Bloomberg: Rủi ro tín dụng có thể tăng khi NHNN hạ lãi suất

NHNN bất ngờ giảm lãi suất lần đầu tiên trong 3 năm có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời cũng tăng rủi ro tín dụng trong bối cảnh ngành ngân hàng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề của nợ xấu.

NHNN bất ngờ giảm lãi suất lần đầu tiên trong 3 năm với kì vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh PV

NHNN bất ngờ giảm lãi suất lần đầu tiên trong 3 năm với kì vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh PV

Ngày 6.7, NHNN giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Thay đổi bắt đầu có hiệu lực từ ngày hôm nay (10.7).

"Việc giảm lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp và các cá nhân giảm chi phí tài chính và sẽ đẩy mạnh nhu cầu vay vốn và khuyến khích tiêu dùng", ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Giám đốc ban Kinh doanh vốn và tiền tệ tại Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam BIDV- cho biết.

"Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp chỉ cần lưu tâm đến cách thức các khoản vay sẽ được sử dụng để tránh tăng nợ xấu", ông Quỳnh cho hay.

Chính sách nới lỏng được đưa ra một ngày sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho biết, NHNN nên tiếp tục duy trì mức lãi suất cũ, nhấn mạnh sự cần thiết phải kiềm chế tăng trưởng tín dụng quá nhanh. Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương do cải cách ngành ngân hàng còn chậm, IMF khẳng định.

NHNN cho biết, động thái này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, nhưng tăng trưởng vẫn thấp hơn mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ là 6,7%. Lạm phát hàng năm giảm xuống còn 2,54% trong tháng 6, tốc độ chậm nhất trong gần một năm.

Việt Nam đã thực hiện nhiều cải tổ hệ thống ngân hàng từ năm 2012, sau một đợt cho vay tràn lan cộng với mức kiểm soát yếu dẫn đến nợ xấu tăng cao. Năm 2013, NHNN thành lập Công ty Quản lý tài sản VAMC để mua nợ xấu ngân hàng. Từ mức 17% vào thời điểm đó, nợ xấu giảm xuống còn 2,6% tính đến tháng 3 và Chính phủ đặt mục tiêu giữ dưới mức 3%.

Tăng trưởng 'thận trọng'

"Chính phủ đã dành thời gian ổn định nền kinh tế nên hiện nay ưu tiên nới lỏng chính sách tiền tệ để tăng trưởng", ông Nguyễn Ngọc Anh - Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển - cho biết.

Tuy nhiên, ông Ngọc Anh cũng nhấn mạnh rằng, các ngân hàng cần thận trọng hơn với tăng trưởng tín dụng nhanh và đối tượng cho vay để tránh bong bóng trên thị trường bất động sản, chứng khoán, lạm phát. Điều này đã xảy ra trong quá khứ.

NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 18% trong năm nay. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng có khoảng 345 tỉ đồng nợ xấu chưa được giải quyết, tính đến ngày 31.12.2016.

Tháng trước, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết để giúp đẩy nhanh nợ xấu bằng cách cho phép các ngân hàng thương mại bán các khoản nợ xấu cùng tài sản liên quan với ít hạn chế hơn so với hiện nay nhằm tăng tốc quá trình xử lý.

Thậm chí với việc giảm lãi suất, mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ vẫn khó có thể đạt được trong bối cảnh thương mại trên đà giảm tốc, Eugenia Victorino - một nhà kinh tế tại Australia & New Zealand Banking Group (Singapore) - nhận định. ANZ vừa hạ dự báo tăng trưởng cho Việt Nam từ 6,4% xuống còn 6%.

H.M

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/bloomberg-rui-ro-tin-dung-co-the-tang-khi-nhnn-ha-lai-suat-680974.bld