Blockchain sẽ chấm dứt việc nhân viên ngân hàng lấy tiền của khách

Khi sử dụng công nghệ blockchain thìsẽ không còn chuyện một hồ sơ có thể thế chấp ở nhiều ngân hàng, hoặc nhân viên ngân hàng không thể đổi hồ sơ để rút tiền của khách.

Các diễn giả thảo luận về blockchain tại Diễn đàn - Ảnh: VNE

Chia sẻ tại diễn đàn "Blockchain: Xu hướng và tầm nhìn phát triển" sáng 14.6, nhiều chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ cho biết Việt Nam đang đứng trước rất nhiều cơ hội để ứng dụng blockchain vào các lĩnh vực kinh doanh, đặc biệt là ngân hàng và nông nghiệp.

Tại diễn đàn, các chuyên gia phân tích blockchain được định nghĩa là kho dữ liệu mà trong đó người dùng được kiểm soát thông tin. Tất cả các thành viên trong hệ thống sẽ được sở hữu thông tin giống nhau và mỗi máy tính sẽ trở thành máy chủ. Các dữ liệu được đồng bộ hóa trên toàn hệ thống khi có bất kỳ thay đổi nào.

Blockchain có 6 lợi ích, thứ nhất là đáng tin cậy và có sẵn, bởi nhiều người tham gia chia sẻ các chuỗi khối nên có khả năng chống lại các cuộc tấn công. Thứ 2, bất biến, vì việc tạo ra bất cứ thay đổi nào trên môi trường blockchain hầu như đều bị phát hiện, từ đó giảm thiểu các vụ gian lận. Thứ 3, không thể thu hồi, vì công nghệ này giúp các bản ghi không thể thu hồi được, giúp sự chính xác và đơn giản hóa các quy trình trở về và kết thúc. Thứ 4, sát giờ thực tế, vì blockchain cung cấp các thông tin không bị gián đoạn và rất kịp thời. Thứ 5, tiết kiệm chi phí, do không có bên thứ ba hoặc người trung gian tham gia vào, công nghệ blockchain giúp cắt giảm chi phí. Cuối cùng, tính minh bạch, các cơ chế đồng nhất cung cấp lợi ích của các tập dữ liệu một cách thống nhất, nhất quán và giảm thiểu tối đa lỗi.

Đặc biệt, giới công nghệ cho biết blockchain có thể triệt tiêu tiêu cực trong ngành ngân hàng. Cụ thể, ông Đặng Minh Tuấn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Blockchain QNET cho biết doanh nghiệp này đang xây dựng dự án quản lý hồ sơ vay thế chấp. Kết quả có thể ứng dụng cho các ngân hàng.

"Gần đây, các tiêu cực trong ngành ngân hàng như khách hàng mất cả trăm tỉ đồng hoặc hồ sơ của khách thế chấp ở nhiều ngân hàng khác nhau. Khi xây dựng quản lý hồ sơ thế chấp vay ngân hàng, chúng tôi đảm bảo được hồ sơ này là duy nhất, không ai có thể thay đổi, sửa chữa, kể cả nhân viên ngân hàng. Đặc tính của blockchain là sự minh bạch, không thể can thiệp, triệt tiêu được tiêu cực", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, điều này dẫn tới kết quả là không còn chuyện một hồ sơ có thể thế chấp ở nhiều ngân hàng hoặc nhân viên ngân hàng không thể đổi hồ sơ để rút tiền. Ngoài ra, nó có thể ứng dụng trong các văn bản, các hồ sơ ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

"Hiện nay, tôi là Phó chủ tịch của CLB Fintech thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, chúng tôi đang hình thành dự án mới và sẽ ra mắt sớm trong thời gian tới. Tôi hy vọng nó có thể áp dụng và giảm thiểu tiêu cực từ khách hàng cũng như trong việc quản lý của ngân hàng", diễn giả cho biết.

Hay lấy ví dụ từ Uber, ông Đỗ Văn Long - Giám đốc vùng Infinity Blockchain Labs với kinh nghiệm 5 năm nghiên cứu và phát triển cho rằng nếu giao dịch giữa các tài xế và Uber sử dụng nền tảng blockchain thì mọi thông tin sẽ minh bạch, việc quản lý của cơ quan chức năng sẽ dễ dàng hơn.

