'Bitcoin có thể đạt 500.000 USD/đồng nếu hoàn toàn thay thế vàng'

Nói với Zing, giáo sư Layne Hartsell cho rằng một phần lớn vốn từ vàng sẽ chuyển sang Bitcoin. Ông cũng lạc quan về triển vọng của tiền mã hóa và blockchain trong tương lai.

Bitcoin đến nay vẫn là một đồng tiền gây tranh cãi. Tuy nhiên, loại tiền mã hóa này đang nhận được sự chấp nhận ngày một rộng rãi từ các tên tuổi lớn Phố Wall. Trong vòng 12 tháng qua, giá Bitcoin tăng tới 500%. Hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk mới đây cho biết đã đầu tư 1,5 tỷ USD và chấp nhận Bitcoin như một hình thức thanh toán.

Trong cuộc phỏng vấn với Zing, giáo sư Layne Hartsell tại Viện châu Á nhận định Bitcoin không hữu ích để mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng đồng tiền này phù hợp với vai trò của một dạng "vàng kỹ thuật số".

Theo ông, xét trên khía cạnh môi trường, việc "đào Bitcoin" ít ảnh hưởng tiêu cực hơn so với khai thác kim loại quý. Ông Layne là chuyên gia nghiên cứu về triết học công nghệ tại Trung tâm Đạo đức Khoa học và Công nghệ ở Đại học Chulalongkorn (Bangkok).

- Bitcoin đến nay vẫn là một đồng tiền gây tranh cãi. Quan điểm của ông về đồng tiền mã hóa này như thế nào, thưa ông?

- Tôi đồng ý rằng Bitcoin gây tranh cãi. Câu hỏi đặt ra là vì sao. Trước tiên, Bitcoin được thiết kế như một loại tiền tệ có thể trao đổi mà không cần bất cứ tổ chức trung gian nào. Đây là một dạng tiền mới, được xác minh thông qua công nghệ mã hóa trong các hệ thống ngang hàng (P2P). Sổ cái (blockchain) ghi lại tất cả giao dịch mua bán Bitcoin.

Vào khoảng năm 2007, Satoshi Nakamoto - nhân vật hoặc tổ chức ẩn danh sáng tạo ra Bitcoin - bắt đầu các nghiên cứu đầu tiên về Bitcoin. Đến tháng 1/2009, mã Bitcoin được tải lên Internet và đi vào hoạt động.

Bitcoin là một kho lưu trữ trị giá 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, nó không có bất cứ tòa nhà, giám đốc điều hành, luật sư, cơ cấu chính trị hay tổ chức việc làm nào. Bitcoin cũng không cần kế toán dù là một sổ cái kỹ thuật số.

Mã Bitcoin thực hiện công việc trung tâm, bảo mật và nâng cấp cho các cải tiến mới. Những công ty máy tính quy mô trung bình quản lý máy thực hiện giao dịch. Chúng được gọi là các "thợ đào", chẳng khác gì công ty khai thác kỹ thuật số khai thác vàng kỹ thuật số.

Do không có tổ chức trung gian, Bitcoin có thể giải quyết vấn đề chuyển giao giá trị ở khoảng cách xa một cách hiệu quả, không tốn kém và phi chính trị. Cho đến nay, hệ thống Bitcoin được chứng minh là một trong những công nghệ linh hoạt nhất mà chúng ta từng có.

Ngoài ra, theo quan điểm của tôi, các nhà phát triển còn làm được một việc khác thậm chí quan trọng hơn. Đó là tạo ra một hệ thống xác minh đáng tin cậy trong công nghệ. Việc cụ thể hóa niềm tin đóng vai trò quan trọng trong Web 3.0 (mạng ngữ nghĩa) ngày nay, nhất là khi sự bùng nổ của thương mại điện tử và sáng tạo nội dung đòi hỏi công nghệ phân tán, đổi mới hậu cần và nhiều thứ khác.

- Ông dự đoán giá trị của đồng tiền này trong tương lai như thế nào, thưa ông?

- Nếu Bitcoin hoàn toàn thay thế vàng, giả sử về mặt lý thuyết là 100% giá trị của vàng, vốn hóa của Bitcoin có thể đạt 10.000 tỷ USD. Sau khi chia cho 20 triệu Bitcoin (ban đầu có 21 triệu Bitcoin, nhưng khoảng 1 triệu đã mất), mỗi đồng Bitcoin sẽ có giá 500.000 USD. Tuy nhiên, đó chỉ là một khả năng.

