Giải pháp tình thế cho các ngân hàng, doanh nghiệp Việt

Việc Nga bị phương Tây loại khỏi hệ thống tài chính liên ngân hàng quốc tế đang là vấn đề nóng, được cả thế giới quan tâm và lo ngại. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ bởi sự ảnh hưởng không nhỏ đối với hệ thống thanh toán giao dịch ngân hàng và giao thương xuất nhập khẩu… Phóng viên TBTCVN vừa có cuộc trao đổi với PGS.TS Phan Thị Hằng Nga - Phụ trách Phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Tài chính – Maketing, để có thêm cách tiếp cận và góc nhìn thấu đáo hơn về nội dung này.

Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu là hệ thống thanh toán
được sử dụng phổ biến hiện nay.

PV:Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu khoa học, bà có thể phân tích sâu hơn những khía cạnh và sự ảnh hưởng tiêu cực của hệ thống thanh toán toàn cầu giữa Nga với các đối tác, trong đó có Việt Nam tại thời điểm này?

PGS.TS Phan Thị Hằng Nga: Theo tôi, Liên bang Nga bị hạn chế tiếp cận hệ thống Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication - SWIFT) sẽ làm ảnh hưởng đến hệ thống thanh toán quốc tế của quốc gia này, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia khác có mối quan hệ với Nga trên tất cả các phương diện: kinh tế, du lịch, giáo dục, y tế,… trong đó có Việt Nam.

PGS.TS Phan Thị Hằng Nga

Thứ nhất, SWIFT là một tổ chức độc lập có trụ sở tại Bỉ, hệ thống này cho phép các ngân hàng thuộc thành viên được thực hiện chuyển tiền bằng tin nhắn và hiện nay, SWIFT có hơn 11.000 ngân hàng thành viên và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia. Theo báo cáo của hiệp hội này vào tháng 12/2021 cho thấy hàng ngày có hơn 40 triệu tin nhắn với lệnh chuyển hàng tỷ USD được gửi đi thông qua SWIFT. Trong đó, Nga có 291 thành viên ngân hàng nằm trong hệ thống SWIFT, đại diện cho 1,5% luồng giao dịch. Ước tính giá trị giao dịch khoảng 800 tỷ USD mỗi năm.

Thứ hai, SWIFT là hệ thống thanh toán được sử dụng phổ biến hiện nay (theo thống kê của các ngân hàng có trên 80% các giao dịch của các nước với nhau), vì đây là hệ thống thanh toán toàn cầu hiện đại, nhanh chóng, độ bảo mật rất cao và chi phí thấp hơn các giao dịch thanh toán truyền thống khác (thư tín, telex). Như vậy, các nước có quan hệ kinh tế với Liên bang Nga tất yếu sẽ bị ảnh hưởng khi hệ thống thanh toán bị gián đoạn.

Thứ ba, Liên bang Nga có mối quan hệ kinh tế với hầu hết các tổ chức kinh tế trên thế giới, trong đó có các quốc gia thuộc ASEAN và Việt Nam. Do đó, các quan hệ kinh tế giữa các cá nhân, tổ chức của các quốc gia này với Nga sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp khi Nga bị phương Tây loại khỏi hệ thống SWIFT, bởi hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ cộng đồng, phát triển giáo dục, y tế,… đều bị ngưng trệ trong khâu thanh toán do hệ thống thanh toán quốc tế chủ yếu được thực hiện qua hệ thống SWIFT. Như vậy, dòng chảy vốn từ Nga về Việt Nam và từ Việt Nam sang Nga cũng bị ảnh hưởng.

Thứ tư, chiến sự giữa Nga – Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp, không loại trừ sẽ có thêm những hạn chế nữa dành cho Nga trong các hoạt động kinh tế. Vì vậy dự báo sẽ có nhiều khó khăn trong hoạt động thương mại nói chung và thanh toán quốc tế nói riêng của Nga với các quốc gia, trong đó cả Việt Nam.

PV: Theo bà, mức độ ảnh hưởng cụ thể đối với một số ngành, lĩnh vực sẽ ra sao? Trọng điểm sẽ là những ngành, lĩnh vực nào?

PGS.TS Phan Thị Hằng Nga: Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỷ USD tăng 25,9% so với năm 2020 và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Liên bang Nga.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong khu vực ASEAN và là đối tác lớn thứ 5 trong các nền kinh tế APEC (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản). Trong đó, Việt Nam đứng thứ 39 trong số các đối tác thương mại của Nga và đứng thứ 12 trong các đối tác nhập khẩu chính của Nga. Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,65 tỷ USD trong năm 2021.

Còn theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, các giao dịch thanh toán quốc tế tại Việt Nam thực hiện bằng dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua hệ thống SWIFT và dịch vụ chuyển tiền Western Union (WU) do các tổ chức tín dụng trong nước trực tiếp thỏa thuận, ký kết tham gia, hợp tác với các tổ chức quốc tế. Trong đó thanh toán qua hệ thống SWIFT hiện là chủ yếu và chủ lực.

