc và đau chân muốn khóc, nhưng nó cũng khiến chị nhận ra là mình rất mê leo núi. Đến năm 2019, chị leo thêm 3 đỉnh: Lảo Thẩn, Pu Ta Leng và Tà Chì Nhù. Năm 2020, chị chinh phục tiếp Chư Nâm và Nhìu Cồ San.

Sau 3 năm thỏa sức chinh phục các đỉnh núi, chị mới bắt đầu “dụ dỗ” chồng leo cùng mình nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày cưới.

Đến năm nay, theo lời hẹn cũ, anh Vũ Văn Khuê (40 tuổi) lại lên kế hoạch leo núi cùng vợ. Trước hôm xuất phát từ Hà Nội chỉ 1 ngày, chị thủ thỉ với chồng: “Anh ơi, hay là chúng mình làm gì đó ‘ngựa ngựa’ đi, kiểu như chụp ảnh cưới ở chóp ý, chứ cứ đi không thôi thì cũng vui nhưng nó thường quá”.

Trước lời rủ rê của vợ, lúc đầu anh nghĩ nó hơi ‘điên rồ'. "Vợ mình là người có tâm hồn bay bổng nhưng mình lại là người rất thực tế. Sau khi nghe vợ đề xuất, mình bắt đầu tìm hiểu thông tin về nhiệt độ, độ dài quãng đường, độ khó, thời gian di chuyển trung bình… Trong lúc ấy thì vợ mình đã đi mở tủ chọn váy áo, phối đồ các kiểu”.

Chị Trang và anh Khuê trên đỉnh Tà Xùa - 1 trong 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam.

Chị Trang và anh Khuê trên đỉnh Tà Xùa - 1 trong 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam.

Nhớ lại chuyến leo núi đầu tiên của vợ, anh kể, khi về nhà, 2 ngón chân cái của vợ sưng to như 2 quả nhót, người thì phờ phạc, chân ‘đi hình chữ O’ mất mấy hôm, đến mức muốn leo lên xe máy còn phải dùng tay bê chân lên. “Lúc đấy mình tự hỏi: Bao nhiêu chỗ đẹp thì không đi, chả hiểu sao cứ thích hành xác như vậy. Thế nhưng mình nhận ra vợ mình có bước ngoặt lớn về mặt tinh thần sau khi leo núi”.

Trước đó do vừa làm vừa học, công việc lại nhiều nên chị Trang luôn căng thẳng. Phần lớn thời gian chị cắm đầu vào máy tính làm việc nhưng sau chuyến đi, anh Khuê nhận thấy vợ thoải mái và vui vẻ hơn hẳn. Tối nào chị cũng cho anh xem ảnh trên núi và kể chuyện đi leo như thế nào, có chuyện gì vui. Đi đâu chị cũng hồ hởi kể chuyện đi Bạch Mộc Lương Tử với tinh thần rất phấn chấn.

Đến tận năm 2020, chị rủ anh leo đỉnh Chư Nâm ở Gia Lai, chỉ cao 1.472m để kỷ niệm cột mốc 10 năm ngày cưới, anh mới đồng ý đi cùng.

“Mình đi chủ yếu là do chiều vợ chứ trước đó mình không có ý định đi du lịch trải nghiệm kiểu này. Chuyến đi ấy cũng là chuyến đi mở màn của mình và rồi sau đó, vợ chồng mình quyết định mỗi năm kỷ niệm ngày cưới sẽ cố gắng đi 1 đỉnh nếu còn khỏe và chưa vướng bận gì. Tà Xùa mới chỉ là đỉnh thứ 2 mình chinh phục thôi” - anh Khuê chia sẻ.

Bộ ảnh được một thành viên cùng đoàn là nhiếp ảnh gia chụp giúp.

Trước khi đi, chị Trang nghĩ, cứ mang sẵn đồ theo, chụp được hay không thì còn… tùy duyên. Với chị, việc hai vợ chồng đi cùng nhau thôi đã là tuyệt vời lắm rồi.

Đã có kinh nghiệm leo nhiều đỉnh nên chị cũng hiểu rằng chỉ 1kg hành lý trên lưng cũng sẽ trở nên vô cùng nặng nhọc khi leo núi. Vì thế, chị chỉ mang đúng 1 bộ váy áo được “mix” từ đồ đã mua cách đây vài năm. “Voan cài đầu cũng là mảnh vải cũ tầm 1m. Mình chỉ cần giặt cho phẳng và sạch rồi kẹp lại bằng một cái kẹp có răng là xong. Giày cao gót mình mang đi cũng là giày cũ”.

