BMW: Gian dối và lận đận

BMW và 2 công ty con tại thị trường Mỹ là BMW Bắc Mỹ và BMW US Capital vừa chấp nhận trả 18 triệu USD tiền phạt vì thổi phồng doanh số bán ô tô trong nhiều năm.

Tại Việt Nam, BMW giậm chân tại chỗ so với Mercedes và đã có 3 lần thay đối tác. Ảnh: Dũng Minh.

Tại Việt Nam, BMW giậm chân tại chỗ so với Mercedes và đã có 3 lần thay đối tác. Ảnh: Dũng Minh.

Hành động gian dối

Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) cho biết, BMW - hãng sản xuất ô tô hạng sang của Đức đã báo cáo các số liệu bán hàng không chính xác để đạt được mục tiêu doanh số hàng tháng, kể từ năm 2015 tới 2019. Điều này giúp BMW duy trì vị thế hàng đầu về doanh số bán hàng so với các nhà sản xuất ô tô cùng phân khúc.

Sự việc bị phát hiện sau khi BMW huy động khoảng 18 tỷ USD từ các đợt phát hành trái phiếu tại thị trường Mỹ.

“Các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Mỹ và huy động vốn có nghĩa vụ phải cung cấp các thông tin chính xác tới nhà đầu tư”, Stephanie Avakian, Giám đốc Bộ phận Thực thi quy định của SEC cho biết.

BMW Bắc Mỹ đã công bố doanh số hàng tháng không trung thực trong giai đoạn 2015 - 2017 để đạt được các mục tiêu nội bộ hoặc vượt qua các chỉ tiêu để áp dụng trong các tháng tiếp theo.

Đáng chú ý, BMW chi tiền cho các nhà bán lẻ để liệt kê các xe do hãng sản xuất vào các mục xe lái thử, giới thiệu hàng mới, hoặc cho thuê/mượn để có thể tính số xe đó vào doanh số.

Từ đó, thông tin mà BMW cung cấp cho các nhà đầu tư tham gia vào các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp thông qua BMW US Capital chứa đựng những yếu tố không trung thực.

BMW, BMW Bắc Mỹ và BMW US Capital vừa đồng ý trả khoản phạt 18 triệu USD và cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật chứng khoán.

Trong thông báo của mình, BMW cho biết, đa phần những diễn biến kể trên diễn ra cách đây hơn 3 năm và nguyên nhân xuất phát từ sự cẩu thả khi làm việc.

Trước đó, năm 2019, một doanh nghiệp bị SEC xử phạt vì có hành vi vi phạm tương tự là Fiat Chrysler. Công ty này bị phạt 40 triệu USD vì phóng đại doanh số bán hàng hàng tháng, cụ thể là chi tiền cho các nhà bán hàng làm giả số liệu trong giai đoạn 2012 - 2016.

Lận đận tại thị trường Việt Nam

Mercedes và BMW là hai thương hiệu chia nhau hai vị trí dẫn đầu của bảng xếp hạng doanh số bán xe sang trên toàn cầu. Hai thương hiệu này thâm nhập thị trường Việt Nam từ những năm 1990 với chiến lược lắp ráp xe trong nước và cung cấp ra thị trường.

Theo đó, BMW hợp tác với Xí nghiệp sản xuất ôtô Hòa Bình (VMC) vào năm 1992, trong khi Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) là liên doanh giữa Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (SAMCO) và Tập đoàn Daimler AG được thành lập năm 1995.

Tính đến nay, BMW có 3 lần thay đối tác tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, sau 10 năm kết hợp với VMC, BMW chấm dứt mối quan hệ vì các vấn đề liên quan tới dây chuyền sản xuất và kinh doanh không hiệu quả. Trong khoảng thời gian đó, chỉ khoảng 1.000 xe được bán ra.

Tới năm 2007, BMW bắt tay với nhà phân phối Euro Auto và gặt hái được thành quả nhất định. Không lắp ráp, chỉ phân phối xe nhập khẩu, Euro Auto giúp hoạt động kinh doanh của BMW tại Việt Nam khởi sắc với doanh số hơn 1.000 xe/năm.

Tuy nhiên, Euro Auto vướng vào lao lý khi buôn lậu xe, trốn thuế tiêu thụ đặc biệt, chuyển giá để trốn thuế nhập khẩu trong giai đoạn 2007 - 2016.

BMW sau đó chia tay Euro Auto và kể từ năm 2018, Thaco giành quyền phân phối các sản phẩm BMW, MINI và BMW Motorrad tại thị trường Việt Nam. Thaco có kế hoạch sẽ thiết lập 15 tổ hợp đại lý BMW và tiến hành sản xuất, lắp ráp xe nội địa trong tương lai.

Trong giai đoạn BMW giậm chân tại chỗ, Mercedes đã chứng tỏ vị thế là thương hiệu xe sang bán chạy nhất tại Việt Nam.

Năm 2019, Mercedes-Benz bán ra 6.819 xe trong tổng số 11.000 xe sang bán ra trên thị trường, bỏ xa con số 1.511 xe của Lexus - thương hiệu giữ vị trí thứ hai.

Trong khi đó, dù Thaco không công bố doanh số bán nhưng ước tính doanh số của BMW chỉ khoảng 1.000 xe.

Khả Doanh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bmw-gian-doi-va-lan-dan-post251806.html