Blockchain cần 10 năm nữa để phổ cập

Lĩnh vực blockchain vẫn ở giai đoạn thử nghiệm, cần nhiều lập trình viên, dự án nghiêm túc hơn để đạt được sự công nhận như các sản phẩm truyền thống.

Công nghệ blockchain có hơn 10 năm phát triển nhưng vẫn ở giai đoạn sơ khai, tính ứng dụng và lượng người dùng chưa thể so sánh với các nền tảng truyền thống. Do đó, lĩnh vực này cần nhiều cải tiến để được áp dụng rộng rãi.

Trong sự kiện được Coinbase Wallet và Kyros Ventures tổ chức tại Việt Nam hôm 21/5, đại diện sàn giao dịch tiền số lớn nhất nước Mỹ cùng các dự án như Polygon, Axie Infinity đã có những chia sẻ về mức độ ứng dụng của blockchain và tiềm năng phát triển trong tương lai.

GameFi chỉ là một trong những con đường để phổ cập blockchain

Thuật ngữ Mass Adoption (phổ cập) đã được đề cập đến từ khi Bitcoin xuất hiện. Bitcoin nói riêng hay tiền mã hóa nói chung sẽ đạt đến cấp độ này nếu được chấp nhận như một phương tiện thanh toán, với lượng người dùng lớn. Tuy nhiên, viễn cảnh này còn xa vời bởi đa phần các quốc gia không chấp nhận thêm một giao thức thanh toán ngoài tiền pháp định trong lãnh thổ.

Mass Adoption được mở rộng sang lĩnh vực blockchain nói chung, đặt công nghệ này vào viễn cảnh được sử dụng bởi hàng tỷ người trên thế giới, như các sản phẩm Internet truyền thống, tiêu biểu là Facebook, Google. Tuy nhiên, để đưa chuỗi khối tiếp cận với lượng khách hàng khổng lồ như trên, vẫn còn khoảng cách xa.

 Ông Nguyễn Thành Trung từ Axie Infinity cho rằng lợi ích của blockchain không nên chỉ được nhìn qua tiền số.

Ông Nguyễn Thành Trung từ Axie Infinity cho rằng lợi ích của blockchain không nên chỉ được nhìn qua tiền số.

“Trước khi nghĩ đến phổ cập, cần xác định công nghệ blockchain có thực sự mang lại lợi ích cho người dùng? Theo tôi, câu trả lời là có, nhưng cần nhìn sâu hơn, chứ không phải thứ đang có trên thị trường tiền số hiện tại”, ông Nguyễn Thành Trung, người sáng lập Axie Infinity nói.

Chia sẻ tại sự kiện, ông Trung cho rằng GameFi giúp người dùng làm quen với các loại tài sản số một cách tự nhiên.

Theo đó, có những người chưa từng mở tài khoản ngân hàng trước khi tham gia vào mô hình GameFi. Nhưng chỉ sau hai tuần, họ đã làm quen được với blockchain, nắm giữ tài sản số, thực hiện giao dịch không chỉ trong game mà với cả các mảng khác.

GameFi giúp người dùng làm quen với blockchain một cách tinh tế, tự nhiên.

Nguyễn Thành Trung, người sáng lập Axie Infinity

“Các khái niệm về chuỗi khối được đưa vào trong quá trình trải nghiệm trò chơi một cách tự nhiên, tinh tế. Người dùng không có cảm giác bị dạy một điều gì đó mới và khó hiểu”, ông Trung nói.

Đồng quan điểm, ông Thuật Nguyễn, người sáng lập Kyros Ventures cho rằng sự vui vẻ, đơn giản của trò chơi tạo điều kiện hỗ trợ người mới tham gia vào lĩnh vực blockchain. Ngoài ra, tính giải trí của mô hình này có thể duy trì lượng người dùng đông đảo cả khi thị trường tiền số đi xuống như hiện tại, miễn là GameFi thực sự vui vẻ, không chỉ đơn thuần là click-to-earn.

Tuy nhiên, chính GameFi cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin từ người chơi và nhà đầu tư. Nhiều dự án thiên về "lùa gà" và bơm xả token chứ không thực sự đầu tư đường dài khiến niềm tin vào mô hình play to earn bị ảnh hưởng nặng nề. Khi thị trường đi xuống, các dự án GameFi được đầu tư bài bản cũng bị ảnh hưởng xấu.

Đến hiện tại, nhiều dự án đình đám có giá token chia nhiều lần từ đỉnh. Tiêu biểu như Decentraland (MANA) giảm hơn 80%, The Sandbox giảm 85%, Stepn giảm 66%, GALA giảm 90%, RACA giảm 95% giá trị.

Tại buổi tọa đàm, ông Thuật Nguyễn cho rằng sự đi xuống của trào lưu GameFi là bởi các trò chơi quá nặng yếu tố kiếm tiền, không tạo ra giá trị giải trí. "Là người quan sát và trải nghiệm nhiều GameFi, tôi thấy hiện tại có khoảng đâu đó 5 trò chơi là có lối chơi thật sự", ông Thuật nói.

Cần 10 năm nữa để blockchain được phổ cập

Một trong những trào lưu của thị trường tiền số trong hai năm qua là tài chính phi tập trung (DeFi). Ngoài việc thu hút nguồn tiền lớn bơm vào các hệ sinh thái, DeFi ra đời với sứ mệnh mang dịch vụ tài chính đến hàng tỷ người trên thế giới, góp phần phổ cập những ứng dụng của chuỗi khối.