Tôi tin rằng một phần vốn từ vàng sẽ chuyển sang Bitcoin, tuy chúng ta vẫn không biết con số đó là bao nhiêu. Hiện, chúng ta thấy vốn hóa của Bitcoin đạt khoảng 10% giá trị vốn hóa thị trường vàng.

Tỷ phú đầu tư Warren Buffett và tờ Financial Times không ủng hộ Bitcoin. Trong khi đó, các nhà đầu tư như Michael Saylor, Elon Musk và một số nhóm nghiên cứu của những ngân hàng lớn tỏ ra lạc quan hơn. Hãng xe điện Tesla của Elon Musk đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào Bitcoin và chấp nhận đồng tiền này như một loại hình thanh toán.

Hãy nhớ rằng bất cứ đồng tiền mã hóa nào đều có tính biến động cao. Đồng ý là các thị trường khác cũng chứng kiến biến động lớn. Tuy nhiên, tiền mã hóa còn mới và rất khó để biết cách đối phó với chúng. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) và những tổ chức quốc tế khác đang cố gắng đưa ra các quy định, dẫn đầu là Singapore và Nhật Bản.

Sự biến động vẫn tiếp tục cho đến khi hệ thống có đủ giá trị và các quy định giúp ổn định hệ thống. Khi ngày càng nhiều quy định được đưa ra, dòng tiền sẽ chảy vào do rủi ro giảm.

- Như vậy, các nhà đầu tư cần lưu ý điều gì khi đầu tư vào tiền mã hóa, nhất là những nhà đầu tư non trẻ, thưa ông?

- Đối với những người trẻ tuổi, hầu hết có ít tiền, họ đặt niềm tin vào tiền mã hóa và mua bán bằng satoshi. Satoshi là đơn vị nhỏ nhất của Bitcoin, bằng khoảng 0,00000001 Bitcoin. Dù không sở hữu nhiều tiền, họ vẫn tham gia bằng cách sở hữu một phần nhỏ của Bitcoin.

Tuy nhiên, tôi không khuyên mọi người ngồi trước màn hình máy tính cả ngày để mua vào bán ra. Các nhà giao dịch thực sự thường làm việc trong những nhóm chuyên nghiệp và sử dụng bot (ứng dụng phần mềm chạy các tác vụ tự động hóa trên mạng). Bot sẽ tự động mua bán, trong khi những người bình thường không thể cạnh tranh với các công nghệ và kiến thức đó.

Thứ tôi quan tâm sẽ không phải lãi từ các giao dịch, mà là sự tham gia vào sản xuất mới trong lĩnh vực blockchain, chẳng hạn giao thức Ethereum. Những người trẻ tuổi nên học Solidity (ngôn ngữ lập trình hướng hợp đồng, được sử dụng để viết hợp đồng thông minh trong hệ sinh thái Ethereum) hoặc các dự án tương tự.

- Ông đánh giá thế nào về vai trò tiền tệ của Bitcoin, chẳng hạn mua Tesla bằng Bitcoin, thưa ông?

- Muốn được sử dụng như một hình thức thanh toán, blockchain cần sự "ngay lập tức" và chi phí ảo bằng 0. Do vậy, Bitcoin rất đắt đỏ để có thể sử dụng theo cách đó. Đồng tiền này phù hợp hơn với vai trò của một dạng vàng kỹ thuật số, tức hàng rào bù đắp rủi ro.

Chẳng hạn, vàng là một kho giá trị. Tuy nhiên, mọi người không thường xuyên sử dụng vàng để mua một thứ gì đó. Hãy tưởng tượng đến chuyện bạn mang vàng đến quầy tạp hóa, cân rồi đối chiếu giá trị với những món hàng cần mua. Điều đó sẽ quá tốn thời gian.

Bitcoin cũng giống như vậy. Đối với các giao thức blockchain dưới dạng tiền mã hóa, chúng phải mở rộng quy mô để có thể xử lý những gì cần thiết trong nền kinh tế toàn cầu.

