Bịt mũi đi ngủ, mắc màn ăn cơm!

Nhiều năm qua, người dân xã Sơn Đồng (Hoài Đức – Hà Nội) phải sống trong môi trường ô nhiễm trầm trọng do ảnh hưởng của con kênh T2 chảy qua địa bàn.

Nghề làm miến dong ở xã Dương Liễu gây ô nhiễm trầm trọng.

Có mặt tại xã Dương Liễu, Minh Khai và Cát Quế của huyện Hoài Đức (Hà Nội) vào những ngày đầu đông, luôn là một khung cảnh sản xuất tấp nập chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Theo quan sát, dọc đường làng hiện nay đã xuất hiện các đống dong riềng, sắn được tập kết để chuẩn bị sản xuất.

Sau khi được vận chuyển về các xưởng, không cần qua khâu cọ rửa, các nguyên liệu này được các công nhân múc từng sọt đổ thẳng vào máy xay, tạo ra loại bột dong đẫm nước có màu trắng đục. Loại bột này được đổ vào các bao tải, buộc kín rồi chất dọc đường làng ngõ xóm cho ráo nước.

Sau đó, các tải bột sẽ được công nhân đem đổ vào các bể ngâm để lọc cặn bẩn và làm trắng màu. Toàn bộ lượng lớn nước thải, đất, bã thải dong riềng, sắn không qua xử lý được thải trực tiếp ra môi trường qua hệ thống mương thoát nước ra sông. Hàng ngày mùi hôi thôi bốc lên nồng nặc, nhất là mỗi khi địa phương vào mùa chế biến tinh bột, người dân đành sống chung cùng ô nhiễm.

Khổ vì thối

Ông Nguyễn Doãn Quang, nguyên Trưởng ban Thủy lợi xã Sơn Đồng rất bức xúc nên đã theo ngọn nguồn con kênh để điều tra và được biết chính xác việc xả trực tiếp chất thải nông sản, thực phẩm của các cơ sở sản xuất nông phẩm như miến dong, mạch nha, bún… ở xã Dương Liễu, Minh Khai và Cát Quế.

Nước trong kênh chứa tinh bột lẫn với các loại bã dong, sắn và một số hóa chất dùng để tẩy trắng bột đã chảy theo tuyến kênh dẫn nước về xã Sơn Đồng thì bắt đầu phân hủy, kết tủa. Nhiều chỗ, mặt kênh đóng thành từng mảng váng đặc sệt, nồng nặc mùi hôi thối.

Rất nhiều người dân ở xã Sơn Đồng thừa nhận, vì môi trường bị ô nhiễm quá khủng khiếp nên phải “mắc màn ăn cơm, bịt mũi đi ngủ”. Cực chẳng đã người dân mới phải dùng biện pháp phi khoa học này, hoặc chấp nhận ăn cơm với mùi thối và ruồi nhặng.

Ngược kệnh T2, chúng tôi đến xã Dương Liễu. Dọc trục đường vào xã đã phải ngửi mùi xú uế nồng nặc vừa chua vừa thối bốc lên từ hệ thống mương thoát nước bên đường. Không chỉ vậy, hầu hết các nhánh đường dẫn về các thôn xóm cũng chung cảnh ngộ...

Xã Dương Liễu là nơi có nghề chế biến tinh bột. Tuy nhiên, hầu hết các hộ làm nghề đều trực tiếp tuồn nước thải ra môi trường. Tình trạng này đã diễn ra từ rất lâu nhưng cả chính quyền địa phương và các hộ tham gia làm nghề đều không có phương án cải thiện môi trường.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ quản lý của Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Đan Hoài, đơn vị quản lý kênh T2 và T5 cho biết: Kênh T2 có chiều dài trên 10km, chảy qua 13 xã của 2 huyện Đan Phượng và Hoài Đức. Hiện nay, kênh T2 và T5 đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do nguồn nước thải không qua xử lý từ các làng nghề.

Bức tử môi trường

Một người dân sống gần trụ sở UBND xã Dương Liễu xin giấu tên, cho biết: Thời gian này là thời điểm người làm nghề chạy đua với Tết nên xe cộ vận chuyển khiến bụi đường mù mịt, mùi hôi thối từ kênh mương thì không tả nổi.

Để hạn chế bụi, mùi hôi thối từ hệ thống mương nước thải bốc vào nhà, các hộ sống ven đường phải đóng cửa suốt đêm ngày. Vào ngày mưa thì một số con đường ở Dương Liễu nhầy nhụa bùn đất, bã dong riềng, sắn do quá trình tập kết, vận chuyển gây ra.

Theo số liệu chúng tôi có được, toàn xã Dương Liễu có gần 170 hộ chế biến tinh bột, tập trung nhiều ở các thôn: Đình Đàu, Thống Nhất, Đồng và 4 thôn vùng bãi, gồm: Me Táo, Mới, Hòa Hợp, Đồng Phú. Họ chế biến theo cách truyền thống nên nước thải, bã sắn đều thải ra ngoài không qua xử lý.

Theo giải thích của một cán bộ xã Dương Liễu thì: Tình trạng ô nhiễm môi trường do nghề chế biến tinh bột gây ra đã ở mức báo động từ lâu, nhưng việc xử lý các hộ xả nước, đất, bã thải trực tiếp ra môi trường là khó.

Cạnh xã Dương Liễu là xã Cát Quế cũng ô nhiễm không kém. Tại con kênh T5, mùi hôi thối và mùi hắc của hóa chất xộc thẳng vào mũi. Nước trong kênh đen đặc và có những bao rác tụ lại đóng váng nổi lềnh phềnh.

Được biết, ngoài những nghề như làm miến, bún khô, mạch nha, mấy năm qua xã Cát Quế còn có nhiều hộ nuôi lợn. Quá trình xử lý chất thải, nước thải ở hầm biogas không đảm bảo nên lượng chất thải này cũng được đổ trực tiếp ra con kênh T5.

Phóng viên đã có buổi làm việc với ông Trần Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Quế, ông Long thừa nhận thực trạng ô nhiễm ở địa phương. Tuy nhiên, ông Long cũng nói tình trạng ô nhiễm bây giờ đã đỡ rất nhiều so với mấy năm trước vì các hộ đang dần chuyển nghề nghiệp sang làm dịch vụ.

Một trong những thủ phạm gây ô nhiễm môi trường nặng nề cho xã Cát Quế, theo phản ánh của người dân chính là Công ty Cổ phần Bánh kẹo Việt Long. Công ty có địa chỉ tại thôn 4, xã Cát Quế, mã số thuế 050520529, Giám đốc là ông Nguyễn Duy Việt, hoạt động từ năm 2006 chuyên sản xuất các loại bánh quy, bánh khoai tây, bánh gấc, bánh ngô, bánh yến mạch… địa chỉ sản xuất tại thôn 7 xã Cát Quế.

“Theo quy định thì doanh nghiệp phải do cấp huyện kiểm tra, cấp xã chỉ kiểm tra các hộ kinh doanh cá thể. Vì thế để kiểm tra hay xử lý Công ty Việt Long gây ô nhiễm thì phải do cấp trên chứ cấp xã không có quyền”, ông Long cho biết.

“Cải thiện môi trường là điều không dễ làm bởi ý thức của người dân không cao. Tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã xử phạt hộ kinh doanh của ông Lê Duy Sáng với mức 2,5 triệu đồng đối với hành vi không có kế hoạch bảo vệ môi trường”.
Ông Trần Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Quế

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bit-mui-di-ngu-mac-man-an-com-4049869-b.html