Tổng lượng tài sản trên các nền tảng DeFi tính đến tháng 5 đang ở mức 113 tỷ USD, khiêm tốn so với tài chính truyền thống. Ảnh: DeFi Llama.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, yếu tố Finance (tài chính) trong GameFi cũng phần nào thể hiện cho mô hình DeFi, giúp người dùng tiếp cận công nghệ mới.

So với Web 2.0, ứng dụng của Web 3.0 vẫn còn quá phức tạp với người dùng.

Terence Yeo, đại diện Coinbase

Tuy nhiên, theo ông Bình Nguyễn, Giảng viên tài chính cao cấp, đồng sáng lập Trung tâm công nghệ tài chính và mã hóa Đại học RMIT, phần lớn người sử dụng các dịch vụ DeFi là những nhà đầu cơ thu lợi, không đúng mục đích đặt ra của mô hình. Ngoài ra, ông Bình cho rằng DeFi hay blockchain vẫn trong giai đoạn thử nghiệm nên còn phức tạp, khó tiếp cận.

Đồng quan điểm, ông Terence Yeo, đại diện Coinbase cho rằng công nghệ blockchain, Web 3.0 vẫn còn quá phức tạp với người dùng đại chúng.

Đại diện Coinbase cho rằng các ứng dụng của blockchain vẫn còn phức tạp, khó sử dụng.

“Với một sản phẩm Web 2.0, người dùng cần tải nó về điện thoại, đăng ký tài khoản và sử dụng. Trong khi đó, mọi thứ phức tạp hơn nhiều với Web 3.0. Ta cần tải app, tải ví tiền số, tạo ví tiền số, ghi và cất giữ mã bảo mật, kết nối ví với ứng dụng, mua token và nhiều bước khác”, ông Yeo nói.

Theo ông Bình, mục tiêu của ngành DeFi trước mắt là tiếp cận với khoảng 1,7 tỷ người đang chưa có tài khoản ngân hàng trên thế giới, tạo điều kiện để họ tiếp cận với dịch vụ tài chính. Đồng thời, ngành này cần tìm cách thu hút thêm nguồn vốn từ lĩnh vực truyền thống để thật sự sẵn sàng cho phổ cập.

“Ngành DeFi cần thêm chế tài quản lý từ các quốc gia để có thể thật sự phát triển, sẵn sàng cho việc phổ cập đến đại chúng. Tôi cho rằng có thể mất ít nhất 10 năm cho mục tiêu này”, ông Bình nhận định.

“Blockchain cần nhiều lập trình viên hơn nhà đầu cơ”

Một trong các vấn đề được các chuyên gia đề cập trong tọa đàm là mảng tiền số hiện tại có quá nhiều trader (nhà giao dịch), tham gia với mục đích thu lời từ thị trường nhưng lại thiếu lập trình viên để xây dựng dự án. Tiêu biểu ở mô hình GameFi, đang gặp khó khăn khi tạo ra một môi trường ổn định cho trò chơi bởi nhóm người dùng tham gia với mục đích kiếm tiền quá đông.

Khi cả thị trường điều chỉnh, tựa GameFi "đầu ngành" như Axie Infinity cũng liên tục thay đổi để duy trì. Ảnh: Sky Mavis.

“Vấn đề của play-to-earn là người tham gia chỉ muốn thu hồi vốn nhanh và kiếm lời, như vậy thì không bền vững. Để lâu dài, game phải tìm cách giữ chân người chơi, hỗ trợ kết giao bạn bè, giải trí, thu thập vật phẩm. Mô hình phải có người bỏ tiền vào để đổi lại những yếu tố khác nhằm giải trí thì dự án mới bền vững”, ông Nguyễn Thành Trung nhận định.

Trong khi đó, việc thiếu hụt sản phẩm chất lượng khiến quá trình đưa công nghệ blockchain đến ngưỡng phổ cập, tiếp cận với lượng lớn khách hàng bị chậm trễ.

Blockchain vẫn ở giai đoạn thử nghiệm, nhà phát triển vẫn được phép mắc sai lầm.

Jaslyn Wang, đại diện dự án Polygon

“Khi tôi tham gia lĩnh vực này vào 2017, tôi gặp nhiều người xây dựng dự án ở Việt Nam, nhưng họ không làm việc dài hạn, nhất là khi thị trường đi xuống. Tôi nghĩ việc giúp người dùng làm quen và được truyền cảm hứng từ những ví dụ thành công như Axie Infinity, Coin98, Kyber Network sẽ giúp thị trường có thêm nhiều người xây dựng hơn là nhà đầu cơ”, ông Thuật Nguyễn nói.

Trong khi đó, bà Jaslyn Wang, đại diện dự án Polygon cho rằng lĩnh vực này vẫn ở giai đoạn sơ khai, thử nghiệm, nên các dự án vẫn được phép mắc sai lầm. Tuy nhiên, để hạn chế sự cố, những người xây dựng nên xác định rõ ràng mục tiêu, đối tượng khách hàng và cách tiếp cận phù hợp để con đường phát triển được thuận lợi.

Nhân sự cũng là vấn đề nhức nhối với các dự án trong nước hiện tại

“Tôi có trao đổi với một số đại diện công ty blockchain của Việt Nam, họ chia sẻ việc gặp khó khăn do thiếu nhân sự, cạnh tranh ‘câu’ người của nhau. Tuy gọi ngành blockchain đang lớn mạnh, nhưng nguồn lực cho ngành vẫn còn thiếu nhiều”, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, chuyên gia nghiên cứu và phát triển thuộc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói với Zing.

Xuân Sang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/blockchain-can-10-nam-nua-de-pho-cap-post1320012.html