Bỏ 1.251 tỷ chuộc sân Chi Lăng: Xét chuyện trách nhiệm

Ngoài việc thỏa thuận, thống nhất mức tiền chuộc còn phải xem xét cả trách nhiệm những người làm sai

Không thể cứng nhắc

Liên quan tới vụ xin chuộc sân vận động Chi Lăng, mới đây, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã ký Công văn 9227 gửi Thủ tướng xin được trả 1.251 tỷ đồng để lấy lại sân vận động Chi Lăng.

Hình ảnh sân vận động Chi Lăng - Đà Nẵng. Ảnh: Zing

Hình ảnh sân vận động Chi Lăng - Đà Nẵng. Ảnh: Zing

Theo giải thích, đây là toàn bộ tiền sử dụng đất mà các doanh nghiệp thực nộp vào ngân sách khi được giao khu đất này để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề trên, LS Trương Xuân Tám cho rằng, việc mua bán giữa Đà Nẵng với Tập đoàn Thiên Thanh là mối quan hệ dân sự, việc mua - bán, thuê - mượn có thể được thực hiện theo cách thỏa thuận, thống nhất từ cả hai bên, nhưng, các giao dịch vẫn bảo đảm lợi ích cho các bên và dựa trên cơ chế thị trường.

Trong trường hợp Đà Nẵng nhận thấy đây là dự án có giá trị lớn về mặt kinh tế lẫn văn hóa, xã hội thì phía nhà đầu tư cũng nên cân nhắc, xem xét tới nguyện vọng chính đáng của thành phố, tạo cơ chế cho Đà Nẵng mua lại hoặc chuộc lại.

Tuy nhiên, nếu Đà Nẵng muốn mua lại cũng phải thực hiện việc thẩm định, định giá giá trị sân vận động rất kỹ càng, bảo đảm không bị mua quá đắt nhưng cũng không thể mua với giá quá rẻ, khiến nhà đầu tư bị thiệt. Giá mua lại phải dựa trên giá thị trường.

"Người bán không thể đưa ra một mức giá cứng nhắc để ép ngươi mua nhưng người mua cũng không thể đưa ra một giá và ép người bán phải bán. Ở đây là mức giá thỏa thuận được thống nhất dựa trên mức giá thị trường.

Tức là, Đà Nẵng và Tập đoàn Thiên Thanh có thể thuê một vài tổ chức thẩm định độc lập để định giá sân vận động Chi Lăng hiện có theo giá thị trường, mức giá trên sẽ là cơ sở để hai bên ngồi lại thỏa thuận, thống nhất số tiền mua - bán", LS Trương Xuân Tám cho biết.

Vị LS cũng lưu ý, trước khi thực hiện các giao dịch mua bán lại sân vận động Chi Lăng giữa hai bên, cũng cần làm rõ, những hợp đồng mua bán trước đó của Tập đoàn Thiên Thanh với Đà Nẵng có vi phạm pháp luật hay không?

"Đà Nẵng cũng có thể lấy lại được sân vận động Chi Lăng mà không phải mất một đồng tiền nào nếu: Tòa án tuyên giao dịch mua bán trước đó của Tập đoàn Thiên Thanh với Đà Nẵng là vô hiệu, không có giá trị pháp lý thì Tập đoàn Thiên Thanh phải trả lại cho Đà Nẵng theo đúng nguyên trạng ban đầu", LS Trương Xuân Tám cho biết thêm.

Đà Nẵng muốn lấy lại SVĐ Chi Lăng: Phải có tiền

Phải truy trách nhiệm rõ ràng

Nhìn nhận ở góc độ khác, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư (UBKTTƯ) cũng nhận định rằng, Việt Nam đang đi theo cơ chế thị trường do đó, tất cả các mối quan hệ trong nền kinh tế cũng phải nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ của thị trường.

Theo đó, việc bán đi mua lại giữa Đà Nẵng và Tập đoàn Thiên Thanh cũng phải thực hiện theo cơ chế thị trường, bảo đảm tính công bằng, khách quan cho cả hai bên, không bên nào phải chịu thiệt.

"Đà Nẵng bán đi rồi lại muốn mua lại thì cũng không thể lấy tư cách của cơ quan quản lý ra ép tư nhân phải bán hay trả lại cho mình được. Đã bán đi nếu muốn mua lại thì phải thỏa thuận, thống nhất một mức giá hợp lý mà cả hai cùng chấp nhận được. Chắc chắn không thể để doanh nghiệp thiệt nhưng cũng không thể để xảy ra tình trạng bán đi được 1 đồng, giờ phải mua lại với giá 10 đồng được", ông Vũ Quốc Hùng nói rõ.

Câu chuyện thứ hai, liên quan tới vấn đề trách nhiệm, ông Vũ Quốc Hùng cho biết, đã làm sai thì phải xử lý.

"Đã có nhiều cán bộ, lãnh đạo của Đà Nẵng phải từ chức, cách chức, bị điều tra liên quan tới những sai phạm về đất đai tại Đà Nẵng rồi, việc này phải làm tiếp nữa.

Trong vụ chuyển nhượng sân vận động Chi Lăng cũng vậy, việc bỏ tiền chuộc lại là một nhẽ nhưng làm sai là phải chịu trách nhiệm, không thể có chuyện cán bộ làm sai rồi lại lấy tiền ngân sách đi khắc phục hậu quả một cách dễ dàng như vậy được", nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhấn mạnh.

UBND thành phố Đà Nẵng vừa có Công văn gửi Thủ tướng về việc xử lý sân vận động Chi Lăng. Công văn do ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ký chuyển.

Theo ông Thơ, việc thi hành bản án hình sự vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đối với phần nghĩa vụ dân sự liên quan quyền sử dụng đất tại khu phức hợp sân vận động Chi Lăng đang gặp nhiều khó khăn.

Lý do là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại sân Chi Lăng cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh (Tập đoàn Thiên Thanh) là không đúng pháp luật.

Việc các cơ quan chức năng địa phương đồng ý tách thửa để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với dự án cũng là không phù hợp quy định của pháp luật.

Hơn nữa, khu vực sân vận động Chi Lăng chưa được lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng nên người nhận chuyển nhượng không thể đưa vào sử dụng đất. Việc xử lý tài sản kê biên để thi hành án gặp khó khăn là vì thế.

Chủ tịch UBND Đà Nẵng nhấn mạnh, sân Chi Lăng không chỉ đơn thuần là địa điểm phục vụ thể thao mà còn là một công trình có ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng. Chính vì vậy, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Thủ tướng cho phép TP được chuyển trả toàn bộ tiền sử dụng đất mà các doanh nghiệp thực nộp vào ngân sách khi được giao khu đất này là 1.251 tỷ đồng, thay vào đó, Đà Nẵng được lấy lại sân vận động Chi Lăng.

Lam Nguyên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-1251-ty-chuoc-san-chi-lang-xet-chuyen-trach-nhiem-3370043/