BNPL bị 'để mắt' sau khi bùng phát nhanh

Sự bùng nổ của nhu cầu mua sắm trực tuyến tại Mỹ trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã tạo điều kiện để phương thức giao dịch 'mua ngay trả sau' (BNPL) ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, sau quãng thời gian phát triển mạnh, ít bị kiểm soát, loại hình dịch vụ này đang dần phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn từ các cơ quan quản lý.

Các công ty BNPL rơi vào tầm ngắm của giới chức Mỹ

Cục Bảo vệ Tài chính người tiêu dùng Mỹ (CFPB) hôm thứ Năm cho biết, đang thu thập thông tin về rủi ro và lợi ích của các khoản vay đang gia tăng nhanh chóng từ năm công ty BNPL hàng đầu là Affirm, Afterpay, PayPal, Klarna và Zip.

Trong một tuyên bố chính thức, Giám đốc CFPB Rohit Chopra cho biết: “Mua ngay trả sau là phiên bản mới của hình thức đặt cọc mua hàng trước đây, nhưng với những thay đổi hiện đại, nhanh chóng hơn, cho phép người tiêu dùng nhận được sản phẩm ngay lập tức nhưng cũng mắc nợ ngay lập tức”.

Theo giới chức CFPB, trong các sự kiện mua sắm trực tuyến lớn của năm nay như ngày thứ Sáu Đen và thứ Hai điện tử, hoạt động mua sắm BNPL đã có mức tăng trưởng mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, CFPB đang tỏ ra đặc biệt lo ngại về việc người tiêu dùng sẽ chi tiêu nhiều hơn mức họ có thể chi trả, từ đó tích lũy nợ nhanh chóng khi sử dụng các dịch vụ BNPL.

Bên cạnh đó, CFPB cũng quan tâm tới cách thức các công ty BNPL có thể thu thập dữ liệu từ các khách hàng của mình. Cơ quan này hiện đang hợp tác với các đối tác quốc tế ở Úc, Thụy Điển, Đức và Vương quốc Anh trong việc điều tra.

Tuyên bố của CFPB được đưa ra chỉ một ngày sau khi sáu thượng nghị sĩ đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và Đô thị, bao gồm thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, viết thư kêu gọi CFPB xem xét về những nguy cơ sai phạm trong ngành công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ này.

“Trong khi sự xuất hiện của BNPL với các khoản tín dụng giá trị nhỏ có thể cung cấp một giải pháp thay thế cho các hình thức vay mượn tốn kém hơn, các sản phẩm này cũng có thể gây hại cho người tiêu dùng”, các thượng nghị sĩ viết.

Ngành công nghiệp BNPL bùng nổ mạnh mẽ

Các động thái thắt chặt kiểm soát của giới chức Mỹ diễn ra trong bối cảnh BNPL đang dần trở thành một xu hướng thanh toán thịnh hành tại Mỹ. Với những ưu điểm nổi trội như có thể lấy hàng ngay, khả năng thanh toán linh hoạt, và được miễn lãi khi trả góp trong vài tuần hoặc vài tháng, phương thức này đã thu hút sự chú ý của nhiều người tiêu dùng Mỹ, vốn đang chi tiêu nhiều hơn cho mua sắm trực tuyến trong thời kỳ đại dịch Covid-19.

Một báo cáo từ hãng nghiên cứu thị trường C+R Research cho thấy, khoảng 60% người dân Mỹ đã sử dụng BNPL khi mua sắm, và 80% trong số những người này dự định sẽ tiếp tục sử dụng BNPL cho hoạt động mua sắm trong dịp nghỉ lễ cuối năm.

Theo nghiên cứu của StitcherAds, nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi tỏ ra đặc biệt thích thú với phương thức thanh toán mới, khi gần 60% khách hàng thuộc thế hệ Gen Z và Millenials đã mua sản phẩm trên mạng xã hội theo phương thức mua ngay trả sau.

Dĩ nhiên, BNPL cũng có một số nhược điểm như mức phí và lãi suất cho việc thanh toán chậm có thể cao, lên đến 25% trong một số trường hợp.

Các doanh nghiệp nhỏ cũng cảm thấy thoải mái với BNPL bởi phương thức này rất dễ thiết lập. Dịch vụ có thể được cung cấp dưới dạng tùy chọn thanh toán trên trang thương mại điện tử hoặc cửa hàng. Đối với người bán, hầu hết các thỏa thuận BNPL yêu cầu một khoản phí, có thể dao động từ 1,5-1,7% giá trị mua hàng (bao gồm cả thuế), so với chi phí từ 1-3% của một giao dịch thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng thông thường.

Chuyên gia Joe Buhrmann – nhà tư vấn kế hoạch tài chính cấp cao tại emoney Advisor chia sẻ với Marketwatch: “Tôi nghĩ các công ty BNPL đang kiếm được rất nhiều tiền bằng cách hợp tác với các nhà bán lẻ. Có rất nhiều dữ liệu cho thấy, mọi người có xu hướng chi tiêu nhiều hơn khi sử dụng BNPL”.

