Biwase (BWE) quyết định đấu giá 37,5 triệu cổ phiếu trên HOSE với giá khởi điểm 25.500 đồng

Công ty cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (Mã chứng khoán BWE – sàn HOSE) quyết định giá 37,5 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 25.500 đồng/cổ phiếu.

Giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 01/09/2020 của BWE là 25.550 đồng/cổ phiếu, như vậy giá đấu giá đang khá tương đồng so với giá thị trường.

Trước đó, Biwase dự kiến sẽ tổ chức đấu giá công khai 37,5 triệu cổ phiếu vào ngày 6/10/2020 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Toán tính của các cổ đông lớn

Ngay sau Biwase thông báo dự kiến đấu giá, Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một (TDM) thông báo sẽ mua thêm cổ phiếu BWE để đảm bảo tỷ lệ sở hữu là 38,5% vốn điều lệ như sở hữu hiện tại.

Như vậy, với số lượng cổ phiếu BWE đang lưu hành là 150 triệu cổ phiếu, tỷ lệ phát hành thêm 25%, tương ứng 37,5 triệu cổ phiếu thì TDM phải mua vào hơn 14,4 triệu cổ phiếu để duy trì tỷ lệ sở hữu.

Tính tới 10/04/2020, cổ đông BWE có hai cổ đông lớn là TDM sở hữu 38,5% vốn điều lệ và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (BCM) sở hữu 25% vốn điều lệ, còn lại là các cổ đông khác sở hữu 36,5% vốn điều lệ.

Như vậy, nếu như đợt tăng vốn thành công, cũng như TDM thực hiện mua vào để duy trì tỷ lệ sở hữu trong khi BCM không thực hiện mua vào thì cơ cấu cổ đông có sự thay đổi đáng kể (chưa tính tới cổ đông mới nếu mua trọn 23,06 triệu cổ phiếu còn lại trong đợt đấu giá sẽ sở hữu 12,3% vốn điều lệ). Cụ thể, TDM vẫn sở hữu 38,5% vốn điều lệ của BWE; BCM sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 25% về còn 20% vốn điều lệ của BWE.

Ngoài ra, Biwase dự kiến tiền thu được sau đợt phát hành hơn 814 tỷ đồng sẽ được dùng để thanh toán đợt 1 tiền gốc trái phiếu năm 2018, bù đắp vốn đối ứng cho 2 hạng mục thuộc dự án đầu tư cấp nước khu liên hợp Bình Dương, chuẩn bị vốn đối ứng cho dự án đầu tư xây dựng lò đốt rác tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương, vốn đối ứng cho dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân compost tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương, bù đắp vốn đối ứng đã chi trả theo cam kết góp vốn thêm vào CTCP Đầu tư xây dựng Chánh Phú Hòa, thanh toán tiền đất để xây dựng trụ sở mới của công ty và cho thuê kinh doanh tại thành phố mới Bình Dương....

Ngoài kế hoạch phát hành cổ phiếu, doanh nghiệp cũng lên kế hoạch phát hành 225 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, trái phiếu có mệnh giá dự kiến là 1 tỷ đồng, lãi suất dự kiến từ 9%-11%/năm, kỳ hạn là 6 năm, đáo hạn năm 2026, hình thức trả lãi là 3 tháng/lần và trả gốc trả hàng quý theo lịch cam kết. Được biết, mục đích phát hành nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của doanh nghiệp.

Tính tới ngày 30/06/2020, Biwase đang có 1.066,8 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Trong đó, dự án đầu tư xây dựng nâng công suất Nhà máy nước Tân Hiệp là 169,2 tỷ đồng; dự án đầu tư chế tạo, lắp đặt Nhà máy sản xuất phân composst 3 với công suất 840 tấn/ngày là 81,8 tỷ đồng; hệ thống lò đốt công suất 200 tấn/ngày 68,3 tỷ đồng; dự án nâng công suất Nhà máy nước Nam Tân Uyên, công suất tăng thêm 29.500 m3/ngày đêm là 58,1 tỷ đồng ...

Có thể thấy, việc doanh nghiệp huy động vốn tại thời điểm này rất quan trọng để tiếp tục quá trình đầu tư, mở rộng các dự án hiện hữu, cũng như bổ sung vốn lưu động.

Biwase hoạt động chủ yếu là cung cấp nước và xử lý rắc thải. Trong năm 2019, doanh thu sản xuất nước sạch là 1.637 tỷ đồng, doanh thu xử lý chất thải là 647 tỷ đồng, doanh thu xử lý nước thải là 83,4 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy, hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp chủ yếu là sản xuất nước tại 9 chi nhánh cấp nước, xử lý rác thải và xử lý nước thải tại 4 chi nhánh, chủ yếu địa bàn kinh doanh tại tỉnh Bình Dương.

Vũ Duy Bắc

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/biwase-bwe-quyet-dinh-dau-gia-37-5-trieu-co-phieu-tren-hose-voi-gia-khoi-diem-25-500-dong-post249346.html