Như vậy các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng sẽ là những ngành, lĩnh vực có hoạt động xuất nhập với giá trị lớn và thường xuyên giữa Việt Nam và Liên bang Nga có thanh toán qua hệ thống SWIFT, trong đó chú trọng nhất là những ngành: nông sản (lúa mì, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, rau quả), thủy sản; dệt may; hóa chất; xăng dầu; sắt thép; kim loại. Các ngành này hiện chiếm giá trị rất cao (hơn 80%) trong tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Liên bang Nga.

PV: Xét ở tầm vĩ mô cũng như vi mô, ngay lúc này phía đối tác Việt Nam, cụ thể là các ngân hàng, doanh nghiệp có kết giao thanh toán tài chính với phía Nga cần phải làm gì để ứng phó, tránh những rủi ro, giảm thiểu thiệt hại?

PGS.TS Phan Thị Hằng Nga: Việc bị loại khỏi SWIFT có nghĩa là Nga bị cắt đứt hoàn toàn quan hệ với hệ thống thanh toán bên ngoài nước Nga khiến cho việc thanh toán, mua bán hàng hóa giữa Việt Nam với Nga bao gồm cả tư nhân lẫn nhà nước có thể gặp khó khăn. Do đó để hạn chế bị ảnh hưởng bởi sự việc này, Việt Nam cần có giải pháp ở cấp độ vĩ mô và vi mô.

Cụ thể, về phía các doanh nghiệp xuất nhập khẩu: Các doanh nghiệp Việt Nam cần tiến hành đàm phán với các đối tác của Nga khi gặp khó khăn ở khâu thanh toán như kéo dài thời gian giao hàng hoặc kéo dài thời gian thanh toán, hoặc thay đổi người thụ hưởng là bên thứ ba, có quan hệ hợp tác với doanh nghiệp của Nga và ở quốc gia khác. Thanh toán quốc tế diễn ra ba bên tương đối phổ biến nên việc lựa chọn một bên thứ ba làm cầu nối thanh toán sẽ khả thi.

Hiện nay có rất nhiều phương thức thanh toán quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam có thể thỏa thuận với các doanh nghiệp của Nga ký kết phụ lục hợp đồng chuyển đổi phương thức thanh toán như phương thức thanh toán ghi sổ (giao hàng nhiều lần rồi mới thanh toán).

Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu để tránh tình trạng quá phụ thuộc vào hoạt động xuất nhập khẩu với Nga. Khi gặp khó khăn vẫn có thể có những thị trường thay thế để đảm bảo hoạt động kinh doanh sản xuất.

Về phía các ngân hàng: Các ngân hàng thương mại Việt Nam cần đầu tư hệ thống công nghệ tốt để có thể chọn lựa nhiều phương thức thanh toán thay thế hợp lý, đàm phán thêm với Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB) vì ngân hàng này có giấy phép tham gia kênh thanh toán riêng sang Nga, cung cấp dịch vụ chuyển tiền song phương trực tiếp Việt - Nga, giúp các khách hàng và doanh nghiệp thực hiện các kênh thanh toán quốc tế giữa 2 nước được thuận lợi.

Tuy nhiên, các giải pháp này chỉ mang tính tình thế và khó có thể tháo gỡ hoàn toàn các khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải. Cần có các giải pháp ở cấp độ vĩ mô từ phía Nhà nước, như cần có bộ phận hỗ trợ chuyên trách về yếu tố pháp lý, khi các hợp đồng thương mại giữa các công ty Việt Nam và Nga đã ký kết gặp khó khăn. Chính phủ cũng cần xem xét, đánh giá các rủi ro khi Việt Nam có nên tham gia thêm các tổ chức thanh toán quốc tế khác ngoài SWIFT hay không. Bởi vì, các quốc gia trên thế giới đều chủ yếu giao dịch thanh toán quốc tế thông qua hệ thống SWIFT.

PV: Xin cảm ơn bà!

Những ngành, lĩnh vực có hoạt động xuất nhập khẩu giá trị lớn
sẽ bị ảnh hưởng

Các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng sẽ là những ngành, lĩnh vực có hoạt động xuất nhập với giá trị lớn và thường xuyên giữa Việt Nam và Liên bang Nga có thanh toán qua hệ thống SWIFT, trong đó chú trọng nhất là những ngành: nông sản (lúa mì, hạt điều, cà phê, chè, hạt tiêu, rau quả), thủy sản; dệt may; hóa chất; xăng dầu; sắt thép; kim loại. Các ngành này hiện chiếm giá trị rất cao (hơn 80%) trong tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Liên bang Nga.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giai-phap-tinh-the-cho-cac-ngan-hang-doanh-nghiep-viet-101682.html