Bloomberg xếp hạng các quốc gia tăng giá lương thực

Mới đây, Bloomberg đã tổng hợp một danh sách các 'điểm nóng' toàn cầu, trong đó bao gồm các quốc gia tăng giá lương thực, điều này là mối quan tâm đặc biệt và có thể gây bất bình cho người dân.

Theo đó, Bloomberg cho biết, các quốc gia này bao gồm Nga, Ấn Độ, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nigeria.

Giá lương thực tăng cao đã góp phần gây ra bất ổn xã hội trong quá khứ. (Ảnh: Bloomberg)

Giá lương thực tăng cao đã góp phần gây ra bất ổn xã hội trong quá khứ. (Ảnh: Bloomberg)

Khi phân tích dữ liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Bloomberg nhận thấy rằng sự gia tăng giá lương thực trong 6 năm qua là rất đáng kể. Điều này là do nhu cầu từ Trung Quốc tăng lên và điều kiện thời tiết không thuận lợi. Đồng thời, các quốc gia có tên trong danh sách cũng có lý do riêng dẫn tới việc lạm phát lương thực tăng vọt như vậy.

Các nhà phân tích của Bloomberg nhấn mạnh, người Nga vẫn chưa quên những kệ hàng trống rỗng do Liên Xô sụp đổ và giá lương thực tăng sau đó. Bloomberg cho rằng một bước nhảy vọt khác với giá lương thực có thể làm trầm trọng thêm tình hình xã hội.

Trong một khảo sát mới được hãng nghiên cứu SuperJob thực hiện cho thấy, chỉ có 13% người Nga tin rằng sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin và những nỗ lực của chính phủ đã giúp kiềm chế sự gia tăng giá thực phẩm trong tháng 1-2 năm nay. Đa số công dân (69%) không nhận thấy mức giá như đã hứa. Những người được hỏi lưu ý rằng “việc đóng băng giá cả hóa ra chỉ là hư cấu”, “giá cả được cố định ở mức tối đa sau khi tăng giá” và cũng lo sợ rằng các biện pháp như vậy sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa.

Trước đó, chỉ số giá lương thực của FAO đạt trung bình 113,3 điểm trong tháng 1/2021, tăng so với mức 108,6 điểm ở tháng 12/2020. Trong một tuyên bố, cơ quan có trụ sở tại thành phố Rome (Italy) cho biết, thu hoạch ngũ cốc trên toàn thế giới vẫn đạt kỷ lục vào năm 2020, nhưng cảnh báo sự sụt giảm mạnh trong kho dự trữ và dấu hiệu về nhu cầu nhập khẩu tăng đột biến từ Trung Quốc.

Những lo ngại về mùa vụ khó khăn ở Liên minh châu Âu, Nga và Thái Lan, cũng như tình trạng thời tiết khô hạn ở Nam Mỹ đang đẩy mạnh nhu cầu nhập khẩu đường, khiến giá mặt hàng này cũng tăng 8,1%.

FAO cũng cho biết, chỉ số giá dầu thực vật tăng 5,8%, lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2012, một phần do sản lượng dầu cọ ở Indonesia và Malaysia thấp hơn dự kiến.

Ngoài ra, trong tháng 1/2021, chỉ số giá ngũ cốc của FAO tăng 7,1% so với tháng trước, trong đó giá ngô đứng đầu với mức tăng 11,2%. Nguyên nhân một phần do Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu, trong khi sản lượng của Mỹ thấp hơn dự kiến.

Giá lúa mì cũng tăng 6,8% do nhu cầu toàn cầu tăng mạnh và dự báo Nga giảm sản lượng xuất khẩu khi thuế xuất khẩu lúa mì của quốc gia này tăng gấp đôi vào tháng 3/2021.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/bloomberg-xep-hang-cac-quoc-gia-dang-tang-gia-luong-thuc-278113.html