Sự bùng nổ này đã mang lại nhiều lợi ích lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ. Cổ phiếu của Affirm hiện đã tăng gần gấp đôi so với giá chào bán lần đầu ra công chúng. Hồi tháng 8 vừa qua, công ty cũng đã công bố một thỏa thuận hợp tác với hãng thương mại điện tử khổng lồ Amazon. Trong khi đó, Klarna hiện là một trong những công ty khởi nghiệp có giá trị lớn nhất thế giới. Với mức định giá gần đây là 45,7 tỉ đô la Mỹ, Klarna là một trong những cái tên được kỳ vọng sẽ IPO thành công trong năm 2022.

Những “cơn gió ngược”

Tuy nhiên, gió đang dần đảo chiều, khi kể từ đầu năm tới nay, giá trị cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ BNPL đã liên tục sụt giảm. Cổ phiếu của Afterpay đã lao dốc hơn 30%, trong khi cổ phiếu Zip giảm 25%. Cổ phiếu của một công ty khác là Sezzle cũng đã giảm hơn một nửa giá trị.

Theo CNBC, sự sụt giảm trên diễn ra trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư đã nhận được những lời cảnh báo về tình trạng thua lỗ ngày càng gia tăng của các công ty trong lĩnh vực này. Khoản lỗ trước thuế của Zip đã tăng từ 20,6 triệu đô la Úc hồi năm ngoái lên 724 triệu đô la Úc trong năm nay. Tương tự, Afterpay lỗ 194 triệu đô la Úc trong cả năm nay, cao gấp nhiều lần so với con số 26,8 triệu đô la Úc trong năm 2020.

Trong bối cảnh đó, việc giới chức Mỹ bắt đầu phát đi những tín hiệu về việc sẽ thắt chặt kiểm soát lĩnh vực đang phát triển khá tự do này, được dự báo có thể là “cơn gió ngược”, tạo ra những thách thức lớn đối với ngành công nghiệp BNPL. Chuyên gia phân tích Christopher Brendler tại D.A.Davidson chia sẻ với CNBC rằng, điều này có thể làm chậm sự tăng trưởng của lĩnh vực “mua ngay, trả sau”.

Ngay sau thông báo hồi tuần trước của CFBP, cổ phiếu của nhiều công ty “mua ngay, trả sau” đã sụt giảm mạnh. Cụ thể, cổ phiếu của Affirm có trụ sở tại Mỹ chốt phiên giao dịch ngày 16-12 đã lao dốc 11%, trong khi cổ phiếu các công ty Úc như Afterpay, Zip và Sezzle trong phiên giao dịch 17-12 giảm lần lượt 8%, 6% và 10%.

Tuy nhiên, về phần mình, các công ty BNPL vẫn tỏ ra tự tin trước khả năng bị thắt chặt kiểm soát. Một số giám đốc điều hành từng khẳng định, họ rất chào đón các biện pháp giám sát nghiêm ngặt hơn từ chính phủ, và kỳ vọng điều này sẽ khiến ngành công nghiệp phát triển theo hướng bền vững hơn.

Chia sẻ với Financial Times, Giám đốc điều hành Affirm Max Levchin, cho biết việc có nhiều tiêu chuẩn hơn sẽ mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng.

Trong khi đó, chia sẻ với CNN Business, phát ngôn viên của Klarna cho biết: “Chúng tôi tin rằng các quy định giám sát tương xứng là một điều tốt, giúp thiết lập các tiêu chuẩn bằng cách cung cấp cho người tiêu dùng một giải pháp mua sắm thay thế không tính lãi, công bằng và bền vững hơn so với thẻ tín dụng. Klarna sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý để thông báo cho họ về cách sản phẩm của chúng tôi được thiết kế, sử dụng và mang lại lợi ích cho cả người tiêu dùng và nhà bán lẻ”.

Tương tự, các tên tuổi lớn khác như Afterpay, PayPal hay Zip cũng khẳng định luôn đề cao tính minh bạch trong hoạt động, và sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng, ưu tiên tuân thủ quy định trong quá trình tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với người tiêu dùng.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia phân tích Ramsey El Assal của Barclays cho biết, cuộc điều tra của CFPB sẽ chưa mang lại nhiều tác động trong ngắn hạn, bởi các công ty có thời hạn tới 1-3-2022 để gửi phản hồi của mình. Điều này đồng nghĩa với việc các hành động pháp lý sẽ chỉ diễn ra sau thời điểm đó.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận rằng, ngành công nghiệp BNPL có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn, nếu các nhà cung cấp dịch vụ được yêu cầu thực hiện các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn do đó phải từ chối nhiều người vay tiềm năng hơn.

Nguồn: CNN Business, Financial Times, The Guardian, Marketwatch, Reuters, CNBC

Song Thanh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bnpl-bi-de-mat-sau-khi-bung-phat-nhanh/