Theo ông Long, câu chuyện là làm thế nào để có khung pháp lý phù hợp cho công nghệ mới. Từ kinh nghiệm của mình, ông cho rằng mấu chốt chính là giáo dục và đào tạo. "Khi những người lãnh đạo doanh nghiệp đang nắm chiến lược phát triển hiểu được bản chất công nghệ thì mới có thể đưa ra chính sách phát triển rõ ràng", Giám đốc vùng Infinity Blockchain Labs cho hay.

Trong 2 năm qua, ông Long đã đến các doanh nghiệp chia sẻ các kiến thức giúp họ phát triển các nghiên cứu thí điểm nhằm vẽ ra bức tranh rõ ràng nhất của blockchain không chỉ trong ngành tài chính, ngân hàng mà còn nhiều lĩnh vực khác tại Việt Nam, như nông nghiệp... Ông dẫn ví dụ đã làm việc với một doanh nghiệp trồng xoài, công nghệ blockchain giúp họ tiết kiệm khá nhiều chi phí, trong đó có thêm lớp quản trị thông tin, lưu trữ mọi khâu từ khi trồng đến thu hoạch chế biến. Người dùng có thể dùng điện thoại thông minh để kiểm tra mọi dữ liệu, thậm chí mức độ chua của xoài ra sao, nên ăn hay không...

Theo ông Long, Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiêp lần thứ 4. Tuy nhiên, hiện nay đã bắt đầu có cái nhìn cởi mở hơn về công nghệ này. Ông Long cho biết, nếu trí tuệ nhân tạo được xem là bộ óc của con người, IoT giúp kết nối vạn vật thì blockchain cho phép kết nối mọi người và cho phép giao tiếp thông minh.

"Blockchain vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Google đang kỳ vọng, trong 2 năm tới, công nghệ blockchain sẽ được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực", ông Long nói. Tại Việt Nam, trong 2 năm qua, nhiều người vẫn nhầm tưởng các loại tiền mã hóa như bitcoin là blockchain nhưng ông Long nói đó chỉ là một ứng dụng của công nghệ.

Ông Long khẳng định blockchain không phải là công nghệ mới mà chỉ tổng hợp những phát kiến trong lĩnh vực công nghệ dựa trên sự chia sẻ của cộng đồng. Để thay đổi và xóa dữ liệu, họ phải có sự đồng thuận của số đông. Blockchain đóng vai trò hỗ trợ hệ thống hạ tầng, minh bạch hóa thông tin.

Trước những khó khăn còn tồn tại trong việc sử dụng công nghệ blockchain hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp cho biết đều cần khung pháp lý để có thể ứng dụng và phát triển loại hình công nghệ này. Cụ thể là nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý trong đó công nhận tài sản kỹ thuật số là có giá trị; Đưa chương trình huấn luyện và đào tạo công nghệ vào những trường đại học, đơn vị tổ chức, quản lý để hiểu được bản chất của blockchain; Mạnh dạn cho phép đầu tư nghiên cứu những ứng dụng thí điểm để cải tiến các quy trình công nghệ. Bên cạnh đó là xem xét có khung pháp lý, chính sách cho việc xây dựng một quỹ cho công nghệ mới này. Nhờ đó các doanh nghiệp có cơ hội huy động vốn thuận lợi hơn, có nguồn mới trong phát triển...

Dưới góc độ từ cơ quan quản lý về công nghệ, ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết Bộ đang xây dựng đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Đây có thể xem là không gian để cho lĩnh vực blockchain có điều kiện để phát triển tại Việt Nam.

Chia sẻ thêm vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế (Bộ Tư pháp) khẳng định, ở góc độ quản lý nhà nước, tại Nghị quyết 23 về chiến lược phát triển công nghệ Việt Nam năm 2030 đã vạch ra định hướng Việt Nam phải đi tắt và đón đầu trong công nghiệp 4.0, phải xác định trọng tâm của blockchain.

Ông Tú cũng nêu ra 4 điểm để giải quyết khâu pháp lý trong thời gian tới. Thứ nhất, khuyến khích việc sử dụng, giao dịch, trao đổi tài sản dựa trên blockchain. Thứ 2, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp áp dụng blockchain. Thứ 3, tạo ra khung pháp lý an toàn, minh bạch, bảo vệ ba bên. Cuối cùng, các bộ ngành phải rà soát về luật, các quy định hạn chế sự phát triển của blockchain cần loại bỏ, những điều giúp phát triển thì cần phải thêm.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/blockchain-se-cham-dut-viec-nhan-vien-ngan-hang-lay-tien-cua-khach-90214.html