Visa thường thực hiện khoảng 2.000 giao dịch mỗi giây và có thể thực hiện tối đa khoảng 25.000 giao dịch. Trong khi đó, Bitcoin chỉ làm được 5 lần/giây. Việc sử dụng Bitcoin để mua sản phẩm của Tesla chỉ hữu ích cho những khách hàng đủ tiền làm điều đó. Trên thực tế, quyết định của Tesla vẫn là một ý tưởng hay, vì nó thu hút sự chú ý đến blockchain.

Tuy nhiên, đối với hầu hết khách hàng, việc sử dụng Bitcoin như tiền hoặc để mua Tesla là không hữu ích.

- Theo ông, tương lai của tiền mã hóa sẽ ra sao?

- Toàn bộ lĩnh vực tiền mã hóa rất thú vị. Chẳng hạn, hiện có khoảng 5.000-6.000 loại tiền khác nhau, bao gồm Bitcoin - đồng tiền lớn và phổ biến nhất. Phần lớn hoạt động dựa trên công nghệ blockchain, nhưng không phải tất cả. Nhiều loại tiền mã hóa không hoạt động, hầu hết là lừa đảo hoặc không được chấp nhận đủ để hoạt động rộng rãi.

Trong tương lai, tôi tin rằng blockchain sẽ trở thành một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cơ bản. Giống như khi đến lấy đơn thuốc ở hiệu thuốc, chúng ta không hề quan tâm đến hệ điều hành tự do nguồn mở Linux đang chạy. Linux là một trong những dự án khoa học mở vĩ đại nhất.

Blockchain cũng có thể trở nên thân thuộc khi chúng ta sử dụng tiền mã hóa để mua hàng trong siêu thị, giống như quét mã QR ngày nay.

- Ông đánh giá cao triển vọng của hệ thống nào, thưa ông?

Đồng tiền Ether của giao thức Ethereum cũng có thể là một kho lưu trữ giá trị giống Bitcoin. Tuy nhiên, Ethereum cung cấp cho các nhà phát triển nhiều sự tự do hơn để thử nghiệm mã riêng và tạo ứng dụng phi tập trung (DApps).

Việc đồng Ether có thể được sử dụng như tiền mặt hay không sẽ phụ thuộc vào quy mô của chúng. Từ khía cạnh tiền tệ, lý tưởng nhất là sự "ngay lập tức" và "miễn phí". Tuy nhiên, ngay cả với phí giao dịch cao, Ether vẫn là một đồng tiền phi thường.

Hệ thống Polkadot cũng là một đối thủ cạnh tranh đáng gờm nếu có thể hoạt động tốt trong thế giới thực. Trên thực tế, Polkadot và Ethereum có chung cốt lõi. Sự đổi mới bên trong Ethereum rất linh hoạt và sẽ hỗ trợ những hệ thống được xây dựng dựa trên nền tảng này.

Một lĩnh vực hoàn toàn mới của DApps được gọi là DeFi, hoặc tài chính phi tập trung, đã thu hút sự chú ý lớn vào năm 2020. DeFi đang cho thấy sự tiến bộ thực sự nhờ các hợp đồng thông minh.

Hợp đồng thông minh có khả năng thực thi những điều khoản giữa các bên tham gia thông qua mã máy tính, chẳng hạn như chuyển khoản, cho vay, phân bổ năng lượng trong lưới thông minh...

- Nhiều ý kiến cho rằng hệ thống đào Bitcoin tiêu tốn năng lượng và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này, thưa ông?

- Đúng là Bitcoin có tác động đến môi trường và đó là một trong những điều gây tranh cãi. Đối với các nhà hoạt động môi trường và nhà khoa học, không cần phải bàn cãi, Bitcoin sử dụng rất nhiều năng lượng. Tuy nhiên, Bitcoin - tài sản được xem là "vàng kỹ thuật số" - thực chất bớt tồi tệ hơn vàng, một trong những thảm họa môi trường tồi tệ nhất.

Để nhìn nhận tình hình một cách thực tế và rõ ràng hơn, có một hệ thống năng lượng toàn cầu đòi hỏi khai thác tài nguyên thiên nhiên thông qua đào, xử lý hóa chất, chế biến và vận chuyển. Bộ máy kỹ thuật năng lượng và khoáng sản này có thể tàn phá môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Giống với vàng, Bitcoin cũng có vấn đề trong bộ máy kỹ thuật đòi hỏi năng lượng. Tuy nhiên, trường hợp của tiền mã hóa không giống khai thác vàng và các loại khoáng sản khác. Ngoài ra, có nhiều công nghệ khác sử dụng ít năng lượng hơn hệ thống Bitcoin để xác minh mật mã.

