Bloom Spa quảng cáo dịch vụ 'làm đẹp' dù chưa cấp giấy phép ?

Dịch vụ lăn kim tế bào gốc hiện chưa được cấp phép tại bất cứ cơ sở nào nhưng Blood Spa vẫn liên tục quảng cáo cung cấp dịch vụ 'làm đẹp' trên fanpage dù không được cấp giấy phép.

Cơ sở chính Bloom spa tại số 75 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Cơ sở chính Bloom spa tại số 75 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Cung cấp dịch vụ “làm đẹp” không được cấp giấy phép

Được biết Hệ thống Bloom spa gồm 4 cơ sở tại Hà Nội (gồm 75 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng; Tầng 2 số 241, Xuân Thủy, quận Cầu Giấy; Tầng 3, 713 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ; Tầng 2, Trung Yên PLaza, số 1 Trung Hòa, quận Cầu Giấy).

Bloom Spa do bà Nguyễn Thùy Dương làm Tổng giám đốc (cơ sở chính tại số 75 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đăng quảng cáo nhiều dịch vụ mới, lạ, "độc quyền" về làm đẹp, chăm sóc da cho khách hàng có nhu cầu nhưng không được cấp phép hoạt động.

Để kiểm tra việc quảng cáo có thực hay không, chúng tôi đã kiểm tra trang web của hệ thống Bloom Spa với tên miền bloomspa.vn. Ngay trên trang chủ, có nhiều thông tin, hình ảnh của các dịch vụ cấy tế bào gốc, lăn kim tế bào gốc, và chăm sóc da bằng lazer... Phần dịch vụ của trang web có mô tả phương thức làm, hiệu quả đem lại của những dịch vụ này và bảng báo giá cho từng dịch vụ.

Dịch vụ lăn kim được quảng cáo trên bloomspa.vn

Cũng trên facebook của Bloom Spa, bà chủ Nguyễn Thùy Dương đã phát trực tiếp cảnh thực hiện cấy tế bào gốc cho một khách hàng trước sự chứng kiến của nhiều người. Đây là dịch vụ làm đẹp được nhiều người quan tâm nên số lượng người xem rất đông.

Tuy nhiên, một cán bộ thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định: "Việc sử dụng tế bào gốc trong làm đẹp hiện chưa được Bộ Y tế cấp phép. Do đó các spa quảng cáo dịch vụ này đều là vi phạm". Như vậy, có phải Spa này họ đang cung cấp dịch vụ mà không có giấy phép.

Lăn kim tế bào gốc còn được gọi là liệu pháp tăng sinh collagen, phương pháp lăn kim tế bào gốc này sử dụng một bánh lăn chứa gần 200 đầu kim siêu nhỏ (khoảng 0.07mm), dài từ 0.2 – 0.3mm lăn lên da tạo ra những vi vết thương, điều này kích thích thần kinh não “ra lệnh” cho các mô da tại vị trí lăn kim sản sinh ra collagen để làm lành nhanh chóng. Quá trình này kích thích sản sinh tế bào thượng bì và sợi collagen cả về số lượng lẫn chất lượng. Đó chính là mục đích của lăn kim tế bào gốc trong điều trị da bị hư hại do lão hóa, sẹo do mụn hay do các yếu tố độc hại của môi trường.

Các tín đồ làm đẹp đều biết lăn kim cấy tế bào gốc là dịch vụ chăm sóc sắc đẹp hiện nay dang được chào đón tại các spa. Nhưng có ai đủ cẩn thận để tìm hiểu hết về những hệ lụy mà dịch vụ này có thể đem lại trước khi đem bản thân mình ra "thử".

BS. Lê Anh Tuấn, Khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã có nhận định khi trao đổi với cơ quan báo chí rằng lăn kim là phương pháp gây chảy máu nhẹ, có thể làm vi khuẩn lây lan, da mặt sẽ bị viêm nhiễm. Nguy hiểm hơn là một số bệnh như viêm gan B, HIV lây qua đường máu nên tuyệt đối không dùng chung kim lăn.

Hình ảnh sau khi lăn kim được chia sẻ lên mạng

Có thể dễ dàng tìm thấy nhiều thông tin về những người phải chịu hậu quả từ dịch vụ này, ví dụ như một bạn trẻ tên M.N chia sẻ trên facebook về lần sử dụng dịch vụ này với hi vọng cải thiện gương mặt nhiều mụn và vết thâm kết quả lại bị mặt bị phù nề, môi và mắt sưng không ăn uống được. Hay một bạn gái khác chia sẻ hình ảnh gương mặt bị bong tróc da, sưng tấy từng mảng sau khi lăn kim về.

Chưa cần biết nguyên nhân là do công nghệ không đảm bảo, thiết bị không vệ sinh, hay do thuốc, năng lực người thực hiện không đảm bảo, ta đã có thể thấy dịch vụ này tiềm ẩn rủi ro không nhỏ vì thực tế dịch vụ này là can thiệp trực tiếp vào da, các dụng cụ lăn kim thì giá rẻ, cơ sở nào cũng mua được, nhưng không phải da mặt ai cũng có thể áp dụng phươg pháp này.

Có dấu hiệu vị phạm pháp luật

Liên quan đến vấn đề trên, PV Báo đã có buổi làm việc với các chuyên gia, thì được biết việc các spa, thẩm mỹ viện quảng cáo nhiều dịch vụ hơn so với nội dung giấy phép họ được cấp là chuyện khá phổ biến, vì tâm lý của khách hàng thường chọn những nơi nhiều dịch vụ làm đẹp, có nhiều người nổi tiếng sử dụng, và quan trọng là đẹp mà vẫn độc đáo, mới lạ.

Các chuyên gia cũng cho biế,t nhiều cơ sở đã bị Thanh tra Sở Y tế xử phạt vì quảng cáo sai sự thật, quảng cáo dịch vụ mà không có giấy phép thực hiện dịch vụ đó. Căn cứ theo Điều 51 của Nghị định 28/2017/NĐ-CP, những dịch vụ mà cơ sở quảng cáo không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện sẽ bị xử phạt từ 15 đến 20 triệu đồng (gấp đôi với tổ chức).

Các cơ sở chỉ đăng ký chăm sóc da mà lại thực hiện các dịch vụ can thiệp vào da như lăn kim, điều trị bằng lazer là hành vi trái pháp luật. Nếu chỉ quảng cáo các dịch vụ trên mà không thực hiện thì sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu theo Điều 74 của Nghị định 158/2013/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực quảng cáo (gấp đôi với tổ chức). Còn nếu có căn cứ chứng minh dịch vụ này đã và đang hoạt động không có giấy phép thì có thể bị phạt tới 70 triệu đồng (gấp đôi với tổ chức) theo Điều 29 Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Chúng tôi sẽ liên hệ trực tiếp với đại diện của hệ thống Bloom Spa để làm rõ hơn những vấn đề trên. Với những vấn đề mà báo chí phản ánh, mong rằng cơ quan chức năng sớm vào cuộc để xử lý triệt để hành vi hoạt động trái phép trên.

Tiến Trần

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/bloom-spa-quang-cao-dich-vu-lam-dep-du-chua-cap-giay-phep-16738.html