Anh Khuê thì phải chạy đi mua một cái áo sơ mi trắng, vì từ hồi lấy vợ tới giờ anh chỉ mặc sơ mi trắng đúng một lần vào ngày cưới.

Hai vợ chồng âm thầm thực hiện kế hoạch mà không nói với ai trong đoàn, kể cả hướng dẫn viên. “Mình không thích kế hoạch của 2 vợ chồng làm ảnh hưởng tới chuyến đi của mọi người. Hai vợ chồng chỉ bàn nhau là lên đỉnh, thay đồ rồi dùng điện thoại chụp một cái là xong. Đến tận tối hôm đầu tiên ở lán nghỉ trên núi, vợ mình mới nói ý tưởng với cả đoàn vì sợ việc tụi mình đi chậm, lại còn dừng lại ở trên đỉnh chụp ảnh sẽ mất thời gian nên dặn mọi người cứ ăn trước và xuống trước.

Rất may là cả đoàn đều rất ủng hộ và đặc biệt hơn là trong đoàn mình đi có một anh nhiếp ảnh gia đi cùng. Chính anh là người chụp giúp vợ chồng mình mấy bức ảnh ở rừng rêu trên đỉnh Tà Xùa”.

Bộ ảnh trên đỉnh núi trong đó cặp đôi chỉ mặc một bộ trang phục.

Chiếc váy để chụp ảnh làm bằng vải voan nên chị Trang sợ lên được đến đỉnh sẽ nhăn. Vì thế, chị cẩn thận cho vào một chiếc túi zip kín, được bơm phồng. Rất may lên tới nơi váy vẫn vào nếp mà không bị dúm dó. Ngoài bộ váy và đôi giày cao gót, chị chỉ mang thêm đúng một thỏi son.

Tuy nhiên, với quãng đường đi bộ trên núi khoảng 34km, dù chỉ mang thêm mỗi người 1kg đồ đạc thì hành trình chinh phục Tà Xùa cũng khó khăn hơn rất nhiều.

“Khó khăn với mình là ở mặt thể lực. Vợ mình là người miền núi nên leo núi rất nhanh và khỏe lắm. Mình là trai đồng bằng nên leo núi với mình là một hoạt động khó nhằn. Mình nặng gần 90kg, lại từng bị chấn thương dây chằng đầu gối nên không đi nhanh được.

Vợ chồng mình phần lớn tự mang đồ, chỉ nhờ porter mang hộ túi ngủ và 1 đôi dép nên balo của cả hai lúc nào cũng nặng tầm 5-6kg cả nước uống và đồ ăn vặt. 5-6 kg ấy bình thường ở đường bằng không sao, khi leo khoảng 1-2 tiếng rồi thấy nó nặng như 15kg vậy. Đã có lúc mình thực sự rất mệt, thở không ra hơi vì bị nhiễm lạnh do 2 lớp áo mặc trên người ướt sũng mồ hôi lại gặp ngay gió núi. Nhưng cuối cùng, chúng mình cũng đến đích an toàn dù luôn là những người đi cuối đoàn” - anh Khuê chia sẻ.

Trong khi đó, chị Trang tiết lộ bản thân cũng mệt lắm nhưng không dám thể hiện ra ngoài vì sợ chồng sẽ lo lắng. Cặp đôi vừa đi vừa động viên nhau, vừa đi vừa đếm được 30 bước chân thì dừng lại nghỉ, nghỉ 5 giây lại đếm tiếp. Cứ thế, cả hai “bò” được lên đến đỉnh.

“Cái mình nhớ nhất chính là tinh thần lạc quan của anh, dù mệt vẫn cứ trêu đùa mình suốt dọc đường, còn trêu cả đoàn nữa. Tới hôm về đi tắm suối nước nóng mình mới thấy chân anh rộp hết cả lên, mụn nước to như đầu ngón tay. Chắc hẳn anh đau lắm nhưng vẫn cố chịu.

Điều mình nhớ thứ hai là sự dễ thương của các anh chị em trong đoàn. Anh Thương là người giúp bọn mình chụp ảnh, còn các bạn thì động viên, hái hoa cho tụi mình. Mỗi người 1-2 bông mà thành một bó hoa cưới. Mình rất cảm ơn và trân trọng các bạn ấy trong chuyến đi lần này”.

Một số bức ảnh trong bộ ảnh kỷ niệm 11 năm ngày cưới của chị Trang - anh Khuê:

Nguyễn Thảo

Ảnh: NVCC

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/bo-anh-co-mot-khong-hai-cua-vo-chong-ha-noi-tren-dinh-nui-cao-2-865m-808180.html