Chúng ta cần nhìn lại các ảnh hưởng đối với thiên nhiên, nhất là những gì mà các nhà vật lý, kỹ sư, nhà phát triển và công ty máy tính có thể làm về mặt kỹ thuật để đối phó với những mối đe dọa tiềm tàng. Các giải pháp cần mang tính xã hội và công nghệ. Chỉ riêng công nghệ mà không có sự ứng dụng xã hội hợp lý sẽ không giải quyết được vấn đề.

- Theo ông, các đồng tiền mã hóa sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi tiền kỹ thuật số của những ngân hàng trung ương và tổ chức lớn ra đời?

Các loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành như blockchain NDT kỹ thuật số không phải mã nguồn mở. Trong khi đó, Bitcoin là một hệ thống mã nguồn mở hoặc công khai.

Rất khó để đánh giá ảnh hưởng của đồng NDT kỹ thuật số hoặc bất cứ loại tiền kỹ thuật số do tư nhân phát triển. Những gì Trung Quốc có thể làm là sử dụng dự trữ vàng nhằm hỗ trợ đồng NDT số, qua đó nhanh chóng gia tăng giá trị.

Bất cứ loại tiền tệ nào do chính phủ phát hành đều có thể được sử dụng (nhờ quyền lực của chính phủ). Trong khi đó, cộng đồng mã nguồn mở vẫn tiếp tục đổi mới. Những tác động từ tiền điện tử phát hành bởi nhà nước sẽ khiến hệ thống có nhiều biến thể hơn.

Các tập đoàn cũng quan tâm đến tiền kỹ thuật số. Facebook đã bắt đầu dự án Libra từ năm 2019 và hiện chuyển đổi thành Diem, một blockchain tư nhân đang được triển khai vào năm 2021. Các dự án này khá triển vọng. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi có thể sẽ lựa chọn phát triển mã nguồn mở (như Bitcoin) thay vì đồng tiền của các chính phủ và tập đoàn. Họ muốn tránh những sự cố tài chính và khả năng bị giám sát.

Khi chính phủ Mỹ nới lỏng định lượng, tiền mới được tạo ra. Người dân thường nói: "Chà, nếu chính phủ có thể in tiền vô hạn, hãy cho chúng tôi một ít". Ý của họ là thu nhập cơ bản có thể phân phối tiền cho mọi người và gia tăng tốc độ lưu thông tiền tệ.

Khi mọi người tiêu tiền, nền kinh tế thực sẽ được duy trì mạnh mẽ. Tiền có thể chảy vào các nhà hàng, rạp chiếu phim, của hàng kinh doanh hàng hóa và dịch vụ, công ty sản xuất vừa và nhỏ...

Tuy nhiên, khi các tập đoàn và người giàu mới là những người giữ tiền, họ sẽ mua cổ phiếu, gia tăng số tài sản nắm giữ và không chi tiêu vào sản xuất mới. Điều này hoàn toàn ngược lại với điều chúng ta cần.

Điều mà nhiều người trẻ khao khát (mã nguồn mở) và những gì các tập đoàn và chính phủ đang làm là một sự pha trộn độc hại. Chúng ta không nên muốn có một thị trường kỹ thuật thuần túy và một xã hội thị trường - nơi mọi trao đổi giữa con người đều được định lượng.

Sẽ tốt hơn nếu dân chủ hóa xã hội, tiền bạc và công nghệ. Đó là nơi khả năng tiếp cận và tham gia hệ thống kỹ thuật là những đặc điểm cơ bản của sự tham gia vào xã hội.

Điều tôi mơ ước là thu nhập cơ bản chung cùng với một hệ thống kỹ thuật mạnh mẽ và bền vững. Mỗi con người có quyền truy cập vào hệ thống đó. Và blockchain sẽ là một phần quan trọng của hệ thống này.

Thảo Cao

Đồ họa: Như Ý

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bitcoin-co-the-dat-500000-usddong-neu-hoan-toan-thay-the-vang-post1188488.html