'BlacKkKlansman': Hồi chuông cảnh tỉnh dành cho nước Mỹ hiện đại

Bộ phim mới nhất của Spike Lee vạch trần những vấn đề gây nhức nhối tồn đọng trong lòng xã hội nước Mỹ: bạo lực, khủng bố và phân biệt chủng tộc.

Vị chính khách bài kích da màu, chủ trương thượng tôn da trắng David Duke là nhân vật có thật ngoài đời, đồng thời là người ủng hộ ông Trump - Ảnh: Focus Features

Bộ phim dựa trên tự truyện của cảnh sát người Mỹ gốc Phi Ron Stallworth (do John David Washington thủ vai), kể về giai đoạn giữa thập niên 1970 khi ông thâm nhập vào hội kín cực đoan Ku Klux Klan (viết tắt là KKK) hoạt động tại thị trấn Colorado Springs (Mỹ). Thoạt đầu, Ron chủ động liên lạc qua điện thoại với KKK, giả vờ là một gã người da trắng mang tư tưởng kỳ thị sắc tộc mong muốn được kết nạp vào tổ chức. Để vai diễn thêm thuyết phục, Ron đã nhờ đồng nghiệp Do Thái Flip Zimmerman (Adam Driver, nhân vật Flip là sự sáng tạo riêng trong kịch bản) đến buổi gặp mặt thay mình. Dù mang vẻ ngoài của một người da trắng điển hình, thế nhưng Flip cũng phải hết sức cảnh giác để thân phận Do Thái không bị bại lộ. Bộ phim xoáy sâu vào mối quan hệ thú vị giữa bộ đôi nhân vật thuộc hai cộng đồng thiểu số - Do Thái và gốc Phi, đồng thời là những nhóm đối tượng bị KKK liệt vào danh sách đen.

Ảnh: Focus Features

Trải qua nhiều tình huống khó khăn, bộ đôi cảnh sát dần giành được niềm tin của thủ lĩnh tối cao David Duke (Topher Grace), nhanh chóng có được chức vị quan trọng trong tổ chức. Nhờ đó, họ có thể tìm cách ngăn chặn kế hoạch khủng bố nhắm vào Hội sinh viên da màu do nữ chủ tịch Patrice Dumas (Laura Harries) dẫn dắt.

KKK là một tổ chức có thật trong lịch sử nước Mỹ, chủ trương thuyết người da trắng thượng đẳng, bài trừ người da màu, dân Do Thái, dân nhập cư, người đồng tính luyến ái bằng bạo lực và khủng bố. Đề tài về hội kín KKK thật ra không hề mới, trước đó đã được những tác phẩm như Mississippi Burning (1988), A Time To Kill (1996), Mudbound (2017) và vô số phim tài liệu khai thác chán chê. Thế nhưng đây cũng là đề tài chưa bao giờ cũ chừng nào cuộc đấu tranh chủng tộc dai dẳng tại xứ cờ hoa còn chưa đi đến hồi kết.

Tổ chức KKK được thể hiện trên phim - Ảnh: Focus Features

Cái hay của đạo diễn Spike Lee là biến một kịch bản nặng thông điệp chính trị thành một bộ phim hấp dẫn, dí dỏm nhưng vẫn đầy tính phê phán sâu cay. BlacKkKlansman nổi bật nhờ cách kể chuyện khéo léo, đan cài giữa mạch truyện chính là những trích đoạn phim có liên quan đến lịch sử, bối cảnh xã hội - văn hóa nước Mỹ, góp phần bổ túc thông tin và cung cấp cho người xem nhiều luồng ý kiến đa chiều hơn. Chẳng hạn cảnh mở đầu phim là trích đoạn từ Gone With The Wind (1939), khi Scarlett O’Hara khóc thương cho thất bại của Liên minh miền Nam trong cuộc Nội chiến Mỹ năm 1865. Chiến thắng của miền Bắc đã tạo động lực để Abraham Lincoln ban hành tu chính thứ 13 đặt dấu chấm hết cho chế độ nô lệ da màu. Không lâu sau, tổ chức cực đoan KKK thành lập như một cách phản pháo quyết định này. Bộ phim kết thúc bằng đoạn clip có thật quay lại hiện trường vụ bạo động tại Charlottesville (Mỹ) năm 2017, khiến 28 người bị thương và 1 người thiệt mạng. Toàn bộ vụ việc do một nhóm cực đoan ủng hộ thuyết độc tôn da trắng gây nên, nhưng sự im lặng của Tổng thống Donald Trump trước vụ việc mới là điều làm cho dân tình phẫn nộ nhất.

Bên cạnh đó, Spike Lee còn phê phán bộ phim The Birth of a Nation (1915) với những cảnh quay kỳ thị chủng tộc, vẽ nên hình ảnh sai lệch về lịch sử nhưng lại là bộ phim đầu tiên được trình chiếu tại Nhà Trắng. Vị chính khách David Duke được khắc họa trên phim với những nét giống tổng thống Mỹ đương nhiệm, nhất là khẩu hiệu “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Ngoài đời, David Duke luôn thể hiện sự ủng hộ nhiệt liệt dành cho ông Trump.

Trường đoạn gợi cảm giác bất an và ám ảnh - Ảnh: Focus Features

Trường đoạn cuối cùng gợi nên sự bất an khi Ron Stallworth và Patrice Dumas giật mình vì tiếng gõ cửa từ bên ngoài, họ nhanh chóng rút súng phòng thân và tiến đến gần cánh cửa. Âm hưởng có phần kinh dị và bí ẩn của cảnh phim này khiến ta không khỏi nhớ đến Get Out. Bộ phim kết thúc bằng hình ảnh lá cờ Mỹ lật ngược gây tranh cãi, là tín hiệu kêu cứu mạnh mẽ và hùng hồn nhất. Spike Lee dường như muốn cảnh báo rằng không ai an toàn giữa một đất nước đầy rẫy những biến động và chia rẽ. Mọi người đều có thể trở thành nạn nhân hoặc kẻ sát nhân.

Từ đó, BlacKkKlansman trở thành cái nhìn dài xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, từ thời điểm 1865 cho đến 2017, cho ta thấy rằng hơn 100 năm đã trôi qua nhưng những xung đột xã hội của nước Mỹ từ thuở ấy vẫn chưa hề mất đi, trái lại chỉ càng thêm trầm trọng.

Bộ phim tập trung khắc họa sự đối kháng quyền lực giữa một bên là cộng đồng da màu với quá khứ nô lệ đau thương, một bên là cộng đồng da trắng muốn đảm bảo những đặc quyền của mình trên đất Mỹ. Thế nhưng, cả hai thế lực chỉ được đặt cạnh nhau, song hành tồn tại, cao trào bộ phim cũng không hẳn là một cuộc đối đầu đẫm máu giữa hai phe.

Giải quan trọng nhất Oscar 2019, Phim truyện xuất sắc, là cuộc đua tài giữa 8 tác phẩm: BlacKkKlansman, Black Panther, Bohemian Rhapsody, The Favourite, Green Book, Roma, A Star Is BornVice. Kết quả sẽ được công bố vào ngày 24.2 (giờ Mỹ).

Mai Anh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/blackkklansman-hoi-chuong-canh-tinh-danh-cho-nuoc-my-hien-dai-1053529.html