Bloomberg: Chơi tiền số càng nhiều thì càng dễ gặp trục trặc trong quan hệ cá nhân

Không muốn mất bạn bè, người yêu, tình thân thì nên cẩn trọng cách đầu cơ.

Theo hãng tin Bloomberg, việc chơi tiền số có vô vàn rủi ro khi biến động giá quá lớn, khả năng bị mất trộm hay bị hack và nguy hiểm nhất là bị chính phủ "cấm cửa". Việc 2 sàn giao dịch tiền số lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ bị vỡ và CEO bỏ chạy với 2 tỷ USD sau khi Ngân hàng trung ương cấm thanh toán bằng loại tiền này là minh chứng rõ nét.

Tuy nhiên theo các cuộc khảo sát, chơi tiền số còn ảnh hưởng cả đến các quan hệ cá nhân. Báo cáo của SurveyMonkey cho thấy 60% số người chơi tiền số thừa nhận hoạt động đầu cơ này có ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ cá nhân. Thậm chí phần trăm tài sản đầu tư vào tiền số còn tỷ lệ thuận với độ tiêu cực trong các mối quan hệ xã hội của họ.

Khoảng 25% người được hỏi có chưa đến 10% tổng tài sản đầu tư vào tiền số cho biết các mối quan hệ cá nhân của mình trở nên tệ đi từ khi đổ tiền vào đây. Con số này là 75% cho những người đầu tư 10-25% tổng tài sản vào tiền số, 94% cho 50-75% và 100% cho hơn 75%.

Mức tăng trưởng của tiền số vượt chứng khoán đã khiến nhiều người mờ mắt

"Áp lực lên các mối quan hệ cá nhân có thể đến từ nhiều nguyên do. Một người chơi tiền số khi người thân của họ không tin tưởng vào thị trường này có thể dẫn đễn những tranh cãi, nhất là lúc tiền số có biến động mạnh về giá", Chuyên gia phân tích Jeffrey Halley của Oanda Asia Pacific Pte nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc người chơi tiền số thắng đậm hay thua sạch cũng sẽ làm biến đổi các quan hệ cá nhân. Vị thế của người giàu và kẻ nghèo sẽ làm thay đổi tất cả.

Thị trường tiền số đã có một năm bùng nổ khi việc cách ly khiến nhiều người có thời gian rảnh rỗi để đổ tiền vào đây. Ngoài ra, việc bị mất thu nhập cũng là một phần nguyên nhân đẩy người chơi vào thị trường để bám đà đầu cơ.

Thế nhưng sự điều chỉnh của thị trường tiền số thời gian gần đây cùng thông tin Elon Musk kiếm đậm nhờ xả hàng Bitcoin đã khiến nhiều người nghi ngờ kênh đầu tư này chỉ là một loại bong bóng đầu cơ khác mà thôi.

Trong 1 năm qua, đồng Bitcoin đã tăng giá hơn 6 lần còn đồng Ether là 11 lần, cao hơn rất nhiều mức tăng 47% của chỉ số S&P 500. Thậm chí những tỷ phú như Elon Musk hay Mark Cuban cũng đã lên tiếng ủng hộ tiền số, qua đó càng thu hút thêm người chơi đổ tài sản vào đây.

Bỏ chứng khoán qua chơi tiền số

Các cuộc khảo sát cho thấy đại dịch Covid-19 khiến ngày càng nhiều người mất niềm tin vào hệ thống tài chính và các kênh đầu tư truyền thống. Báo cáo của Trust Barometer cho thấy chỉ 52% số người Mỹ tin vào hoạt động kinh doanh và hệ thống tài chính truyền thống, thấp hơn so với 56% của năm 2020.

Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng 65% người Mỹ tin tưởng được phần nào với hệ thống tài chính truyền thống và chỉ 17% là tuyệt đối tin tưởng. Việc Mỹ đổ 5,5 nghìn tỷ USD vào thị trường để cứu nền kinh tế được cho là cần thiết nhằm cứu trợ người dân trong đại dịch Covid-19, nhưng chính điều này cũng khiến các nhà đầu cơ lo ngại tài sản sẽ mất giá do siêu lạm phát.

Hệ quả là số người chơi tiền ảo tại Mỹ đã tăng mạnh từ 15% tổng dân số năm 2020 lên 26% hiện nay, phần lớn trong số đó là những thanh thiếu niên trẻ hoặc những người ngoài 30 tuổi đang tìm kiếm thêm thu nhập hay cố gắng giữ tài sản của mình khỏi lạm phát.

Những khảo sát cho thấy nguyên nhân chủ yếu người chơi đổ tiền vào thị trường này chủ yếu là để kiếm thu nhập chứ chẳng quan tâm mấy đến cách mạng công nghệ hay bất cứ thứ hữu ích nào mà tiền số đem lại như ca ngợi. Thậm chí một số lượng lớn người được hỏi cho biết mình mua tiền số chỉ để cho vui vì thấy bạn bè, người thân cũng tham gia.

Điều đáng ngạc nhiên là thay vì lầm tưởng những người chơi tiền số thuộc dạng "trẻ trâu", thiếu kiến thức và có máu cờ bạc, các nghiên cứu lại cho thấy phần lớn nhà đầu cơ vào đây đều có hiểu biết về tài chính. Chỉ khoảng 17% số người chơi tiền số cho biết mình không hiểu mấy về đầu tư hay thị trường tiền số.

Trong khi đó, 61% người chơi cho biết mình đã chuyển từ chứng khoán sang đầu cơ tiền số và thậm chí 60% nói rằng mình là nhà đầu tư dài hạn chứ không phải dạng "lướt sóng" đánh bạc.

Rõ ràng, tiền số đem lại nhiều hệ lụy nhưng vẫn có nhiều người chấp nhận đổ tiền vào đây để kiếm thêm, bất chấp đó có phải là bong bóng đầu cơ hay không. Với việc nhiều nước siết chặt quản lý tiền số cùng sự ra đời của các loại tiền số mới như Trung Quốc đang thử nghiệm, liệu thị trường này có thể tồn tại đến bao lâu vẫn còn là một dấu hỏi.

(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/xa-hoi/bloomberg-choi-tien-so-cang-nhieu-thi-cang-de-gap-truc-trac-trong-quan-he-ca-nhan-282970.html