Bloomberg: 4 yếu tố cho thấy Covid-19 tác động không đồng đều lên các nền kinh tế mới nổi

Mới đây, Fitch Ratings đã công bố dự báo tăng trưởng trên các thị trường mới nổi, một lần nữa khẳng định tác động của đại dịch Covid-19 lên các quốc gia khác nhau, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển.

Theo đó, Fitch nâng dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Trung Quốc, đồng thời cắt giảm dự báo đối với Nam Phi và Ấn Độ. Sự khác biệt về mức độ tác động do đại dịch Covid-19 có thể nhìn thấy trên nhiều thước đo kinh tế và thị trường, bao gồm: dự báo về tình hình nợ công, lợi nhuận của các nhà đầu tư trái phiếu và tỷ lệ dân số bị nhiễm bệnh.

Báo cáo của Fitch đã chỉ ra 4 yếu tố chứng minh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lên các nền kinh tế trên thế giới là khác nhau.

Thay đổi dự báo tăng trưởng

Báo cáo sửa đổi triển vọng GDP trên các quốc gia của Fitch đã chỉ ra tác động của đại dịch Covid-19 đến từng nền kinh tế khác nhau. Cụ thể, Fitch nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm nay từ 1,2% trong dự báo hồi tháng 6 lên đến 2,7%.

Con số này đã thể hiện thành công của Trung Quốc trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Đồng thời, báo cáo cũng nâng dự báo tăng trưởng cho các quốc gia: Brazil, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, tuy vẫn ở mức tăng trưởng âm.

Bên cạnh đó, Fitch dự báo Ấn Độ sẽ sụt giảm ở mức sâu hơn nữa, ước tính GDP giảm 10,5%. Trước đó, con số này là 5%.

Nợ công

Tỷ lệ nợ trên GDP tăng ở nhiều khu vực, tuy nhiên mức độ tăng khác nhau.

Mức độ khác nhau cũng được thể hiện rõ trong dự báo về tỷ lệ nợ công. Moody’s Investors Service dự báo tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ tăng gần 100% tại Nam Phi vào năm sau, tương tự đối với Brazil. Ngoài ra, ước tính tỷ lệ này ở Ả Rập Xê-út chỉ khoảng 33% và ở Nga, con số này chỉ hơn 20%.

Lợi nhuận từ trái phiếu chính phủ

Lợi nhuận trái phiếu Philippines tăng mạng, trong khi đó lại trượt giảm ở Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguồn: Bloomberg Barclays (số liệu ngày 7/9/2020)

Trước tình hình dịch bệnh lây lan rộng, hầu hết các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia đã áp dụng những biện pháp kích thích chưa từng có. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các biện pháp này lại có sự khác biệt lớn đối với từng quốc gia. Trái phiếu chính phủ do Philippines và Romania phát hành đã mang lại lợi nhuận lớn khi các ngân hàng trung ương đồng loạt cắt giảm lãi suất.

Trái phiếu của Brazil và Nam Phi giảm do đại dịch đã tác động nặng nề lên tình hình tài khóa vốn đã yếu của họ. Trái phiếu Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm trong tình hình người dân lo ngại về lạm phát và đồng lira suy yếu.

Số lượng ca nhiễm của mỗi quốc gia

Nhìn chung, số lượng ca nhiễm ở khu vực Mỹ Latinh cao hơn nhiều so với châu Á. Dự theo dữ liệu do Bloomberg thống kê, các nước có số lượng ca nhiễm hơn một triệu bao gồm Chile, Peru và Brazil. Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia có số lượng ca nhiễm thấp nhất trong số các quốc gia có nền kinh tế mới nổi.

Q.L

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/bloomberg-4-yeu-to-cho-thay-covid-19-tac-dong-khong-dong-deu-len-cac-nen-kinh-te-moi-noi-420209914824414.htm